Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học

NDO -

NDĐT - Ngày 15-8, tại Hải Phòng, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) phối hợp T.Ư Đoàn tổ chức hội thảo "Văn hóa ứng xử trong trường học" nhằm thúc đẩy triển khai thực hiện quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án “Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học, giai đoạn 2018 - 2025”.

Quang cảnh hội thảo.
Quang cảnh hội thảo.

Phát biểu tại hội thảo, Phó Vụ trưởng phụ trách Công tác chính trị HSSV, Bộ GD-ĐT, Bùi Văn Linh cho biết, thực hiện các nghị quyết của T.Ư, các đề án của do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong những năm qua, cùng việc chỉ đạo tổ chức thực hiện chương trình giáo dục và đào tạo, Bộ GD-ĐT đã quan tâm ban hành các văn bản chỉ đạo triển khai xây dựng văn hóa học đường, văn hóa ứng xử, tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, giáo dục thẩm mỹ cho nhà giáo, người học nhằm xây dựng môi trường sự phạm, môi trường giáo dục an toàn, thân thiện, lành mạnh.

Thực hiện công tác phối hợp các bộ, ngành T.Ư, T.Ư Đoàn thông qua các hoạt động giáo dục, các phong trào, cuộc vận động của tổ chức Đoàn, hội, Đội, trong đó chú trọng chỉ đạo xây dựng môi trường văn hóa trong trường học. Tại nhiều cơ sở giáo dục đã phát động tổ chức thực hiện nhiều phong trào thi đua, cuộc vận động lớn mang lại hiệu quả tích cực, như: “Dạy tốt, học tốt”, “Xây dựng trường học thân thiện - Học sinh tích cực”, “Dân chủ - Kỷ cương - Tình thương - Trách nhiệm”; chú trọng giáo dục văn hóa ứng xử trong cán bộ, nhà giáo, nhân viên và HSSV; xây dựng môi trường văn hóa học đường, bộ quy tắc ứng xử văn hóa trong trường học gắn với quản trị đại học; đồng thời, xây dựng thương hiệu, uy tín của nhà trường trong xã hội.

Tuy nhiên, thời gian vừa qua, ở một số địa phương, nhà trường, tình trạng vi phạm đạo đức nhà giáo, ứng xử thiếu văn hóa của HSSV, cán bộ, giáo viên vẫn xảy ra. Một bộ phận HSSV ứng xử thiếu văn hóa, một số cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên trong các cơ sở giáo dục chưa chuẩn mực trong giao tiếp ứng xử, có hành vi và thái độ ứng xử thiếu kiềm chế, xúc phạm tinh thần, thể chất học sinh, bạo hành trẻ trong các cơ sở mầm non... Người đứng đầu các cơ sở giáo dục chưa thực hiện tốt vai trò nêu gương trong ứng xử văn hóa; công tác phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội còn bất cập, chưa huy động được sức mạnh của các hội, đoàn thể tại địa phương; đặc biệt của gia đình học sinh…

Tại hội thảo, các đại biểu đã thảo luận, trao đổi thắng thắn, chia sẻ những kinh nghiệm, những cách làm sáng tạo, những vấn đề còn tồn tại trong văn hóa ứng xử, tập trung vào một số vấn đề, như: vai trò của văn hóa học đường đối với việc hình thành nhân cách học sinh, sinh viên; thực trạng và giải pháp trong xây dựng văn hóa học đường hiện nay; đổi mới nội dung, phương thức giáo dục văn hóa ứng xử trong trường học; phát huy vai trò của người đứng đầu trong hướng dẫn, thực hiện văn hóa ứng xử; công tác phối hợp của các tổ chức đoàn thể thông qua các phong trào thi đua, cuộc vận động của Công đoàn, Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên, Hội đồng Đội các cấp; sự phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong xây dựng văn hóa học đường và văn hóa ứng xử.