Chớ để “nước đến chân mới nhảy”!

Những ngày gần đây, theo ghi nhận của hệ thống quan trắc không khí IQAir AirVisual, TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh lọt tốp 10 thành phố có chỉ số chất lượng không khí (AQI) ô nhiễm cao nhất thế giới, thậm chí có lúc Hà Nội còn đứng đầu danh sách, lên ngưỡng mầu tím. Thông tin nói trên đang gây lo ngại trong cộng đồng.

IQAir AirVisual chia chất lượng không khí thành sáu mức với sáu mầu: xanh lá cây, vàng, vàng cam, đỏ, tím và nâu; trong đó, thang mầu đỏ có AQI từ 151-200, tương ứng mức độ ô nhiễm, mầu tím có AQI từ 201-300, tương ứng mức độ rất ô nhiễm, mầu nâu từ 301 - 500, tương ứng mức độ nguy hiểm. Từ cuối tháng 9, IQAir AirVisual xếp Hà Nội ở vị trí số một trong số 10 thành phố có chất lượng không khí xấu nhất thế giới trên tổng số 10 nghìn thành phố được quan trắc, với AQI trong khoảng 151- 200, tiếp sau là Jakarta (Indonesia) và TP Hồ Chí Minh. Tới tuần này, AQI của Hà Nội chạm 292 vào 6 giờ sáng 1-10, là mốc cao nhất trong nhiều năm lại đây.

Theo Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội, ở Hà Nội và các tỉnh, thành phố miền bắc, ô nhiễm bụi thường tăng cao vào thời điểm chuyển mùa; hiện tại Hà Nội có nhiều công trình xây dựng khiến phát sinh bụi, các huyện ngoại thành đang thu hoạch lúa nên hiện tượng đốt rơm rạ tái diễn… Lý giải về chỉ số do IQAir AirVisual công bố, đại diện Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội cho rằng, máy móc quan trắc của Việt Nam có thể áp dụng theo tiêu chuẩn khác thiết bị của nước ngoài đặt tại Việt Nam, hơn nữa IQAir AirVisual lấy dữ liệu từ trạm quan trắc đặt tại Ðại sứ quán Mỹ nên không đại diện cho toàn địa bàn TP Hà Nội.

Thông tin quan trắc chất lượng không khí của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, có lẽ vì thế, cho kết quả thấp hơn (?). Theo Cổng thông tin quan trắc môi trường Hà Nội, với năm mức gồm tốt, trung bình, kém, xấu, nguy hại, chất lượng không khí của Hà Nội những ngày qua ở mức “kém”, tức là AQI từ 101 - 200. Trong ngày 1-10, AQI tại Hà Nội có lúc là 192. Người dân được khuyến cáo “nhóm nhạy cảm cần hạn chế thời gian ở ngoài”… Tuy khác nhau về thông số cũng như hệ tiêu chuẩn nhưng IQAir AirVisual cũng như Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hà Nội đều đưa ra thông tin không khả quan về chất lượng không khí Hà Nội. Trong cuộc họp báo chiều 1-10, người phát ngôn UBND TP Hà Nội đã thừa nhận chất lượng không khí suy giảm. Các ứng dụng theo dõi AQI khác như PAM Air, Plume Lab… cũng có đánh giá, cảnh báo tương tự.

Ô nhiễm rác thải hay ô nhiễm nguồn nước dễ dàng nhìn thấy, còn ô nhiễm không khí rất khó nhận biết. Vì vậy, thực tế là nhiều người quan tâm hai loại hình ô nhiễm đầu mà dễ bỏ qua ô nhiễm không khí. Trong khi đó, ô nhiễm không khí được coi là “sát nhân vô hình” đối với người dân nói chung, đặc biệt đối với người nhạy cảm, người có bệnh lý về hô hấp, tim mạch...

Cải thiện chất lượng không khí là việc cần làm và tất nhiên không phải chuyện “ngày một ngày hai”. Nhưng, thay vì tập trung lý giải nguyên nhân khác biệt của thông số AQI, cơ quan chức năng cần đưa ra thông tin cụ thể về chất lượng không khí, khuyến cáo cần thiết cho cộng đồng sớm hơn nữa, đặc biệt khi chất lượng không khí xuống thấp, để có giải pháp khắc phục. Việc này giúp nâng cao nhận thức người dân, tránh chủ quan, cũng tránh hoang mang không cần thiết. Trên cơ sở đó, các cơ quan, ban, ngành liên quan xây dựng được kế hoạch ứng phó, hạn chế tình trạng “nước đến chân mới nhảy”.