Mở rộng hơn cơ chế tự chủ cho đại học quốc gia

NDO -

NDĐT - Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội (UB) do đồng chí Phan Thanh Bình, Ủy viên T.Ư Đảng, Chủ nhiệm UB làm Trưởng đoàn, chiều 1-6, đã có buổi làm việc với Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh (ĐHQG TP Hồ Chí Minh) và Đại học Quốc gia Hà Nội về việc xin ý kiến về dự thảo Nghị định của Chính phủ về ĐHQG.

Buổi làm việc diễn ra chiều 1-6.
Buổi làm việc diễn ra chiều 1-6.

Theo PGS,TS Huỳnh Thành Đạt, Ủy viên T.Ư Đảng, Giám đốc ĐHQG TP Hồ Chí Minh, trên cơ sở thực tiễn xây dựng và phát triển 25 năm qua, ĐHQG TP Hồ Chí Minh kiến nghị một số nội dung để bổ sung vào dự thảo Nghị định về ĐHQG.

Cụ thể, về cơ cấu tổ chức, Luật số 34 đã quy định mô hình học viện được gọi chung là trường đại học. Từ đó, ĐHQG TP Hồ Chí Minh kiến nghị bổ sung học viện là đơn vị thành viên của ĐHQG. Như vậy, cơ cấu ĐHQG gồm các đơn vị thành viên, đơn vị trực thuộc và đơn vị thuộc. Đơn vị thành viên gồm các trường đại học, viện nghiên cứu và học viện.

Về hoạt động đào tạo, căn cứ vào trách nhiệm và quyền hạn của Hội đồng đại học được quy định tại Luật số 34, đề xuất Nghị định về ĐHQG quy định cụ thể ĐHQG có thẩm quyền trong các quyết định như sau: Ban hành Quy chế đào tạo áp dụng trong phạm vi ĐHQG; Ban hành Đề án tuyển sinh đại học và sau đại học áp dụng trong phạm vi ĐHQG; Phê duyệt mở các ngành đào tạo mới chưa có trong danh mục đào tạo, áp dụng trong phạm vi ĐHQG.

Về công tác đầu tư, quản lý tài chính, tài sản và cơ sở vật chất, ĐHQG có thẩm quyền đối với các dự án do ĐHQG quyết định đầu tư tương đương thẩm quyền của các bộ, ngành đối với các dự án do các bộ, ngành quyết định đầu tư; được tổ chức bộ máy đủ năng lực thẩm định dự án đầu tư xây dựng nhóm B trở xuống, thẩm định thiết kế xây dựng và kiểm tra nghiệm thu các công trình xây dựng cấp I trở xuống; tổ chức thẩm định, phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 các dự án đầu tư xây dựng của các đơn vị trong ĐHQG; ĐHQG có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, phê duyệt dự án và ký kết hợp đồng thực hiện các dự án theo hình thức đối tác công tư thuộc phạm vi quản lý theo đúng quy định của pháp luật; được huy động nguồn lực của xã hội, thực hiện xã hội hóa để xây dựng ĐHQG thành trung tâm giáo dục đại học đạt chuẩn quốc tế, khu vực.

Về công tác thi đua khen thưởng, ĐHQG trình trực tiếp hồ sơ thi đua khen thưởng đến Ban Thi đua - Khen thưởng T.Ư. Các danh hiệu và hình thức khen thưởng cấp ĐHQG như Chiến sĩ thi đua, Bằng khen,… được tính tích lũy cho việc xét khen thưởng cấp cao hơn.

Về nhiệm vụ của Hội đồng Đại học ĐHQG, được quyết nghị thông qua đề án thành lập, sáp nhập, chia, tách, giải thể các đơn vị thành viên, đơn vị thuộc và trực thuộc của ĐHQG theo quy định của pháp luật; phê duyệt đề án/phương án tự chủ của các đơn vị thành viên, đơn vị trực thuộc và thuộc ĐHQG; Quyết nghị thông qua các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển của các đơn vị thành viên, đơn vị trực thuộc và thuộc ĐHQG; các Nghị quyết của Hội đồng trường đại học thành viên.

Theo PGS,TS Nguyễn Kim Sơn, Giám đốc ĐHQG Hà Nội, hiện nay, hai ĐHQG được tổ chức quản lý theo mô hình hai cấp, gồm các đơn vị thành viên và trực thuộc có tính chất, chức năng, nhiệm vụ đa dạng, từ đào tạo, khoa học công nghệ, đến các hoạt động tư vấn chính sách, sản xuất, kinh doanh, cung ứng dịch vụ. Do đó, cơ chế tự chủ đại học mà hiện nay áp dụng chung cho các cơ sở giáo dục đại học là không phù hợp đặc thù của hai ĐHQG. Trong điều kiện như vậy, cần quy định quyền tự chủ cao cho hai ĐHQG; đồng thời, quy định ĐHQG được quyền xác định phương thức, mức độ và lộ trình cụ thể về quyền tự chủ của các đơn vị thành viên, thuộc và trực thuộc.

Vì vậy, ĐHQG Hà Nội đề xuất Nghị định mới cần có những nội dung: ĐHQG được các quyền tự chủ cao về Đào tạo, Khoa học và Công nghệ, Hợp tác phát triển; Tổ chức, nhân sự; Tài chính, tài sản tương tự như quyền tự chủ của các cơ sở giáo dục đào tạo tự bảo đảm chi đầu tư và chi thường xuyên; ĐHQG được quyền quyết định về phương thức, mức độ tự chủ của các đơn vị thành viên, thuộc và trực thuộc để bảo đảm sự phát triển bền vững của hệ thống”.

