Để luôn là điểm đến hấp dẫn

Những số liệu Tổng cục Thống kê công bố về lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam những năm gần đây cho thấy ngành công nghiệp không khói đang cất cánh. Cụ thể, nếu năm 2017, số khách du lịch tới Việt Nam là 12,9 triệu lượt, tăng 29,1% so với năm 2016 thì chỉ trong 11 tháng của năm 2018, con số này đã tăng 21,3% so với cùng kỳ năm 2017, ước đạt 14.123.556 lượt khách.

Đây quả là con số đáng mơ ước khi nhìn lại cách đây 18 năm, khi kết thúc năm 2000 chúng ta mới cán mốc hai triệu lượt khách quốc tế và đến năm 2005 mới đạt mức ba triệu lượt. Trước đây, phải mất đến 5 năm để ngành du lịch cả nước thu hút được hơn một triệu lượt khách quốc tế, nhưng giờ đây chỉ tính từ năm 2016 đến hết tháng 12-2018, nghĩa là sau có hai năm, chúng ta đã thu hút tăng thêm gần 5 triệu lượt khách quốc tế nếu so với cột mốc 10 triệu lượt của năm 2016.

Sự bùng nổ ngoạn mục, đó là cách nói ví von của rất nhiều tờ báo, tạp chí nước ngoài và các bình luận trên mạng xã hội khi nói về ngành du lịch Việt Nam những năm gần đây. Điều đó hoàn toàn là có cơ sở.

Được thiên nhiên ban tặng nhiều tiểu vùng địa lý, khí hậu đa dạng và đặc sắc, qua quá trình sinh sống, lao động xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hàng nghìn năm qua, các thế hệ người Việt Nam đã góp phần tạo dựng những di sản văn hóa vật thể và phi vật thể vô giá, nhiều di sản văn hóa và thiên nhiên đặc sắc được thế giới biết đến và vinh danh. Thông qua quá trình phát triển đồng bộ hạ tầng giao thông, cơ sở lưu trú và các điểm vui chơi, nghỉ dưỡng ngày càng có chất lượng cao trong những năm gần đây đã cải thiện đáng kể công tác đón tiếp và phục vụ khách du lịch. Lượng khách đến Việt Nam với tốc độ tăng trưởng cao liên tục cho thấy bạn bè quốc tế ngày càng có ấn tượng tốt đẹp về một đất nước Việt Nam thanh bình, tươi đẹp, một nền văn hóa giàu bản sắc, con người thân thiện và mến khách.

Tuy nhiên, với tốc độ tăng trưởng nhanh chóng như hiện tại, từ góc nhìn quản lý, việc đáp ứng những nhu cầu của khách du lịch quốc tế và khách du lịch trong nước như việc đi lại bằng đường hàng không, cơ sở lưu trú tại những điểm du lịch nổi tiếng sẽ trở nên quá tải trong ngắn hạn nếu chúng ta không có những chiến lược phát triển bền vững và tầm nhìn dài hạn. Công tác quảng bá hình ảnh du lịch Việt Nam ra thế giới cần làm bài bản, chuyên nghiệp. Trong bối cảnh chi phí cho công tác quảng bá, tuyên truyền du lịch ra thế giới hạn hẹp như hiện nay, việc áp dụng công nghệ thông tin giới thiệu hình ảnh đất nước trong kỷ nguyên số là giải pháp hợp lý và hiệu quả. Bên cạnh đó, việc đào tạo đội ngũ hướng dẫn viên chuyên nghiệp và tuyên truyền nâng cao ý thức làm du lịch của người dân cũng là điều rất quan trọng với mục tiêu làm sao mỗi người dân Việt Nam phải trở thành một hướng dẫn viên thân thiện, hiếu khách, để lại kỷ niệm sâu đậm trong lòng du khách về thiên nhiên, đất nước, con người đáng nhớ.

Ngành du lịch vừa tổ chức Diễn đàn cấp cao du lịch 2018 nhằm thảo luận các giải pháp trọng tâm phát triển du lịch Việt Nam chất lượng, bền vững tới năm 2030. Cùng với Đề án “Cơ cấu lại ngành du lịch đáp ứng yêu cầu phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn” vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, hy vọng đây sẽ là những cú huých về cơ chế mạnh mẽ để ngành du lịch Việt Nam khai thác mọi tiềm năng và thực hiện thành công mục tiêu đến năm 2025, tổng thu từ khách du lịch đạt 45 tỷ USD, ngành du lịch đóng góp hơn 10% GDP, đón và phục vụ 30 - 32 triệu lượt khách du lịch quốc tế, hơn 130 triệu lượt khách du lịch nội địa.

Nếu làm đúng, ngành công nghiệp không khói chắc chắn sẽ tạo ra giá trị kinh tế cao và là kênh quảng bá hình ảnh đất nước, con người, văn hóa Việt Nam ra thế giới thiết thực và hiệu quả nhất.