Thầy giáo Mai Văn Túc: “Đào tạo nhân tài từ niềm yêu thích học tập"

NDO -

“Vui chơi, giải trí theo tôi thực ra là được làm những việc mình thích. Vì vậy, thay vì bắt buộc con trẻ phải học, tại sao ta không tìm cách khiến cho các em thích học?”, Thầy giáo Mai Văn Túc-người từng bán đồ, vay nợ để đầu tư xây dựng một trung tâm thí nghiệm vật lý cho học trò thoát cảnh “học chay” đã mở đầu cuộc chuyện trò chân tình và cởi mở với tôi bằng một câu hỏi. Và đó cũng chính là “đề bài” mà thầy luôn trăn trở với nền giáo dục nước nhà, đã dành cả đời mình để đưa ra một “lời giải” tối ưu. 

Thầy Mai Văn Túc đã dày công sáng chế hàng trăm thiết bị thí nghiệm, với mong muốn giúp nhọc trò cảm nhận vẻ đẹp của môn học và kích thích óc tò mò cùng khả năng sáng tạo tiềm ẩn của từng em.
Thầy Mai Văn Túc đã dày công sáng chế hàng trăm thiết bị thí nghiệm, với mong muốn giúp nhọc trò cảm nhận vẻ đẹp của môn học và kích thích óc tò mò cùng khả năng sáng tạo tiềm ẩn của từng em.

Trong căn nhà năm tầng mang tên “Chuyên lý Edison” ở phố Vũ Hữu (Hà Nội), máy móc thiết bị cùng những bộ dụng cụ thí nghiệm mà thầy Túc dành cả một đời sáng chế để giúp bao thế hệ học trò từ thích tới yêu, từ tìm thấy vẻ đẹp hấp dẫn tới say mê môn Vật lý được xếp chồng lên nhau cao ngất, phủ kín từ chiếu nghỉ cầu thang đến mọi khoảng tường trống dù nhỏ nhất trong mỗi căn phòng.

Thành quả thu được sau mấy thập kỷ dành trọn sức lực, tiền bạc cùng tâm huyết của một người thầy hết lòng vì học sinh thân yêu đều gói gọn trong khoảng không gian đã trở nên quá chật chội này. Nơi cả gia đình đành thu gọn mọi nhu cầu sinh hoạt tối thiểu chỉ trong một tầng. Nơi thầy Túc cùng các cộng sự hết lòng truyền ngọn lửa đam mê nghiên cứu - phát minh và sáng chế cho biết bao thế hệ học trò. Với mong ước rất đỗi giản dị, như thầy từng chia sẻ trong chương trình Việc tử tế vừa lên sóng VTV mới đây, rằng “những cố gắng của chúng tôi sẽ được trả công xứng đáng, bằng sự thành công trong tương lai của lớp lớp học sinh”.

Từ tuổi thơ đam mê tìm tòi, khám phá

Phóng viên (PV): Được biết, thầy sinh ra và lớn lên từ vùng quê nghèo Nho Quan - Ninh Bình chiêm trũng lụt lội quanh năm. Con đường để cậu trò nghèo trở thành một giảng viên của Trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) chắc cũng phải trải qua nhiều ngã rẽ, khúc quanh đặc biệt, thưa thầy?

Thầy giáo Mai Văn Túc: Tôi vốn có khả năng tư duy và đam mê sáng tạo từ khi còn rất nhỏ. Ra ruộng tát nước, tôi mơ sẽ chế tạo được cái máy tự bơm nước lên cho người nông dân đỡ vất vả. Nhìn nước ngập trắng đồng trong mùa lũ lụt, tôi ước sáng chế ra cái tàu ngầm để có thể lặn xuống xem cá tôm bơi lội tung tăng. Thương mẹ sớm tinh mơ phải lụi hụi bật diêm xem đồng hồ để nấu cơm cho con kịp ăn còn đi học, có hôm luống cuống làm cháy cả màn, tôi mày mò đọc sách tự chế ra pin muối làm sáng được cái bóng đèn để mẹ chỉ cần bật công tắc đầu giường là biết được giờ giấc.  

