TS Lê Quý Thường: Công việc không phụ người dành toàn tâm toàn ý

NDO -

NDĐT - Vài giờ trước thời khắc bước sang năm mới 2020, TS Lê Quý Thường, giảng viên Khoa Toán - Cơ - Tin học, Trường đại học Khoa học Tự nhiên (ĐHKHTN), Đại học Quốc gia (ĐHQG) Hà Nội nhận được “món quà” bất ngờ. Ông vinh dự đón nhận Giải thưởng Viện Toán học năm 2019, giải thưởng dành cho những người có thành tích đặc biệt xuất sắc trong nghiên cứu Toán học tuổi đời không quá 40.

TS Lê Quý Thường (Ảnh: VNU)
TS Lê Quý Thường (Ảnh: VNU)

“Tôi rất hạnh phúc và cảm động. Đây thực sự là giải thưởng uy tín của ngành Toán Việt Nam vì nó được xét duyệt bởi một hội đồng và nhóm phản biện gồm các nhà toán học có trình độ rất cao, là một giải thưởng thuần túy về chuyên môn”, TS Thường nói.

Là người theo đuổi Toán lý thuyết, TS Thường đúc rút ra rằng: “Không có công việc gì là dễ dàng và cũng không có công việc gì phụ con người khi chúng ta dành toàn tâm toàn ý cho nó. Thành công là hệ quả của một quá trình cố gắng”.

TS Lê Quý Thường là sinh viên xuất sắc khóa I của Khoa Sư phạm, tiền thân của Trường đại học Giáo dục, ĐHQG Hà Nội, tốt nghiệp năm 2004. Nhớ lại quãng thời gian “chập chững” bước chân vào ngành Toán, TS Thường cho hay, ban đầu ông chọn Toán để học tiếp lên đại học chỉ đơn giản vì “rất có hứng thú với môn học này khi còn là một học sinh phổ thông”.

“Tôi đã luôn tò mò muốn biết sau mỗi năm học, tôi sẽ được học những gì về Toán trong năm kế tiếp. Một cách ngây ngô nhất, tôi đã từng nghĩ, cứ sau một năm, người ta sẽ dạy cách giải phương trình đa thức một biến với bậc cao dần lên”.

Với mô hình 3+1 của quy trình đào tạo của Trường đại học Giáo dục, ĐHQG Hà Nội, chàng sinh viên Lê Quý Thường và các bạn được “gửi” sang Trường ĐHKHTN học kiến thức chuyên môn trong ba năm đầu.

“Đây là cơ duyên lớn, mở ra cho tôi rất nhiều cơ hội để học tập và trưởng thành, trở thành một nhà Toán học. Môi trường học tập nặng tính hàn lâm, trong lành tại Trường đại học Khoa học Tự nhiên đã giúp tôi hình thành một ước mơ thực sự về Toán học. Tôi ước mơ được học tiếp lên cao, tôi ước mơ trở thành một người có thực lực và chuyên nghiệp”, ông Thường kể.

Với kết quả học tập tốt ở bậc đại học, cộng với sự kiện “bước ngoặt” là được Bộ môn Đại số - Hình học – Tôpô và Khoa Toán – Cơ – Tin giữ lại làm giảng viên, ước mơ của sinh viên Lê Quý Thường đã thành hiện thực. Ông chính thức lựa chọn nghiên cứu Toán học là nghề nghiệp tương lai của mình.

TS Lê Quý Thường: Công việc không phụ người dành toàn tâm toàn ý ảnh 1

TS Lê Quý Thường nhận sự chúc mừng khi đón nhận Giải thưởng Viện Toán học năm 2019 (Ảnh: ĐẶNG LINH).

“Quan niệm về công việc của tôi rất đơn giản. Đôi khi, thực hiện công việc càng thầm lặng càng tốt, sẽ tránh bị sao nhãng bởi những chuyển động xung quanh, trước khi có đủ năng lực để sẵn sàng bước ra ánh sáng”, ông chia sẻ.

