Cơ hội thúc đẩy chính phủ điện tử

Công cuộc xây dựng chính phủ điện tử ở nước ta thời gian qua chuyển biến tích cực. Tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4 tăng hơn gấp đôi so năm 2018; 100% số bộ, ngành, địa phương đã kết nối gửi, nhận văn bản điện tử qua Trục liên thông văn bản quốc gia; Cổng Dịch vụ công quốc gia phát huy hiệu quả; công tác bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng được cải thiện… Dù vậy, lộ trình xây dựng chính phủ điện tử còn khó khăn, đặc biệt trong việc khuyến khích người dân tham gia.

Triển khai chính phủ điện tử là việc ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông để đổi mới tổ chức, quy trình, giúp các cơ quan chính quyền làm việc hiệu lực, hiệu quả và minh bạch hơn, cung cấp thông tin, dịch vụ tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp (DN) và tổ chức, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân thực hiện quyền dân chủ và tham gia quản lý nhà nước. Mục tiêu chung của chính phủ điện tử là cải thiện tương tác giữa chủ thể tham gia gồm chính quyền, người dân và DN nhằm phát triển kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, đến nay, tỷ lệ người dân và DN tham gia chính phủ điện tử chưa cao. Trên phạm vi cả nước, có những quận, huyện cung cấp dịch vụ công trực tuyến đến các xã, phường nhưng số lượng hồ sơ đăng ký trực tuyến chỉ đạt 5 - 6% tổng số hồ sơ. Có xã ở vùng sâu, vùng xa triển khai tới hàng chục thủ tục dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 nhưng chưa có người dân nào đăng ký. Không ít người dân, DN, kể cả người sinh sống, làm việc ở thành phố lớn, còn mơ hồ khi được hỏi về dịch vụ công trực tuyến, coi chính phủ điện tử là việc của Chính phủ, các bộ, ngành…

Thực trạng trên bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân. Trong đó có việc người dân và DN ngại tiếp xúc phương thức mới, lo lắng thất lạc hồ sơ, lộ thông tin; hạ tầng công nghệ chưa đồng bộ; hiểu biết về công nghệ thông tin của người dân, nhất là người dân vùng sâu, vùng xa còn hạn chế; dữ liệu liên quan dịch vụ công trực tuyến chưa đầy đủ, khó tra cứu, khó sử dụng; người thực thi công vụ còn coi nhẹ việc triển khai ứng dụng chính phủ điện tử…

Gần đây, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Để thực hiện cách ly xã hội, tránh tiếp xúc đông người, hạn chế nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh, các cơ quan, DN, người dân bắt đầu đổi mới phương thức làm việc, phục vụ. Nhiều thông báo khẩn, khuyến cáo, hướng dẫn của Chính phủ, bộ, ngành, địa phương… được chuyển tới người dân qua internet, tin nhắn OTT. Thay vì gặp mặt trực tiếp, nhiều đơn vị đã họp online; thay vì đến công sở thì nhân viên ở nhà làm việc trực tuyến. Không ít cơ sở giáo dục triển khai dạy - học online. Người dân lưu tâm hơn việc sử dụng dịch vụ công trực tuyến, tích cực khai báo thông tin y tế điện tử, thông tin lưu trú qua website, ứng dụng…

Phát biểu ý kiến tại Hội nghị trực tuyến Ủy ban Quốc gia về chính phủ điện tử mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo việc xây dựng chính phủ điện tử phải lấy người dân làm trung tâm. Thực tế đang diễn ra cho thấy việc này không quá khó thực hiện. Người dân, DN chắc chắn sẽ tích cực tham gia quá trình xây dựng chính phủ điện tử khi nhận được định hướng, chỉ dẫn, cam kết rõ ràng cũng như sự bảo đảm từ phía cơ quan chức năng, nhất là khi họ thấy được lợi ích thiết thân khi tham gia chính phủ điện tử.

Dịch bệnh vô cùng nguy hiểm, nhưng “trong nguy có cơ”. Thời điểm này người dân cần nâng cao trách nhiệm, chủ động tìm hiểu, nâng cao trình độ công nghệ thông tin, thực hành sử dụng dịch vụ công trên mạng, cũng như giao tiếp trực tuyến, góp phần phát huy hiệu quả ứng dụng chính phủ điện tử. Tương tự, đây là cơ hội để Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương… hoàn thiện hạ tầng công nghệ thông tin, nâng cấp cơ sở dữ liệu quốc gia, cải thiện chất lượng dịch vụ công, góp phần tăng tốc hình thành chính phủ điện tử.