Siết chặt quản lý hoạt động trải nghiệm tại các cơ sở giáo dục

NDO -

NDĐT- Trải nghiệm là một trong những hoạt động giáo dục góp phần phát triển năng lực, phẩm chất học sinh. Thời gian qua, nhiều cơ sở giáo dục đã tích cực, chủ động tiếp cận và vận dụng mục tiêu của hoạt động trải nghiệm theo chương trình giáo dục phổ thông mới phù hợp với từng cấp học, bậc học. Tuy nhiên, vẫn còn những vấn đề cần đặt ra đối với hoạt động này.

Học sinh tham quan dã ngoại tại trang trại Vạn An, huyện Thanh Trì (Hà Nội).
Học sinh tham quan dã ngoại tại trang trại Vạn An, huyện Thanh Trì (Hà Nội).

Thời gian qua, nhiều trường học đã đa dạng hóa các hình thức, phương pháp tổ chức hoạt động như: tổ chức các câu lạc bộ, chương trình ngoại khóa, diễn đàn, tổ chức cho học sinh đi đến các làng nghề truyền thống, các cơ sở sản xuất, đưa học sinh đi tham quan, dã ngoại đến các khu di tích, lưu niệm, các địa chỉ cách mạng, hay chính trong không gian lớp học truyền thống, các em đã được tương tác, làm việc nhóm, quan sát, thể nghiệm, báo cáo sản phẩm,... theo từng nội dung, yêu cầu tiết học. Những hoạt động đó đã đưa các em thoát khỏi mô hình lớp học truyền thống với lối truyền thụ kiến thức một chiều, để tiếp xúc một cách sinh động, chân thực từ những hoạt động mà bản thân được trải nghiệm. Các em đã trực tiếp giải quyết các tình huống đặt ra từ thực tế từ việc vận dụng những tri thức trong sách vở và qua quá trình tìm hiểu từ đời sống hiện thực xung quanh,...

Bên cạnh những kết quả đạt được thì hoạt động giáo dục này ở các nhà trường vẫn còn gặp những khó khăn, hạn chế và còn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho học sinh. Ở một số cơ sở giáo dục, tổ chức hoạt động trải nghiệm còn mang tính hình thức: hoạt động trải nghiệm chỉ dừng lại việc tổ chức đưa học sinh đi tham quan, dã ngoại. Những chuyến đưa học sinh đi xa nhưng kết quả thu nhận sau mỗi chuyến đi ấy là chỉ ít tấm hình đăng trên zalo, facebook, hoặc chỉ một mẩu tin ngắn kèm theo vài hình ảnh đăng tải trên trang web của nhà trường. Còn câu chuyện của việc thu nhận kiến thức, kỹ năng từ những chuyến đi thì dường như vẫn chưa được quan tâm. Nhưng với các em học sinh, để đổi lại những chuyến đi ấy, các em có khi phải đi đến một địa điểm với khoảng cách xa đến hàng trăm km ở các tỉnh khác. Nhiều cơ sở phải huy động kinh phí từ nguồn xã hội hóa từ phụ huynh để bảo đảm cho các chuyến đi. Mỗi học sinh tham gia phải đóng một khoản tiền không nhỏ, có chuyến đi khoảng cách gần thì vài ba trăm ngàn, có chuyến đi xa thì lên đến tiền triệu. Chưa kể là một số cơ sở giáo dục trong quá trình hợp đồng với các công ty du lịch, lữ hành không bảo đảm quy định. Bởi một số công ty du lịch chỉ đảm nhiệm được chức năng là chở khách đi du lịch, tham quan chứ không được cấp phép tổ chức hoạt động trải nghiệm. Trên thực tế, đã có nhiều vụ tai nạn khi đưa học sinh đi tham quan, dã ngoại.

Từ thực trạng của hoạt động trải nghiệm và tổ chức các hoạt động giáo dục ở các trường học trong thời gian qua cũng như nhận thấy được những nguy cơ tiềm ẩn không bảo đảm an toàn của các tổ chức các hoạt động, đặc biệt là hoạt động trải nghiệm thông qua hình thức tham quan, dã ngoại ở các cơ sở giáo dục, ngày 8-8- 2019, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Phùng Xuân Nhạ đã ký ban hành Chỉ thị số 2268/CT-BGDĐT về nhiệm vụ và giải pháp năm học 2019-2020 của ngành giáo dục, trong đó có nêu rõ cần: “...chú trọng xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện; triển khai các giải pháp bảo đảm an toàn cho học sinh trong quá trình đưa đón, tham quan, dã ngoại...”

Cần phải nhận thức đầy đủ sâu sắc việc tổ chức hoạt động trải nghiệm và đa dạng hóa hình thức để tổ chức hoạt động này cần phải phù hợp với đối tượng học sinh, nhà trường, địa phương và điều kiện gia đình học sinh. Để mang lại hiệu quả của tổ chức hoạt động trải nghiệm đòi hỏi đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên ở các cơ sở giáo dục phải có kiến thức, kỹ năng để tổ chức, điều hành và quản lý. Tổ chức hoạt động trải nghiệm làm sao phải an toàn, thiết thực, tiết kiệm, tránh phô trương, hình thức. Muốn vậy, Bộ Giáo dục và Đào tạo, các cấp quản lý giáo dục ở các địa phương phải tăng cường tổ chức tập huấn, bồi dưỡng; tổ chức đánh giá, trao đổi, thảo luận để chia sẻ những kinh nghiệm, đề xuất các giải pháp để khắc phục những khó khăn, hạn chế, đặc biệt là hạn chế tối đa tính rủi ro, không bảo đảm an toàn trong tổ chức hoạt động trải nghiệm. Cùng với việc tổ chức tập huấn, bồi dưỡng, hội nghị, các cấp quản lý cần chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, giám sát chặt chẽ và có những tư vấn, hỗ trợ kịp thời, đúng hướng các cơ sở giáo dục; phối kết hợp với các sở, ngành liên quan kiểm tra, giám sát và chấn chỉnh việc các công ty du lịch không được cấp phép hoạt động trải nghiệm nhưng vẫn tổ chức cho học sinh tham gia hoạt động này. Các cơ sở giáo dục cần đẩy mạnh đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức dạy học, nâng cao chất lượng tổ chức các câu lạc bộ, chương trình ngoại khóa, hình thức sân khấu hóa ngay tại sân trường; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, thiết kế các phần mềm, tạo các không gian hoạt động trải nghiệm ảo để học sinh không phải đi đến ở khoảng cách xa nhưng cũng được trải nghiệm từ những hoạt động cụ thể, gần gũi với các em, giúp học sinh lĩnh hội được lượng thông tin, kiến thức từ các danh lam, thắng cảnh, địa chỉ cách mạng, các vùng văn hóa đã được thiết kế trên nền tảng của các phần mềm, ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin.