Bước đi quan trọng trong kỷ nguyên 4.0

Cổng Dịch vụ công quốc gia (DVCQG) vừa chính thức đi vào hoạt động. Từ nay, người dân hay doanh nghiệp không cần đến trụ sở cơ quan nhà nước mà ở bất cứ đâu cũng có thể đăng nhập được đến các cổng dịch vụ công cấp bộ, cấp tỉnh… để thực hiện giao dịch trực tuyến.

Vào tháng 3-2019, tại Lễ khai trương Trục liên thông văn bản quốc gia, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký duyệt qua hệ thống điện tử đề án Cổng DVCQG, giao trách nhiệm cho Văn phòng Chính phủ chủ trì, phối hợp các bộ, ngành, địa phương thực hiện. Thời gian qua, các cơ quan, đơn vị liên quan đã đẩy mạnh rà soát, chuẩn hóa, nâng cấp cơ sở dữ liệu thủ tục hành chính, tích hợp các dịch vụ công trực tuyến vào hệ thống.

Sau chín tháng chuẩn bị, Cổng DVCQG đã sẵn sàng phục vụ. Cổng DVCQG cung cấp năm dịch vụ công thực hiện tại 63 tỉnh, thành phố gồm: đổi giấy phép lái xe, thông báo hoạt động khuyến mãi, cấp lại thẻ bảo hiểm y tế do mất, hỏng, dịch vụ cấp điện hạ áp (phục vụ người dân, hộ gia đình), dịch vụ cấp điện trung áp (phục vụ doanh nghiệp) và tích hợp tiện ích thanh toán tiền điện; cung cấp bốn dịch vụ công thực hiện tại cấp bộ gồm: cấp giấy phép lái xe quốc tế; đăng ký khuyến mãi; nhóm dịch vụ về cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa; nộp thuế điện tử đối với doanh nghiệp.

Các dịch vụ công trực tuyến được đưa lên Cổng DVCQG theo lộ trình, theo đó ưu tiên cung cấp thủ tục, dịch vụ thiết yếu với người dân, doanh nghiệp. Dự kiến, trong quý I-2020, các bộ, ngành, địa phương sẽ tích hợp lên Cổng DVCQG thêm 15 dịch vụ công như: nộp thuế điện tử đối với cá nhân, cấp mã số đơn vị quan hệ ngân sách, hải quan, đăng ký kinh doanh, y tế, lao động, khai sinh, giao dịch bảo đảm, lý lịch tư pháp, thu phạt vi phạm giao thông đường bộ…

Người dân, doanh nghiệp chỉ cần truy cập địa chỉ dichvucong.gov.vn, sau khi đăng ký sẽ sử dụng một tài khoản để đăng nhập Cổng DVCQG. Với hình thức này, khách hàng không phụ thuộc nhiều vào thời gian, địa giới hành chính khi giao dịch với các cơ quan nhà nước ở những nhóm dịch vụ trực tuyến được tích hợp, đồng thời có thể theo dõi tình trạng giải quyết, đánh giá chất lượng giải quyết và gửi phản ánh, kiến nghị. Ngoài việc tiết kiệm về thời gian, đơn giản hóa và minh bạch hóa quy trình xử lý công việc, Cổng DVCQG còn giúp tiết kiệm chi phí trung bình khoảng 4.222 tỷ đồng/năm, với giả định chuyển số lượng giao dịch năm 2018 từ phương thức trực tiếp sang trực tuyến tại Cổng DVCQG.

Trong bối cảnh cơ sở dữ liệu quốc gia chưa hoàn chỉnh, cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ, một số vấn đề liên quan thể chế chưa được hoàn thiện, nỗ lực đưa Cổng DVCQG vào hoạt động của cơ quan chủ trì và các bộ, ngành, địa phương… là nhằm nâng cao hiệu quả công tác phục vụ, gắn kết cơ quan công quyền với người dân và doanh nghiệp. Bước cải cách thủ tục hành chính nói trên cũng thể hiện quyết tâm của Chính phủ trong đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý, hướng tới xây dựng Chính phủ điện tử.

Xây dựng Cổng DVCQG là một bước đi quan trọng trong thực hiện chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (Cách mạng công nghiệp 4.0) mà Ðảng ta đã đề ra. Ðể việc này thật sự phát huy hiệu quả, cùng với chia sẻ dữ liệu chuyên ngành, ứng dụng công nghệ thông tin, bảo đảm hoạt động thông suốt của hệ thống, các cơ quan, ban, ngành, địa phương… phải sớm chung tay hoàn thiện khung pháp lý liên quan dịch vụ công trực tuyến, tạo điều kiện để người dân và doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận và hưởng lợi từ các giao dịch qua Cổng DVCQG.