"Trám" kẽ hở phòng, chống dịch

Mới đây, lãnh đạo Đà Nẵng, Khánh Hòa… nhận trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về hạn chế, thiếu sót trong phòng, chống dịch Covid-19 của địa phương. Hai tỉnh, thành phố trên và nhiều địa phương yêu cầu các sở, ngành, quận, huyện trên địa bàn kiểm điểm làm rõ trách nhiệm, kêu gọi cả hệ thống vào cuộc quyết liệt, chặt chẽ hơn.

Ngay sau khi nghiêm túc rút kinh nghiệm, nhiều nơi hành động khẩn trương, rốt ráo. TP Đà Nẵng kiểm tra, xử phạt nhiều trường hợp vi phạm quy định phòng, chống dịch Covid-19, với số tiền tới 98 triệu đồng chỉ trong ba ngày. Công an TP Hà Nội xử lý 1.378 trường hợp không đeo khẩu trang với số tiền phạt gần 2,5 tỷ đồng. TP Hồ Chí Minh lập các đoàn kiểm tra việc thực hiện chỉ đạo của thành phố về phòng, chống dịch…

Không ít địa phương xử lý nghiêm tập thể, cá nhân vi phạm quy định phòng, chống dịch. Tại Yên Bái, Chủ tịch UBND tỉnh cảnh cáo Giám đốc Trung tâm Y tế TP Yên Bái. Vĩnh Phúc đình chỉ công tác tám cán bộ, trong đó có Phó Giám đốc Sở Y tế, Chủ tịch huyện; đình chỉ hoạt động bốn doanh nghiệp; khởi tố, bắt tạm giam một bị can về tội tổ chức cho người khác ở lại Việt Nam trái phép. Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng phê bình Giám đốc Sở Y tế do chậm mua sắm thiết bị y tế và thanh toán kinh phí xét nghiệm…

Đợt bùng phát dịch lần này được đánh giá không dễ đối phó. Từ ngày 27-4, một người bị lây nhiễm chéo từ người nhập cảnh trong khu cách ly tại Yên Bái được ghi nhận dương tính SARS-CoV-2, tiếp đó là một số người có xét nghiệm dương tính sau khi hoàn thành cách ly tập trung nhưng không tuân thủ quy định cách ly tại gia đình. Virus biến thể có tốc độ lây lan nhanh, cho nên, chưa đầy một tuần, hàng chục tỉnh, thành phố ghi nhận ca dương tính trong cộng đồng; xuất hiện nhiều chùm ca bệnh; dịch bùng phát tại các cơ sở y tế, nơi được coi là thành trì an toàn phòng, chống Covid-19…

Từ thực tế ở nhiều địa phương, các bộ, ngành, cũng như diễn biến lây lan của dịch, có thể thấy còn kẽ hở trong phòng, chống dịch thời gian qua, mà đầu tiên ở việc quản lý cách ly, môi trường cách ly, thời gian cách ly, theo dõi sau cách ly chưa chặt chẽ. Các ca bệnh được phát hiện sau cách ly, rồi lây nhiễm trong bệnh viện là lý do khiến Bộ Y tế nâng thời gian cách ly tập trung từ 14 lên 21 ngày, nâng tần suất xét nghiệm trong khu cách ly, sàng lọc kỹ lưỡng và liên tục với nhân viên y tế và nhóm bệnh nhân có nguy cơ cao…

Qua điều tra dịch tễ và truy vết tiếp xúc, cơ quan chức năng phát hiện có không ít ca nhiễm Covid-19 mới là người nhập cảnh hoặc người có tiếp xúc người nhập cảnh. Nguy cơ dịch lây nhiễm và khó kiểm soát tăng cao khi hàng loạt vụ việc người nhập cảnh trái phép vào nước ta được phát hiện, có cả sự tiếp tay của một bộ phận người dân và cả người có trách nhiệm. Đây cũng là một kẽ hở. Nếu cơ quan chức năng không đẩy mạnh quản lý chặt chẽ người nhập cảnh vào Việt Nam, tăng cường ngăn chặn người nhập cảnh trái phép thì mọi nỗ lực phòng, chống dịch sẽ thành "dã tràng xe cát".

Tuy nhiên, lo ngại hơn cả là "kẽ hở" từ sự chủ quan, lơi lỏng, thiếu cảnh giác còn tồn tại trong người dân, chính quyền, cơ quan, đơn vị. Tâm lý chủ quan, thỏa mãn, muốn nghỉ ngơi không phải là không có khi nước ta ứng phó thành công cả ba làn sóng dịch bệnh trước đây. Đó là còn chưa kể có lúc, có nơi, người dân và chính quyền chưa hình thành được ý thức, trách nhiệm một cách đầy đủ, kịp thời trong từng thời điểm ứng phó…

Muốn gìn giữ sự an toàn, bảo vệ sức khỏe cho cộng đồng, muốn ngăn chặn sớm dịch lây lan diện rộng, tạo đà phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh, trước tiên phải "trám" được kẽ hở trong phòng, chống dịch.