Quãng thời gian 2008-2017, Lê Quý Thường đi học Thạc sĩ, Tiến sĩ tại Đại học Paris 6 và làm Nghiên cứu viên sau Tiến sĩ tại nhiều nơi ở Pháp, Ý, Đức, Tây Ban Nha và Bỉ. Trở về, ông lại đem những kiến thức đã học được để truyền đạt cho các thế hệ kế tiếp, công việc mà ông cho rằng “rất thú vị” khi được làm việc với sinh viên, những người trẻ và thông minh.

“Trên lớp, tôi thường đặt ra những bài toán một cách tự nhiên nhất, và cố gắng đứng ở vị trí của sinh viên trong việc tìm kiếm lời giải”, thầy Thường kể.

Đề cập tới giải thưởng vừa được nhận, TS Thường cho hay Hội đồng đã đánh giá cao cụm công trình của ông, gồm bốn vấn đề chính: Chứng minh Giả thuyết đồng nhất tích phân, các phương pháp tiếp cận Giả thuyết đơn đạo, mở rộng Định lý Thom-Sebastiani, và Hình học của đường cong phẳng phức.

“Chủ đề mà tôi thành công nhất là chứng minh Giả thuyết đồng nhất tích phân, được thể hiện qua ba trong số năm công trình tiêu biểu nhất của tôi. Hai công trình tiêu biểu còn lại đề cập đến các mở rộng của Định lý Thom-Sebastiani motivic. Chúng tôi muốn đi xa hơn đối với giả thuyết đồng nhất tích phân và giả thuyết đơn đạo, nên có thể xem các công trình khác của chúng tôi như là những sự chuẩn bị cần thiết trên con đường tới đích”.

TS Thường cho rằng, ông không có thành tích gì đặc biệt xuất sắc. “Công việc làm tôi hài lòng nhất là các phép chứng minh giả thuyết đồng nhất tích phân cho các hàm chính quy. Các lập luận đủ thú vị, và về mặt kỹ thuật, đủ sự phức tạp, cho thấy chúng tôi đã lao động chăm chỉ ra sao để thu được thành công của mình.

Chia sẻ về những thách thức trong công việc nghiên cứu, TS Thường cho biết có nhiều khó khăn đến rất thường xuyên. Chẳng hạn, theo ông, ngoại cảnh cũng có thể gây ảnh hưởng đáng kể đối với người làm nghiên cứu. TS dẫn chứng: Lương thấp thì người nghiên cứu khó mà toàn tâm toàn ý với công việc của mình được.

“Tôi nghĩ không phải tình cờ khi mà tất cả những công trình tốt nhất của tôi đều được thực hiện hoặc được hình thành khi được đến làm việc ở những trung tâm Toán học lớn. Ngoài quỹ thời gian nhiều hơn, đời sống vật chất tốt hơn, những trung tâm lớn còn cho chúng tôi bầu không khí học thuật sôi động, nguồn ý tưởng dồi dào, sự hiểu biết về trào lưu và xu thế nghiên cứu, dòng chảy chính của khoa học. Chính những sự va đập ý tưởng đã tạo ra những phát kiến mới mẻ”.

TS Thường cho biết, ngày nay những nhà Toán học chuyên nghiệp ở Việt Nam thường xuyên có những chuyến đi làm việc và giao lưu học thuật ngắn hạn hoặc dài hạn ở nước ngoài. Đây thực sự là những cơ hội rất quý giá giúp cho nền toán học Việt Nam duy trì được sự phát triển, không bị tụt hậu xa so với thế giới.

Đạt được những thành quả ngày hôm nay, TS Thường không quên người thầy đã từng nâng đỡ mình những năm tháng đầu tiên khi mới ra trường, giúp ông tiến những bước dài trong sự nghiệp. Đó là GS TSKH Nguyễn Hữu Việt Hưng.

“Về phong cách làm Toán, thầy đề cao tính tự nhiên trong tiếp cận đối tượng nghiên cứu, sự rõ ràng trong đặt vấn đề, sự nghiêm túc khi thực hiện và sự chỉn chu, mạch lạc trong trình bày. Tôi học hỏi được nhiều từ phong cách ấy”, TS Thường nói.

