Bộ trưởng Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung:

Tiếp cận xu hướng thế giới trong đào tạo nghề

NDO -

NDĐT – Mới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã bàn giao chức năng quản lý Nhà nước về giáo dục nghề nghiệp cho Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Bên hành lang Quốc hội, Bộ trưởng Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đã trao đổi về hướng phát triển đào tạo nghề sau khi chuyển giao. Theo đó, Việt Nam sẽ dần thay đổi tỷ lệ từ 70% vào đại học, 30% học nghề hiện nay thành ngược lại để tiếp cận xu hướng của thế giới.

Bộ trưởng LĐTBXH Đào Ngọc Dung.
Bộ trưởng LĐTBXH Đào Ngọc Dung.

Khuyến khích tư nhân mở trường dạy nghề

- Thưa Bộ trưởng, mới đây, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) đã tiếp nhận hơn 500 trường cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp từ Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT). Việc chuyển giao này có ý nghĩa như thế nào?

- Trước hết, không phải Bộ LĐTBXH là chủ quản của các trường cao đẳng hay trung cấp nghề, mà chúng ta hiểu đầy đủ Chính phủ thống nhất quản lý về giáo dục nghề nghiệp, còn Bộ LĐTBXH là cơ quan được Chính phủ phân công giúp Chính phủ quản lý về giáo dục nghề nghiệp. Có thể tạm thời phân làm ba lĩnh vực: toàn bộ các trường CĐ dạy nghề, trung cấp nghề giao cho Bộ LĐTBXH, lĩnh vực y dược Chính phủ phân công cho Bộ Y tế ban hành khung giáo dục y dược, khối sư phạm giao cho Bộ GD-ĐT.

Về chức năng quản lý Nhà nước, Bộ LĐTBXH có 12 nội dung phải làm, nhưng các nội dung quan trọng nhất là: giúp Chính phủ xây dựng quy hoạch dạy nghề, giúp tham mưu Chính phủ ban hành cơ chế chính sách phát triển hệ thống dạy nghề, thực hiện chức năng thanh tra, kiểm tra đôn đốc.

Nghị định số 143/2016/NĐ-CP do Chính phủ đã ban hành quy định điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp và quy định rất rõ quy trình, thủ tục tiến hành sáp nhập, giải thể. Nhưng cần phân biệt Bộ LĐTBXH là cơ quan quản lý Nhà nước về giáo dục nghề, còn chủ quản nằm ở các bộ, như: y dược Bộ Y tế, sư phạm Bộ GD-ĐT, xây dựng thuộc Bộ Xây dựng.

- Thưa Bộ trưởng, hệ thống các trường đào tạo nghề sắp tới sẽ phát triển theo hướng nào?

- Theo định hướng chung, sẽ tiến tới nâng dần tính tự chủ, giảm tối đa sự can thiệp của các bộ chủ quản, UBND các tỉnh vào lĩnh vực dạy nghề.

Xu hướng chung cho mạng lưới các trường dạy nghề sẽ là giảm tải cũng như giảm tối đa trường công lập, phát triển mạnh các trường tư thục, đặc biệt là khuyến khích các doanh nghiệp, tư nhân thành lập trường.

Bộ đang chỉ đạo Tổng cục Dạy nghề xây dựng đề án đổi mới cơ bản và toàn diện về giáo dục nghề nghiệp. Chúng tôi đang chọn ra khoảng 15 vấn đề mới, sẽ lấy ý kiến của các bộ ngành, địa phương, chuyên gia, sau đó sẽ tổ chức hội nghị toàn quốc để tất cả các trường này được góp ý kiến trên từng lĩnh vực và hoàn thiện đề án trình Chính phủ thông qua sớm.

Học nghề vẫn tiếp tục được đào tạo liên thông

- Sau khi chuyển giao, chương trình đào tạo của các trường dạy nghề sẽ thay đổi như thế nào, thưa Bộ trưởng?

