Bước tiến mạnh mẽ

Đúng hai năm sau khi đạt 400 tỷ USD, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam cả năm 2019 dự kiến vượt mốc 500 tỷ USD, đưa nước ta lọt tốp 30 quốc gia có tăng trưởng xuất nhập khẩu hàng đầu trên thế giới. Trong bối cảnh kinh tế thế giới năm 2019 tăng trưởng chậm, xuất hiện nhiều trở ngại khiến thương mại giảm tốc, đây có thể coi là nỗ lực lớn của Việt Nam.

Theo Tổng cục Hải quan, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu 11 tháng năm 2019 là 472,36 tỷ USD, tăng 7,3% so cùng kỳ năm 2018. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt 241,65 tỷ USD, tăng 7,9%; kim ngạch nhập khẩu đạt 230,7 tỷ USD, tăng 6,6% so cùng kỳ năm trước. Tại cuộc họp báo quý IV-2019, đại diện Bộ Công thương cũng nhận định với kim ngạch bình quân khoảng 43 tỷ USD/tháng, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam cả năm sẽ vượt qua con số 500 tỷ USD.

Thành tựu ấy cho thấy nỗ lực của Chính phủ trong điều hành chiến lược xuất nhập khẩu. Theo đó, phát triển xuất khẩu theo mô hình bền vững và hợp lý, vừa mở rộng quy mô xuất khẩu, vừa chú trọng nâng cao giá trị gia tăng, chuyển dịch cơ cấu hàng hóa… Về nhập khẩu, điều chỉnh nhịp độ tăng trưởng nhập khẩu hàng hóa, phát triển sản xuất nguyên, nhiên, phụ liệu phục vụ các ngành hàng xuất khẩu, đáp ứng nhu cầu trong nước và phát triển công nghiệp hỗ trợ, định hướng nhập khẩu cho các ngành sản xuất sử dụng nguyên, nhiên, vật liệu mà việc khai thác, sản xuất trong nước kém hiệu quả…

Hiệu quả thấy rõ là, dù đặt mục tiêu cân bằng cán cân thương mại hai chiều vào năm 2020, nhưng nền kinh tế có sự chuyển dịch từ nhập siêu sang xuất siêu những năm gần đây với đa dạng mặt hàng xuất khẩu. Tính hết 11 tháng năm 2019, có 30 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu hơn 1 tỷ USD, chiếm 91,6% tổng kim ngạch xuất khẩu, trong đó có đến năm mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu hơn 10 tỷ USD, chiếm 59,6%. Việt Nam dự kiến ghi nhận xuất siêu gần 11 tỷ USD, cao nhất từ năm 2012, đưa năm 2019 thành năm thứ tư liên tiếp Việt Nam đạt xuất siêu.

Cùng với đó, việc đẩy mạnh về cải cách thủ tục hành chính, hoàn thiện luật để hình thành môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng cũng tạo điều kiện thu hút nguồn lực đầu tư từ nước ngoài. Đáng chú ý là mức xuất siêu kỷ lục có sự đóng góp đáng kể của khu vực doanh nghiệp FDI với 167 tỷ USD trong 11 tháng, tăng 4% so cùng kỳ năm trước. Thành tích xuất nhập khẩu cũng có vai trò lớn của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam khi mở rộng thị trường, cải thiện năng lực quản trị, nâng cao năng suất lao động, áp dụng công nghệ trong các lĩnh vực.

Một trong những nguyên nhân thúc đẩy tăng trưởng xuất nhập khẩu còn nằm ở tốc độ hội nhập của Việt Nam. Với 16 hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có 12 FTA đang triển khai thực hiện, hàng hóa Việt Nam tiếp tục khai thác các thị trường truyền thống, mở rộng phát triển nhiều thị trường mới. Việc đẩy mạnh xuất khẩu sang một số nước tham gia Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) như Ca-na-đa, Mê-hi-cô... cũng tạo đòn bẩy cho xuất khẩu Việt Nam.

Bước sang năm 2020, theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, dù có đà từ con số tăng trưởng xuất nhập khẩu ấn tượng, nhưng còn không ít thách thức. Việt Nam tham gia ngày càng nhiều các FTA, sự ràng buộc cũng như ảnh hưởng giữa các nước cùng tham gia FTA càng lớn. Vì thế những diễn biến phức tạp như căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc, tốc độ phục hồi chậm của kinh tế toàn cầu, bất ổn chính trị, các cuộc xung đột trên thế giới, thiên tai, dịch bệnh, các rào cản thương mại ở một số thị trường… cũng sẽ có tác động đến Việt Nam.

TRONG quá trình hội nhập quốc tế, các doanh nghiệp có vai trò rất lớn, do đó phải chủ động nâng cao năng lực cạnh tranh. Cơ quan chức năng, các ban, bộ, ngành cũng cần tích cực hơn nữa trong việc tiếp tục hoàn thiện thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy biện pháp nhằm gỡ rào cản thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp nắm bắt cơ hội… Có sự đồng tâm hiệp lực như vậy, hoạt động xuất nhập khẩu mới tăng trưởng bền vững như mục tiêu mà Chính phủ đề ra.