Nhớ ông hàng xóm lái tàu viễn dương có cái đài cassette rõ to và rõ đẹp. Điện không có, dùng pin thì tốn tiền quá nên đành vứt xó. Quan sát thấy pin chạy đài cũng giống pin làm sáng bóng đèn, tôi lấy cái xe đạp để ngửa lên quay vòng rồi mày mò nối nó vào chiếc đài nhưng thất bại. Đọc sách mới biết, cái đài cần dòng điện không đổi còn điện giúp đèn xe đạp sáng là dòng điện xoay chiều. Lại lục tìm tài liệu, lại thử dùng chỉnh lưu. Đài nghe được nhưng thỉnh thoảng lẫn tiếng sôi vì vòng quay xe đạp không đều, dòng điện lúc mạnh lúc yếu. Vậy là lại hì hục đấu nối với một ắc-quy đã hết điện từ lâu mà không có điện lưới để nạp và sự cố được khắc phục hoàn hảo. Không chỉ giúp cả làng được nghe đài, sau này tôi còn mày mò tạo ra được dòng điện phục vụ đám cưới, giúp cho ngày vui hạnh phúc của các cô dâu - chú rể thêm trọn vẹn.

Thầy giáo Mai Văn Túc: “Nhân tài cũng phải bắt đầu từ việc thích học

Kể mấy thí dụ ấy để chứng minh, chỉ cần học tốt, hiểu đúng bản chất những kiến thức cơ bản của bậc phổ thông và biết vận dụng, thực hành một cách sáng tạo thì có thể giải quyết được vô số đề bài, dù hóc búa đến đâu mà cuộc sống đặt ra. Cách tôi tự tìm tòi khám phá ngày ấy khá tương đồng với một phương pháp giáo dục hiện đại mà người ta hay gọi là STEM (viết tắt của các từ Science - Technology - Engineering - Math tức là Khoa học - Công nghệ - Kỹ thuật và Toán học) nhằm hướng học sinh đến các hoạt động thực hành và vận dụng kiến thức để tạo ra sản phẩm hoặc giải quyết các vấn đề của thực tế cuộc sống.

PV: Từ trải nghiệm cá nhân, thầy hình thành phương pháp dạy học đã trở thành thương hiệu của chính mình như thế nào?

Thầy giáo Mai Văn Túc: Thời cấp ba, bảy học sinh dùng chung một cuốn SGK rách nát, ngày nào tôi cũng vác cái bụng đói meo đi bộ bảy cây số mới tới được trường. Vậy mà tôi đỗ đại học với số điểm cao nhất tỉnh, bài thi Vật lý 10 điểm nhờ đọc kỹ ba quyển SGK trong vài tháng, nhờ đề thi lần đầu đưa bài tập định tính thay vì chỉ có lý thuyết như trước đây. Rồi tôi nhập học khoa Vô tuyến điện của Đại học Tổng hợp. Rồi mày mò lôi chỗ sách bạn bè đi học sửa chữa vô tuyến ngoài Bờ Hồ vứt bừa bãi trong phòng để nghiền ngẫm và kỳ công ngồi chép lại. Nhờ thế, tôi đã kiếm tiền nhờ sửa chữa thiết bị điện tử từ năm thứ hai, đã lắp ráp được cả radio tặng cho mỗi bạn một cái.

Ra trường, tôi về quê mở cửa hiệu. Nếu ham tiền thì tôi đã giàu to. Nhưng tôi không có tư duy làm kinh tế, cứ mầy mò nghiên cứu, tìm tòi rồi cho không thiên hạ. Thợ sửa chữa giỏi nghề, kể cả thợ ở chợ trời Hòa Bình cũng một tay tôi truyền nghề miễn phí. Tiếp xúc với họ, tôi nhận ra cách dạy của các trung tâm đào tạo nghề không ổn. Họ chỉ lo đưa ra cách xử lý một số bệnh thường gặp cho mỗi thương hiệu tivi mà không cung cấp những kiến thức nền tảng cơ bản, chỉ cần bệnh mới phát sinh là thợ lập tức bó tay. Giống như trẻ em bây giờ, học hành vất vả mà lại không hiệu quả, rất thương!

Thầy giáo Mai Văn Túc: “Nhân tài cũng phải bắt đầu từ việc thích học
 

Bởi thế, bước vào môi trường giáo dục sau này, tôi luôn kiên định với lộ trình nhất quán: Hiểu sâu và hiểu đúng - nhớ - vận dụng. Chỉ một định luật Ohm cho đoạn mạch nối tiếp và song song, ta có thể vận dụng tính chất để giải quyết hàng triệu vấn đề trong đời sống. Cách học ấy hiệu quả mà rất vui, rất thú vị. Học sinh không bị áp lực nặng nề, ít phải ghi chép, ít làm bài tập.