- Những trường, những hệ cao đẳng, trung cấp đang học chương trình của Bộ GD-ĐT đã được tuyển sinh năm 2016 trở về trước thì tiếp tục học, bằng cấp, chương trình do Bộ GD-ĐT cấp. Còn những học viên tuyển sinh từ tháng 1-2017 thì học theo chương trình khung do Bộ LĐTBXH chủ trì. Về tiêu chuẩn của đội ngũ cán bộ, thầy cô giáo thì áp dụng theo cách sau: những người trước 1-1-2017 thì vẫn tiếp tục thực hiện theo quy định của Bộ GD-ĐT, còn bắt đầu 1-1-2017 chúng tôi sẽ cập nhật bổ sung trên cơ sở kế thừa các quy định từ trước, chỉ thay đổi những nội dung chưa phù hợp.

- Học viên học các trường nghề có tiếp tục được học liên thông lên đại học như trước không, thưa ông?

- Vấn đề liên thông rất được quan tâm, những người đang học chương trình từ 2016 trở về trước tiếp tục liên thông theo quy định của Bộ GD-ĐT. Từ năm 2017, Thủ tướng giao Bộ GD-ĐT phối hợp Bộ LĐTBXH xây dựng quy trình và tiêu chuẩn liên thông để những người có đủ điều kiện và có nhu cầu tiếp tục học liên thông theo quy định.

70% học sinh sẽ đi học nghề

- Theo Bộ trưởng, thời gian tới làm sao để người Việt Nam có tay nghề cao để hội nhập?

- Phải xác định dạy nghề là một yêu cầu cấp thiết hiện nay, chúng ta muốn phát triển, hội nhập, muốn nâng cao năng suất lao động để đổi mới tăng trưởng thì dứt khoát phải đào tạo nghề. Việc đào tạo nghề thời gian tới trước hết phải phân luồng ngay từ trung học cơ sở, bao nhiêu phần trăm sẽ vào học nghề, bao nhiêu phần trăm lên THCS, rồi ở cấp THCS bao nhiêu phần trăm sẽ vào đại học. Xu hướng chung rất nhiều nước phát triển thông thường tỷ lệ vào ĐH chỉ 30%, còn chúng ta hiện nay ngược lại. Dần dần chúng ta sẽ điều chỉnh 70% HS sẽ đi học nghề

Hiện nay Bộ LĐTBXH đang xây dựng chuẩn đầu ra của 200 nghề có tính chất quốc gia, 100 nghề có trình độ ASEAN, 50 nghề có trình độ quốc tế. Chính phủ đồng ý cho Bộ LĐTBXH tiếp nhận 34 bộ giáo trình chuẩn quốc tế, khi học chương trình này không chỉ đủ trình độ làm việc trong nước mà tham gia lao động chuẩn quốc tế

Thêm nữa, dạy nghề phải gắn rất chặt với điều tra thị trường lao động, điều tra nhu cầu, từ nhu cầu để hướng các em học nghề, học ra là có việc, khắc phục tình trạng học xong cao học phải dấu bằng đi để lao động.

- Xin cảm ơn Bộ trưởng Đào Ngọc Dung!

BOX: Theo báo cáo của Bộ GD-ĐT, hiện tại, cả nước có 234 trường cao đẳng bao gồm: 199 trường công lập và 35 trường tư thục, dân lập, bán công với 449.558 sinh viên và 24.260 giảng viên. Trong số này có 33 trường cao đẳng sư phạm. Ngoài ra, còn có 3 trường cao đẳng thuộc các đại học (1 trường thuộc ĐH Thái Nguyên và 2 trường thuộc ĐH Đà Nẵng) và 106 trường đại học, học viện đào tạo hệ cao đẳng với tổng chỉ tiêu là 39.787 chỉ tiêu.

Cả nước có 303 trường trung cấp chuyên nghiệp bao gồm: 175 trường công lập và 128 trường ngoài công lập, tổng số học sinh là 315.000 và 18.309 giáo viên.