Từ nhà trường... đến xã hội

Quyền lợi thí sinh trong xét tuyển

Đang nghỉ ngơi sau giờ làm việc, chợt thấy số máy anh bạn ở Đà Nẵng gọi điện với tâm trạng đầy băn khoăn:

- Năm nay con lớn nhà mình thi THPT quốc gia và đăng ký xét tuyển đại học. Mấy hôm nay vẫn chưa biết điểm thi, sốt ruột quá. Vậy mà sáng nay thấy cháu bảo, khi biết điểm sẽ thay đổi nguyện vọng đăng ký xét tuyển vào đại học. Sao đăng ký từ tháng 4 rồi giờ lại phải đăng ký lại nhỉ?

- Không phải đăng ký lại mà chỉ điều chỉnh nguyện vọng thôi!

- Sao rắc rối vậy, mình tưởng khi đăng ký là các thí sinh đã “chốt” nguyện vọng xét tuyển rồi thì điều chỉnh gì chứ?

- À! Đăng ký bao nhiêu nguyện vọng, vào ngành và trường nào để xét tuyển là quyền của thí sinh. Tuy nhiên, đăng ký từ tháng 4, các cháu chưa biết điểm thi dẫn đến có cháu điểm cao nhưng nguyện vọng không phù hợp có thể không trúng tuyển. Vì vậy, sau khi có kết quả, trên cơ sở điểm số của mình, thí sinh có thể điều chỉnh nguyện vọng cho phù hợp phổ điểm chung, tăng khả năng trúng tuyển.

Theo đăng ký, năm 2019, cả nước có 653.278 thí sinh đăng ký xét tuyển (ĐKXT), với tổng số hơn 2,57 triệu nguyện vọng (trung bình một thí sinh ĐKXT là 3,94 nguyện vọng). Trong khi đó, tổng số chỉ tiêu tuyển sinh của các trường đại học là hơn 489.600. Vì vậy, việc đăng ký nguyện vọng xét tuyển của thí sinh cần bảo đảm chính xác, tránh tình trạng điểm cao nhưng không trúng tuyển hoặc trúng tuyển vào ngành, trường không đúng sở trường, năng lực, mong muốn của các em. Trước tình hình đó, quy chế tuyển sinh cho phép thí sinh có thể điều chỉnh nguyện vọng sau khi biết điểm thi là điều hợp lý, cần thiết.