Cần từ hai phía

Mới đây, lãnh đạo UBND thị xã Gia Nghĩa (Đác Nông) cho biết, đơn vị này có Quyết định số 40/QĐ-UBND, về việc thi hành kỷ luật khiển trách đối với Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường thị xã, với lý do có những phát ngôn thiếu chuẩn mực đạo đức, văn hóa công vụ khi thực thi nhiệm vụ.

Trước đó, vào cuối tháng 3-2019, trên mạng xã hội xuất hiện đoạn clip dài ghi lại cảnh làm việc của đoàn cán bộ Phòng Tài nguyên và Môi trường thị xã Gia Nghĩa với hộ dân liên quan con đường đi trong rẫy. Trong clip này, người dẫn đầu đoàn cán bộ, sau này được biết là Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường, khi tranh luận đã có thái độ xúc phạm, sử dụng ngôn từ không đúng. Ủy ban Kiểm tra Thị ủy Gia Nghĩa vào cuộc và kết luận phát ngôn của công chức này chưa chuẩn mực, công chức nói trên cũng thừa nhận bản thân nóng nảy và xin rút kinh nghiệm sâu sắc.

Trong quá trình kiểm tra sự việc, cơ quan chức năng thị xã Gia Nghĩa cho biết, vào năm 2018, hộ gia đình nói trên chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp sang đất ở tại đô thị với diện tích lớn, ghi nợ tiền sử dụng đất. Chưa được phép của UBND thị xã, hộ gia đình này san ủi, tự ý mở đường trái quy định, sau đó phân lô, bán nền không theo quy hoạch chi tiết đã được phê duyệt. Bởi vậy, khi làm việc, giữa cán bộ và người dân xảy ra mâu thuẫn, hộ dân nói trên cũng có lời lẽ thách thức người thực thi công vụ…

Lâu nay, trong ứng xử giữa người thực thi công vụ và người dân, khi có vấn đề gì xảy ra, chưa cần rõ nguồn cơn thế nào, dư luận thường nghiêng về ủng hộ người dân. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, không riêng gì ở vụ việc cụ thể này, có nhiều trường hợp, cái sai không xuất phát từ người thi hành công vụ. Chúng ta từng chứng kiến trường hợp người vi phạm giao thông lên giọng chửi bới, xúc phạm, thậm chí đe dọa cảnh sát giao thông, nhưng các chiến sĩ cảnh sát giao thông đang làm nhiệm vụ lại lúng túng, không biết xử trí thế nào. Bởi phản ứng thái quá, dễ vi phạm điều lệnh, vi phạm chuẩn mực đạo đức, văn hóa công vụ. Và như vậy, người vi phạm được thể lấn lướt.

Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước ban hành nhiều chủ trương, chính sách, văn bản pháp luật nhằm xây dựng văn hóa công vụ, hình thành chuẩn mực, nền nếp, kỷ cương làm việc trong tổ chức và hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước. Gần đây nhất, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án Văn hóa công vụ. Điều đó cho thấy văn hóa công vụ là yếu tố quan trọng góp phần hình thành phong cách ứng xử, lề lối làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động, bảo đảm tính chuyên nghiệp, trách nhiệm, năng động, minh bạch, hiệu quả trong thực thi nhiệm vụ, công vụ, đáp ứng yêu cầu phục vụ nhân dân, xã hội. Việc thực thi kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức vi phạm văn hóa công vụ là cần thiết để bảo đảm tính nghiêm minh.

Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, cũng cần có thêm những quy định để không chỉ người thực thi công vụ, mà cả người tiếp xúc với người thực thi công vụ cũng phải bảo đảm được chuẩn mực về đạo đức, văn hóa. Có như vậy, các chủ trương, chính sách, cũng như văn bản pháp luật về xây dựng văn hóa công vụ mới phát huy hiệu quả, đi vào cuộc sống.