Thành phố Hồ Chí Minh hướng đến nền giáo dục 4.0

NDO -

NDĐT - Ngày 20-12, UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo “Giáo dục thông minh” nhằm đưa ra định hướng xây dựng nền giáo dục 4.0 tại thành phố trong thời gian tới. Hơn 100 đại biểu là giảng viên các trường đại học, học viện, chuyên gia trong và ngoài nước đến dự.

Quang cảnh Hội thảo Giáo dục thông minh.
Quang cảnh Hội thảo Giáo dục thông minh.

Tại hội thảo, các đại biểu nhận định, trong bối cảnh quốc tế hóa ở thế kỷ 21 với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và nền giáo dục 4.0 đang diễn ra trên phạm vi toàn cầu, hệ thống giáo dục ở các quốc gia trên thế giới bao gồm cả Việt Nam được nhận định là không theo kịp sự thay đổi nhanh chóng và mạnh mẽ của công nghệ, khoa học kỹ thuật và kinh tế hiện nay. TP Hồ Chí Minh trên con đường phát triển đô thị thông minh, đi cùng với đó phải phát triển hệ thống giáo dục thông minh (GDTM). Đây là điều kiện tiên quyết trong công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đưa thành phố hội nhập và vươn tầm thế giới.

TS Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh cho biết, thành phố là một đô thị lớn, trung tâm về nhiều mặt của cả nước và khu vực. Giáo dục phổ thông của thành phố có gần 1.500 trường với hơn một triệu học sinh. Để đáp ứng được nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao cho thành phố và cả nước, giáo dục phổ thông phải không ngừng đổi mới, phát triển mạnh mẽ, hội nhập với nền giáo dục tiên tiến của thế giới.

Hiện, thành phố đang triển khai đề án “Xây dựng thành phố trở thành đô thị thông minh”. Trong đó, giáo dục phải đi trước, hướng đến đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đạt trình độ quốc tế, tạo nguồn lực để xây dựng để thành phố văn minh, hiện đại.

Thực tế, giáo dục phổ thông của thành phố đã sớm nhận thức, tập trung đầu tư một cách toàn diện để xây dựng và phát triển GDTM. Cụ thể, xây dựng hạ tầng cơ sở hiện đại, đáp ứng hiệu quả các hoạt động dạy và học; xây dựng nguồn nhân lực cho GDTM với khả năng thích ứng, biến đổi phù hợp xu hướng đổi mới trong giáo dục của thế giới; ứng dụng công nghệ hiện đại trong quản lý, điều hành nhà trường, trong dạy và học; tạo môi trường giáo dục thuận lợi trong chia sẻ và kết nối.

Tuy nhiên, cũng theo ông Lê Hồng Sơn, dân số thành phố tăng lên đã gần chín triệu người. Trong 10 năm qua, tốc độ tăng dân số bình quân của thành phố là 2,15%/năm, bình quân một năm tăng khoảng 170.000 dân. Số lượng học sinh cũng tăng rất nhanh nên áp lực đầu tư xây dựng trường lớp, đáp ứng yêu cầu chỗ học cho học sinh của thành phố là rất lớn. Điều này ảnh hưởng rất lớn việc duy trì và nâng cao chất lượng giáo dục, tạo rào cản đối với mục tiêu xây dựng mô hình dạy học tiên tiến, hiện đại. Kinh phí đầu tư phát triển hạ tầng cơ sở giáo dục chưa đáp ứng tốt cho GDTM.

Việc triển khai các ứng dụng công nghệ thông tin trong giáo dục thời gian qua thiếu đồng bộ; kết nối cơ sở dữ liệu, khai thác sử dụng trang thiết bị, hạ tầng công nghệ thông tin CNTT, viễn thông chưa thật sự hiệu quả; trình độ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên chưa đồng đều, còn thiếu các giải pháp phần mềm, cơ sở dữ liệu đồng bộ để từng cơ sở giáo dục kết nối phát triển GDTM.