Tình yêu với Toán học, ước muốn trở thành một nhà Toán học lý thuyết đã giúp TS Lê Quý Thường lựa chọn con đường đi phù hợp. Sự say mê trong công việc, những hoạt động nghiên cứu không ngừng nghỉ đã giúp ông đạt được thành công ngày hôm nay.

Ngày 31-12-2019, Cụm công trình của TS Lê Quý Thường được Hội đồng khoa học cùng các GS phản biện là GS Ngô Bảo Châu và GS Hà Huy Vui đánh giá xuất sắc.

Năm 2008, TS Lê Quý Thường học Thạc sĩ tại ĐH Paris 6 (Pháp) theo diện học bổng Évariste Galois của Chính phủ Pháp, sau đó tiếp tục làm nghiên cứu sinh tại trường này. Đại học Paris 6 là nơi GS Ngô Bảo Châu học tập tại Pháp trước đây.

TS Lê Quý Thường bảo vệ luận án Tiến sĩ năm 2012 và tiếp tục làm nghiên cứu viên Sau Tiến sĩ tại Paris, Rennes (Pháp), Trieste (Italia), Bonn, Oberwolfach (Đức), Bilbao (Tây Ban Nha) và Leuven (Bỉ).

TS từng đi trao đổi hợp tác nghiên cứu và tham gia hội nghị tại nhiều nơi. Từ đầu năm 2018, TS Lê Quý Thường quyết định về nước và tiếp tục làm việc tại Trường ĐHKHTN. Cũng ngay trong năm 2018, TS đón nhận Giải thưởng ĐHQGHN về Khoa học và Công nghệ trong lĩnh vực “Khoa học và Công nghệ thông tin và tính toán” cụm công trình nghiên cứu “Thớ Milnor motivic và ứng dụng vào lý thuyết Donaldson-Thomas”.

TS tập trung nghiên cứu các lĩnh vực: Hình học đại số, Lý thuyết kỳ dị, Lý thuyết tích phân môtivic, Không gian Berkovich, Multiplier ideals, Local systems.

Giải thưởng Viện Toán học được xét trao tối đa cho hai người, vào các năm lẻ. Người nhận Giải thưởng được trao Giấy chứng nhận và một số tiền thưởng là 20 triệu đồng.

Năm 1982, để khuyến khích các nhà toán học trẻ tích cực nghiên cứu, Viện Toán học thành lập Giải thưởng "Công trình nghiên cứu khoa học của cán bộ trẻ" để trao cho ứng viên là cán bộ của Viện có tuổi đời không quá 35 tuổi. Từ năm 1995, đổi tên là "Giải thưởng khoa học cho cán bộ trẻ" để trao cho ứng viên là cán bộ của Viện có tuổi đời không quá 40 tuổi.

Từ năm 1997, giải thưởng được đổi tên thành "Giải thưởng Viện Toán học" và được trao cho ứng viên trong cả nước có tuổi đời không quá 40 tuổi. Ứng viên không nhất thiết là người Việt Nam nhưng phải đang làm việc (hoặc có vị trí làm việc) tại Việt Nam trong năm xét và có tuổi đời không quá 40 tuổi (tính đến ngày 1-1 năm xét Giải thưởng).

Năm 2017, Hội đồng Khoa học Viện Toán học đã chọn ra hai nhà Toán học trẻ để tặng Giải thưởng Viện Toán học là TS Ngô Quốc Anh (Khoa Toán-Cơ-Tin, ĐHKHTN, ĐHQGHN) và TS Nguyễn Duy Tân (Viện Toán học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam). Cả hai thầy đều là cựu sinh viên, học viên của Trường ĐHKHTN. Năm 2019, cùng với TS Lê Quý Thường, còn có TS Nguyễn Đăng Hợp, Viện Toán học, vinh dự đón nhận Giải thưởng.