Dạy và học trực quan giúp mỗi giờ học tràn ngập niềm vui, niềm hứng khởi và hạnh phúc. Năm nào ngôi trường miền núi Nho Quan - nơi tôi một mình đứng lớp cũng có học sinh đạt giải cao trong kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh. Nhiều thế hệ học trò chuyên Lý của Trường THPT chuyên Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội) đã nhận được ngọn lửa đam mê Vật lý từ tôi để đạt giải trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc tế. Tôi rất tự tin vào phương pháp dạy học của mình vì thế.  

Đến nói không với “học chay”   

PV: Nhưng dũng cảm chọn con đường rất đỗi vất vả và gian nan ấy, hình như thầy cũng đã phải hy sinh rất nhiều?

Thầy giáo Mai Văn Túc: Bước lên bục giảng, tôi ước mơ đào tạo được những thế hệ học trò giúp chuyên chở tư duy sáng tạo đi xa. Hồi còn dạy ở ngôi trường miền núi Nho Quan, mỗi năm tôi chọn ra gần chục em, dạy miễn phí hoàn toàn chỉ với một điều kiện duy nhất, phải thi vào Trường đại học Sư phạm.

Một người thầy có thể truyền dạy cho hàng nghìn học sinh, những giá trị tri thức chuyển tải cho thế hệ tương lai sẽ được nhân lên với tốc độ cực nhanh. Những thiết bị thí nghiệm mà tôi dày công sáng chế sẽ giúp người học cảm nhận được vẻ đẹp của môn Vật lý, sẽ kích thích trí tò mò và khả năng sáng tạo tiềm ẩn trong từng em. Bố tôi đã từng dùng chiếc đèn dầu - cái ủ tích cùng chiếc ấm chiên để dạy cho tôi về ngày - đêm, về trăng tròn - trăng khuyết… và nhờ vậy, giúp cậu con trai vẫn nhớ như in vài chục năm sau đó. Nhờ bố, tôi thấu hiểu giá trị của việc sử dụng thiết bị dạy học trực quan sinh động và quyết tâm bằng mọi giá không để trẻ thơ phải học chay. Để trẻ phải tìm thấy niềm hạnh phúc trong mỗi giờ học tập.  

Thầy giáo Mai Văn Túc: “Nhân tài cũng phải bắt đầu từ việc thích học

Từ khi được làm ông nội, tôi quan sát và nhận ra trẻ con phát triển trí tò mò từ rất sớm, đã bắt đầu tư duy và tìm hiểu thế giới chung quanh khi chỉ mới sáu tháng tuổi. Nếu được tiếp xúc sớm với phương pháp dạy học trực quan, sinh động và hấp dẫn, việc học sẽ rất vui, rất hiệu quả. Nếu thầy cô nào cũng dạy như thế, học sinh có thể tự tin trước mọi vấn đề phát sinh để tìm ra hướng giải quyết tối ưu, để rồi trong tương lai sẽ có thể cho ra đời những phát minh và sáng chế. Sẽ xuất hiện những nhân tài có khả năng thay đổi cả thế giới, nhờ những công trình nghiên cứu khoa học của chính mình từ niềm ham thích học tập được hình thành từ khi còn thơ bé. Người Việt mình giỏi lắm, không có gì là không thể, tôi tin thế.

Hơn 50 sáng chế mà tôi hiện có trong tay, chỉ một trong số đó cũng có thể mang lại cho tôi tiền tỷ. Nhưng tôi đã cho không, đã cung cấp cho rất nhiều cá nhân và đơn vị, chỉ với mong muốn học trò sẽ được đồng hành cùng các thí nghiệm kiểm chứng - thực hành - sáng tạo - nghiên cứu trong mỗi giờ Vật lý. Dù cho đến giờ này, tôi vẫn phải gánh khoản nợ cả chục tỷ đồng, vẫn phải căng mình trả lãi hằng tháng cho chi phí đầu tư và vận hành trung tâm thí nghiệm này. Nhưng tôi quyết đi đến cùng con đường đã chọn, dù vất vả gian nan.

Nếu theo dõi trang Facebook cá nhân của tôi, bạn sẽ thấy phần nhiều quỹ thời gian tôi dành để nhặt sạn trong bộ SGK phổ thông hiện nay, tìm tòi thực hành những thí nghiệm nhằm giải đáp thắc mắc cho thầy trò trên khắp mọi miền Tổ quốc. Tất cả cũng chỉ vì mục đích muốn lớp hậu sinh được dạy và học những kiến thức chuẩn mực, được tiếp cận với những thí nghiệm khoa học và chính xác nhất.

Trân trọng cảm ơn thầy!