Về quyền ban hành Quy chế đào tạo riêng của ĐHQG, thực tế, trong thời gian qua, ĐHQG Hà Nội đã vận dụng quyền tự chủ cao trên thể hiện qua các hoạt động: tiên phong trong đổi mới quản trị đại học, trong xây dựng và triển khai đào tạo những chương trình thí điểm, mới, có tính chất liên ngành và tiên phong, trong hoạt động đánh giá năng lực, tuyển sinh đầu vào, trong hoạt động đổi mới phương thức tổ chức đào tạo, giảng dạy, trong hoạt động khảo thí, kiểm tra đánh giá và áp dụng phương thức đào tạo mới theo chuẩn đầu ra - CDIO; đi đầu thực hiện kiểm định chất lượng giáo dục, bắt kịp xu hướng chung của GDĐH thế giới. Tuy nhiên, để phát huy tối đa vai trò tiên phong, sáng tạo, thể hiện vị trí nòng cốt trong hệ thống GDĐH Việt Nam thì dự thảo Nghị định về ĐHQG cần có quy định chính thức quyền của ĐHQG ban hành quy chế đào tạo riêng, áp dụng trong nội bộ ĐHQG, theo nguyên tắc chịu trách nhiệm về chất lượng đầu ra, bằng và cao hơn các yêu cầu bảo đảm chất lượng và khung trình độ quốc gia do Bộ GD-ĐT quy định.

ĐHQG Hà Nội đề xuất đưa vào dự thảo Nghị định: ĐHQG được huy động nguồn lực của xã hội thông qua các hoạt động liên doanh, liên kết thực hiện các hoạt động đào tạo, khoa học và công nghệ; có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, phê duyệt dự án và ký kết hợp đồng thực hiện các dự án theo hình thức đối tác công tư thuộc phạm vi quản lý; ĐHQG có thẩm quyền đối với các dự án do ĐHQG quyết định đầu tư tương đương thẩm quyền của các bộ, ngành đối với các dự án do các bộ, ngành quyết định đầu tư.

Nhìn nhận từ góc độ riêng, PGS,TS Nguyễn Tấn Phát, nguyên Ủy viên T.Ư Đảng, nguyên Thứ trưởng GD-ĐT cho rằng, cái đích đại học này nhắm tới là làm sao nhanh chóng thực hiện được sứ mệnh tiên phong, dẫn dắt; làm sao để từ hiệu quả hoạt động đạt nhanh đến chuẩn mực chất lượng và uy tín quốc tế. Muốn vậy thì nguồn nhân lực cho hoạt động phải hùng hậu hơn, già dặn kinh nghiệm hơn, sử dụng chuyên gia trong nước và quốc tế thông thoáng hơn; đầu tư kinh phí được ưu tiên đúng như luật đã xác định… Điều này cũng hợp lý, bởi lẽ đó cũng là kỳ vọng của Đảng, Nhà nước, nhân dân, của tập thể đội ngũ cán bộ viên chức đầy tâm huyết. Và đó cũng là lý do giải thích vì sao đại học này muốn đầu mối quản lý ít nặng nề hơn, thông thoáng hơn, nhất là muốn là đơn vị trực thuộc Chính phủ như một số viện hàn lâm, học viện.

“Về phía quản lý Nhà nước, việc Bộ muốn ĐHQG bị ràng buộc bởi Luật chắc hơn, muốn trực tiếp kiểm tra, giám sát chặt chẽ hơn, muốn là đầu mối trực tiếp quản lý nhiều hơn cũng nhằm để tránh hiện tượng vi phạm pháp luật (dù không phải xảy ra ở ĐHQG, nhưng đôi lúc đã xảy ra chỗ này, chỗ khác làm dư luận bức xúc); muốn có cái gì đó như là sự công bằng nhiều hơn giữa trường đại học nằm trong và nằm ngoài ĐHQG. Đây là suy nghĩ cá nhân, nhưng rất có cơ sở từ thực tế. Và vì muốn luật pháp nghiêm minh nên đôi chỗ có phần chưa lưu ý đúng mức đến ngay cả những chỗ nhạy cảm đã có trong Luật hoặc Nghị định hiện hành. Chẳng hạn, dự thảo nghị định nhắc đến khoản 4 điều 1 của Luật 34 như là điểm tựa cho các quy định khác trong nghị định, thì khoản 4 điều 1 thật ra là diễn giải để hiểu khái niệm về “cơ sở giáo dục đại học” nói chung chứ không nhấn mạnh đến ĐHQG và các đơn vị thành viên của nó. Chỉ đến khoản 3, khoản 4 của điều luật vừa nêu mới đi sâu vào đặc thù của ĐHQG. Cũng cần nhấn mạnh rằng, nếu không có ĐHQG thì nghị định riêng sẽ không cần thiết phải có. Nhưng có ĐHQG mà Bộ vẫn quản lý Nhà nước không dựa cơ bản vào nghị định thì ĐHQG sẽ không tồn tại được chứ không nói gì đến phát triển, trong khi khát vọng của ĐHQG là tiên phong, dẫn dắt và nâng tầm hội nhập, là thực hiện nhiệm vụ chiến lược quốc gia như trong Luật 34 đã quy định”, PGS,TS Nguyễn Tấn Phát cho biết.

Thay mặt đoàn, đồng chí Phan Thanh Bình, Chủ nhiệm UB đã ghi nhận các ý kiến, cho rằng, Nghị định về quy định ĐHQG phải mở ra đột phá nhiều hơn và đòi hỏi nhiều hơn với hai ĐHQG, giúp hai đơn vị hoàn thành sứ mệnh, nhiệm vụ chiến lược của mình. Trong đó, phải mở rộng hơn cơ chế tự chủ cho hai ĐHQG.