Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao thời kỳ hội nhập quốc tế và CMCN 4.0

NDO -

NDĐT - Ngày 11-12, tại Hà Nội, Trung tâm Chuyển giao Tri thức và hỗ trợ khởi nghiệp (Đại học Quốc gia Hà Nội) phối hợp Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật tổ chức hội thảo khoa học Chuyển giao công nghệ, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong bối cảnh hội nhập quốc tế và cách mạng công nghệ 4.0.

Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao thời kỳ hội nhập quốc tế và CMCN 4.0

Tại hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận những nội dung và vấn đề như: Vai trò của đầu tư và phát triển khoa học công nghệ đối với tăng trưởng kinh tế; thúc đẩy hoạt động chuyển giao các kết quả nghiên cứu khoa học vào nền kinh tế; chính sách trong đào tạo, bồi dưỡng và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong bối cảnh hội nhập quốc tế và CMCN 4.0...

Nhấn mạnh vai trò trường đại học (ĐH) trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao dưới sự tác động của cuộc cách mạng 4.0, TS Trần Thị Tùng Lâm, Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội cho rằng, CMCN 4.0 đặt ra nhiều thách thức, đồng thời cũng tạo ra rất nhiều ngành nghề mới trên thị trường lao động. Điều đó đòi hỏi công tác giáo dục, đào tạo, nhất là giáo dục ĐH phải đem lại cho người học tư duy, kiến thức, kỹ năng mới, khả năng sáng tạo, thích ứng với thách thức và những yêu cầu mới mà các phương pháp giáo dục truyền thống khó có thể đáp ứng. Vì vậy, trường ĐH phải tạo ra môi trường thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp của giảng viên và sinh viên, tạo điều kiện hợp tác giữa giáo dục ĐH và sản xuất, kinh doanh. Giáo dục ĐH 4.0 phải tạo ra nền tảng, môi trường sinh thái ĐH điện tử giúp hoạt động dạy và học diễn ra ở mọi lúc, mọi nơi, giúp người học có thể cá nhân hóa, hoàn toàn quyết định việc học tập theo nhu cầu của bản thân.

Tuy nhiên, TS Tạ Thị Vân Hà, Trường ĐH Thương mại đã chỉ ra những tồn tạo trong hệ thống đào tạo như: Đội ngũ giảng viên cao đẳng, đại học còn mỏng và yếu, cơ sở vật chất chưa đáp ứng với yêu cầu đào tạo; Phương thức đào tạo thiếu sự gắn kết với thực tiễn dẫn đến chất lượng nguồn nhân lực sau đào tạo chưa đáp ứng với yêu cầu ngày càng cao của xã hội trong xu thế phát triển vũ bảo và tác động mạnh mẽ, sâu rộng tới mọi mặt đời sống xã hội của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

TS Nguyễn Thị Như, Trường ĐH Hà Nội đưa ra một số giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo tại các trường ĐH trong bối cảnh hội nhập như: Nhà nước cần có chính sách để đổi mới, định hướng, khuyến khích và hỗ trợ sự gắn kết bền vững giữa nhà trường và doanh nghiệp. Cùng với đó là sự hỗ trợ của Nhà nước về dự báo nguồn nhân lực, nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp cho cơ sở đào tạo. Đồng thời, các trường ĐH cần cải thiện đồng bộ chất lượng, nâng cấp cơ sở vật chất; có chính sách, căn cứ để thúc đẩy mạnh mẽ nghiên cứu khoa học trong giáo viên.

Phát biểu tại hội thảo, Giám đốc Trung tâm chuyển giao tri thức và hỗ trợ khởi nghiệp Vương Quốc Thắng cho biết, ba yếu tố tạo nên kiềng ba chân làm đòn bẩy phát triển kinh tế đất nước, đó là chính sách, nguồn nhân lực chất lượng cao và góp phần nghiên cứu khoa học thúc đẩy đổi mới sáng tạo quốc gia. Hội thảo sẽ mang lại những định hướng, giải pháp nhằm thúc đẩy hoạt động chuyển giao công nghệ và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong thời kỳ hội nhập quốc tế và CMCN 4.0; tạo nền tảng vững chắc cho sự ổn định kinh tế đất nước, góp phần tạo nên những giá trị tinh hoa và tri thức cho một đất nước đang phát triển sẵn sàng tham gia, hội nhập quốc tế và cuộc CMCN 4.0.