Do đó, để đáp ứng nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, giáo dục phổ thông thành phố phải đầu tư, đẩy mạnh GDTM. Và xem đây là một hệ thống hỗ trợ quản lý giáo dục và quản trị nhà trường, giảng dạy và học tập thông minh, phù hợp với xu thế phát triển công nghệ thông tin hiện nay.

TS Nguyễn Thị Hảo, Ban Đại học, ĐHQG TP Hồ Chí Minh, nhấn mạnh, chương trình đào tạo đóng vai trò quan trọng cốt lõi cho chất lượng đào tạo. Nền kinh tế tri thức yêu cầu các trường học phải xây dựng chương trình cho người học tiếp thu những năng lực và phẩm chất giúp họ thích nghi tốt và sống thành công trong xã hội thay đổi nhanh chóng như hiện nay. Trong bối cảnh hiện nay, công nghệ thông tin vừa là công cụ vừa là tác nhân sư phạm thực hiện sự chuyển đổi trong giáo dục khi giáo viên sử dụng nó nâng cao hiệu suất, chất lượng giảng dạy và học sinh sử dụng nó tăng cường sự khám phá và lĩnh hội tri thức làm nền tảng cho việc hình thành xã hội tri thức trong tương lai.

Ông Anthony Francis Brandenburg, chuyên gia giáo dục Australia cho rằng, có thể tóm lại, GDTM là ứng dụng công nghệ thông tin hóa toàn bộ các hoạt động của ngành giáo dục và đào tạo. Để xây dựng thành công nền GDTM, cần thiết phải xây dựng thành công các hợp phần cấu thành nên hệ sinh thái GDTM.

Theo đó, GDTM đựa trên các hợp phần, như phòng điều hành, họp trực tuyến; hệ thống elearning; thư viện thông minh; hệ thống kiểm tra đánh giá; chương trình học liệu; trang thiết bị tiên tiến hiện đại; hệ thống STEAM, hệ thống mô phỏng, thí nghiệm ảo; các chương trình hợp tác giao lưu; giáo dục ngoại ngữ; các chương trình đào tạo nguồn nhân lực; các chương trình quản lý và các hệ thống phần mềm khác.

Ông Anthony Francis Brandenburg cũng cho rằng, công nghệ là động lực then chốt cho sự phát triển của giáo dục và nỗ lực phát triển cũng như giúp giáo viên, học sinh nâng cao khả năng tiếp cận, chia sẻ nội dung, các nguồn lực và tài liệu giáo dục. Qua đó, ông đề xuất, với những tiền đề và nội lực sẵn có, thành phố cần thiết xây dựng nền GDTM, trước hết là thí điểm tập trung các giải pháp xây dựng đầu tư thí điểm các trường học thông minh, tiên tiến hiện đại trên địa bàn thành phố.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hồ Chí Minh, Lê Thanh Liêm, khẳng định, một trong những yêu cầu để chuẩn bị cho cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là cải thiện nguồn vốn con người để có thể đáp ứng được các yêu cầu về kiến thức, kỹ năng, liên tục thay đổi trong môi trường lao động mới. Điều này đặt ra cho ngành giáo dục thành phố một nhiệm vụ hết sức quan trọng là xây dựng hạ tầng, chuẩn bị đội ngũ nhân lực đáp ứng yêu cầu chuyển đổi từ mô hình dạy học truyền thống chuyển sang thực hiện mô hình GDTM.

Hội thảo là cơ hội để chỉ ra thực trạng giáo dục thành phố đang phát triển ở mức độ ra sao, từ đó định hướng xây dựng các chương trình, giải pháp nhằm đưa giáo dục thành phố phát triển. Đồng thời, đề xuất giải pháp phối hợp giữa chính quyền và doanh nghiệp nhằm xây dựng các cơ sở giáo dục đạt được trình độ tiên tiến, hiện đại và thực hiện có hiệu quả công tác giáo dục đáp ứng nhu cầu phát triển của thành phố trong giai đoạn tới.

Thành phố Hồ Chí Minh hướng đến nền giáo dục 4.0 ảnh 1

Các đại biểu tham quan sản phẩm giáo dục thông minh được triển lãm tại Hội thảo Giáo dục thông minh.