Cẩn trọng với sản phẩm “đội lốt” giải cứu

Những tuần qua, diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 khiến nhiều nông sản, thủy sản xuất khẩu của nước ta bị ùn ứ. Trước nguy cơ người sản xuất thua lỗ, nhiều cá nhân, nhóm thiện nguyện, chính quyền, đoàn thể… phát động “giải cứu” các mặt hàng tồn đọng. Tinh thần tương ái đó được thể hiện qua nhiều hoạt động thiết thực, qua mạng xã hội, phương tiện truyền thông. Thế nhưng, lợi dụng việc này, có không ít người gắn mác “giải cứu” sản phẩm của mình.

Tại các tỉnh, thành phố phía bắc, những tuyến đường có vỉa hè rộng xuất hiện hàng loạt điểm “giải cứu” nông sản. Người bán hàng cho biết, đây là sản phẩm của nông dân các tỉnh miền trung - Tây Nguyên, miền nam đi các nước, do dịch bệnh bùng phát nên quay về phục vụ nội địa. Tương tự, tại các cửa hàng thủy sản, hệ thống bán lẻ của một số siêu thị, vào cuối tháng hai, hình ảnh người dân xếp hàng dài mua tôm hùm trong diện “giải cứu” không còn lạ. Trên nhiều diễn đàn, chợ trực tuyến, lời kêu gọi cộng đồng mua nông sản, thủy sản cũng trở nên phổ biến. Các giao dịch online với dịch vụ ship hàng tận nơi góp phần “giải cứu” nhiều mặt hàng…

Nhiều năm nay, hoạt động “giải cứu” nông sản chỉ được xem là tình thế. Dù vậy, không thể phủ nhận tính hiệu quả của giải pháp này. Nhờ “giải cứu” mà nhiều mặt hàng do người nông dân “một nắng hai sương” sản xuất ra được tiêu thụ đúng lúc, kịp thời, tránh phải đổ bỏ làm lãng phí tiền bạc, công sức. Tuy nhiên, bên cạnh hoạt động nghiêm túc như vậy, xuất hiện không ít mặt hàng “đội lốt” giải cứu.

Với một mặt hàng cần được “giải cứu”, lẽ ra giá phải thấp so thông thường, người bán bán giúp mà không đặt lợi nhuận lên hàng đầu, người mua mua giúp khi chưa thật sự có nhu cầu, trong khi đối tượng cần hỗ trợ là người trực tiếp sản xuất, nuôi trồng. Nhưng có không ít thương lái đã lợi dụng “giải cứu” để tiêu thụ lượng hàng lớn trong thời gian ngắn, đẩy giá lên cao thu lãi “khủng”. Thành thử, thiệt thòi lại thuộc về người trực tiếp sản xuất và tiêu thụ.

Cụ thể, với tôm hùm, trên thực tế vừa qua, giá chỉ giảm một mức nhất định ở tôm hùm xanh, còn tôm hùm bông giá không giảm. Song có hiện tượng người bán lập lờ giữa các loại tôm hùm. Người tiêu dùng chỉ biết mua được tôm hùm mà không biết tôm hùm xanh trọng lượng bé, giá thấp, còn tôm hùm bông trọng lượng lớn, giá cao hơn; giá tôm tươi sống khác tôm đông lạnh, tôm “ngất”. Với một số nông sản như sầu riêng, thanh long, một số nơi chăng khẩu hiệu giải cứu nhưng vẫn bán nguyên giá thông thường…

Chưa hết, không hiếm mặt hàng ăn theo hoạt động giải cứu. Trên mạng xã hội, có người kêu gọi giải cứu bưởi, trứng chim cút, hàu, cua, ghẹ, hoa hồng Ðà Lạt… Nhờ gắn mác “giải cứu”, các chủ hàng “giải phóng” được hàng tồn. Người tiêu dùng may mắn thì mua được hàng có chất lượng tốt. Lại cũng nhiều người phản ánh sản phẩm đến tay họ không bảo đảm chất lượng như chủ hàng cam kết. Có địa phương khẳng định không cần giải cứu nhưng ở điểm phân phối, người bán khẳng định sản phẩm của địa phương đó cần giải cứu, vô hình trung khiến sản phẩm thật rớt giá…

Hoạt động giải cứu nông sản, thủy, hải sản nói riêng hay các sản phẩm của Việt Nam nói chung là nhân lên sự sẻ chia, chung tay vì cộng đồng trong những thời điểm khó khăn. Nhưng thực tế trên cho thấy, người sản xuất - người tiêu dùng cần tỉnh táo, lựa chọn kỹ và chủ động nắm chắc thông tin, cung cấp thông tin chính xác khi tham gia giao dịch, tránh biến mình thành nạn nhân của việc làm trục lợi.

Do hoạt động “giải cứu” phần lớn tự phát, chưa có những quy tắc, tiêu chuẩn cụ thể nên dễ bị lợi dụng, lạm dụng. Vì thế, quan trọng hơn, trước khi hình thành quy trình khép kín sản xuất - phân phối - tiêu thụ nông sản, các cơ quan chức năng phải chủ động kiểm tra, xây dựng phương án giám sát hoạt động giải cứu, hạn chế tác động tiêu cực đến thị trường, tránh để người tiêu dùng - người sản xuất mất lòng tin.