Chưa hết mối lo

Những "trận mưa vàng" giải nhiệt đổ xuống dải đất miền trung đúng như mong đợi của nhiều người. Việc thời tiết chuyển mưa từ đầu tuần này cùng các vụ cháy rừng cơ bản được khống chế là những thông tin được dư luận cả nước quan tâm.

Nắng nóng kéo dài gây nên cháy rừng, đặc biệt là vụ cháy rừng ở Hà Tĩnh và các vụ khác ở Trung Bộ. Từ ngày 28-6, trên địa bàn huyện Nghi Xuân, Hương Sơn, Ðức Thọ… (tỉnh Hà Tĩnh) xảy ra nhiều vụ cháy. Tại khu vực này, thảm thực bì dày cộng với hiện tượng gió phơn tây nam thổi mạnh, địa hình trắc trở, phức tạp… làm lửa lan rộng. Hàng trăm ha rừng thông, keo phòng hộ chìm trong bão lửa. Trong bốn ngày, chính quyền Hà Tĩnh phải huy động tổng lực hàng trăm nghìn lượt người, sử dụng mọi phương tiện cứu rừng, phát các đường băng cản lửa, sơ tán người dân nhằm bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản.

Cùng khoảng thời gian nói trên, nhiều vụ cháy rừng phòng hộ xảy ra tại Nghệ An, Quảng Bình, Thừa Thiên - Huế, Ðà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi… Thời tiết nắng nóng, khô hanh kéo dài, nhiệt độ hơn 40 độ C cùng gió thổi mạnh khiến các đám cháy lan nhanh, uy hiếp tính mạng, tài sản của người dân. Tại các địa bàn trên, lực lượng chức năng gồm cảnh sát phòng cháy, chữa cháy, cán bộ, chiến sĩ các lực lượng vũ trang cùng người dân, nỗ lực khoanh vùng, khống chế lửa…

Ðến nay, khu vực cháy rừng tại các tỉnh miền trung về cơ bản được kiểm soát. Tuy nhiên, thời tiết còn nhiều bất thường, mưa chỉ diễn ra trong thời gian ngắn, hiện tượng nắng nóng gay gắt và hanh khô còn quay trở lại và có thể còn kéo dài đến hết tháng 7, chính quyền và người dân các địa phương này sẽ tiếp tục phải tăng cường lực lượng, sẵn sàng ứng phó diễn biến mới, rà soát những điểm đã được khống chế, xử lý khu vực còn tiềm ẩn nguy cơ tái phát. Cùng với đó, nhiệm vụ phục hồi rừng, phân loại các loại rừng bị cháy, từ đó có chính sách hỗ trợ người dân trồng rừng trở lại… đang được đặt ra.

Ðể chuẩn bị vào vụ trồng rừng mới, người dân miền trung có thói quen xử lý thực bì. Do thiếu kiến thức, không ít người thu dọn thực bì rồi đốt không đúng quy trình. Nhiều người cho rằng, thời điểm càng nắng nóng, gió càng to, thì xử lý thực bì bằng lửa sẽ nhanh hơn, sạch hơn… Ðiều đó không chỉ gây thiệt hại cả về người và tài sản cá nhân, mà còn gây ra cháy rừng, nhất là rừng trồng thông, vùng giáp ranh với rừng tự nhiên có nhiều lau lách, thảm thực vật dày. Bởi vậy, chính quyền ở các khu vực trên cần tuyên truyền để người dân nâng cao ý thức bảo vệ và phát triển rừng, yêu cầu ngừng xử lý thực bì bằng lửa khi thời tiết nắng nóng, gió to hay vào các thời điểm nhạy cảm.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, những ngày đầu tháng 7, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới đang mạnh lên thành bão, ở các tỉnh miền trung có mưa, thậm chí mưa rất to. Mưa lớn chấm dứt nắng nóng, dập tắt các đám cháy âm ỉ, hạn chế cháy rừng, cứu nguy cho cây trồng vụ mùa đang có nguy cơ thất thu do khô hạn. Tuy nhiên, các tỉnh miền trung vừa trải qua đợt cháy rừng phòng hộ, bề mặt thảm phủ bị suy giảm, mưa lớn tập trung trong thời gian ngắn, nên nguy cơ sạt lở đất, lũ quét nghẽn dòng, lũ bùn đá là rất lớn. Chưa kịp thở phào với việc kết thúc nạn cháy rừng, chính quyền và người dân khu vực này tiếp tục gồng mình đối phó khả năng bão, lũ…

Không ngẫu nhiên mà người xưa đúc kết nên bốn đại họa trong cuộc sống là thủy, hỏa, đạo, tặc (nước, lửa, trộm cắp, giặc giã), trong đó thủy và hỏa được đặt lên hàng đầu. Dù còn nhiều mối lo, nhưng tai họa từ thủy - hỏa hoàn toàn có thể kiểm soát và giảm thiệt hại nếu chúng ta có ý thức và sớm lên phương án phòng ngừa.