Bình tĩnh, tự tin trên hai mặt trận

Trong tuần, diễn biến mới của dịch Covid-19 với điểm nhấn là việc phát hiện những ca dương tính SARS-CoV-2 đầu tiên trong cộng đồng sau 99 ngày tại Đà Nẵng, Quảng Ngãi và công tác tiếp nhận lượng bệnh nhân Việt Nam nhiễm SARS-CoV-2 lớn nhất từ đầu dịch về nước được dư luận đặc biệt chú ý.

Gần như ngay lập tức, hệ thống phòng dịch từ trung ương tới địa phương được khởi động trở lại.
 
 Bộ Y tế quyết định rà soát và xét nghiệm diện rộng bằng phương pháp kháng thể tại tất cả khu vực có nguy cơ ở Đà Nẵng. Nhiều khu dân cư bị cách ly, một số bệnh viện bị phong tỏa, toàn bộ thành phố Đà Nẵng thực hiện giãn cách xã hội từ 0 giờ ngày 28-7.
 
 Các địa phương trên cả nước cũng siết chặt biện pháp phòng, chống dịch như: khai báo y tế, sát khuẩn, đeo khẩu trang, cách ly, rà soát, phòng ngừa các trường hợp đến từ địa phương dịch đang bùng phát, xác minh, truy vết F0 và các ca có liên quan. Cơ quan chức năng tiếp tục phối hợp chính quyền địa phương kiểm soát chặt hoạt động xuất, nhập cảnh, khu vực biên giới, ngăn chặn người nhập cảnh trái phép.
 
 Cùng thời điểm, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ngày 28-7, Bộ Y tế, Bộ Ngoại giao, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp chặt chẽ để tổ chức chuyến bay đưa công dân Việt Nam tại Cộng hòa Ghi-nê Xích đạo về nước để chữa bệnh và tránh dịch Covid-19. Theo kết quả xét nghiệm của nước sở tại, trong số hơn 200 công dân Việt Nam đang làm việc tại đây, có hơn 120 người dương tính với SARS-CoV-2.
 
 Từ khi dịch bệnh hoành hành đến nay, Việt Nam tổ chức hơn 60 chuyến bay, đưa hơn 15.000 người Việt Nam ở 48 quốc gia và vùng lãnh thổ về nước an toàn. Nhưng đây là lần đầu Việt Nam tổ chức đưa số lượng lớn người đã xác định dương tính với SARS-CoV-2 trở về. Bởi thế công tác này được Ban Chỉ đạo quốc gia Phòng, chống dịch Covid-19 chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, cẩn trọng…
 
 Trong hơn ba tháng qua, người dân đã quen với “trạng thái bình thường mới”. Nền kinh tế từng bước phục hồi, kể cả những ngành bị ảnh hưởng, thiệt hại nặng nề như du lịch, dịch vụ vận tải, hàng không, xuất nhập khẩu… Sáu tháng đầu năm 2020, khi GDP các nước trong khu vực tăng trưởng âm thì Việt Nam đạt mức 1,81%. Bởi vậy, mặc dù các phương án phòng, chống dịch trên cả nước đã được triển khai khẩn trương, đồng bộ, song sau thời gian dài tạm lắng, dịch bệnh bùng phát trở lại ít nhiều gây tâm lý lo lắng trong cộng đồng nói chung cũng như doanh nghiệp nói riêng.
 
 Không ít doanh nghiệp nỗ lực chèo chống vượt khó trong giai đoạn căng thẳng trước đây, đặc biệt doanh nghiệp ngành du lịch, vừa bắt đầu “nhúc nhắc” khôi phục lại hoạt động sản xuất, kinh doanh, nay lại phải tạm dừng vì diễn biến phức tạp của dịch bệnh. Nhiều tổ chức, cá nhân tưởng đã có thể thở phào vì “tai qua nạn khỏi”, lại phải vừa tiếp tục gồng mình chống
 “giặc Covid”, vừa phải lựa chọn, tìm tòi hướng đi phù hợp để duy trì hoạt động…
 
 Diễn biến gần đây cho thấy, cuộc chiến chống dịch Covid-19 ở Việt Nam đang bước vào giai đoạn mới. Thực tế cho thấy, hướng đi trước mắt để có thể vượt qua thử thách vẫn là hoạt động sẵn sàng ứng phó trên cả “hai mặt trận”. Đó là tập trung xử lý, khoanh vùng để hạn chế tối đa lây nhiễm trong cộng đồng, ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm từ các nguồn ở ngoài; đồng thời, tìm giải pháp phù hợp từng địa phương, từng nhóm đối tượng, từng nhóm ngành nghề, tiếp tục quá trình phục hồi kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội.
 
 Sự bình tĩnh, tự tin, chủ động ứng phó trong tình hình mới là những lợi thế mà chúng ta cần phát huy. Nhưng với kinh nghiệm đúc rút được trong hơn nửa năm qua, toàn bộ hệ thống chính trị và người dân cần tiếp tục nâng cao hơn nữa sự chủ động, tinh thần kỷ luật, kỷ cương, ý thức trách nhiệm và thống nhất hành động để giành chiến thắng trên cả hai mặt trận.