Thứ trưởng GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng:

Giữ giá sách giáo khoa hợp lý nhất có thể

NDO -

Với trách nhiệm là cơ quan quản lý nhà nước về chuyên môn, lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan liên quan ban hành văn bản quy định tiêu chí, tiêu chuẩn kỹ thuật … làm căn cứ thẩm định, rà soát phương án giá sách giáo khoa theo hướng giữ giá thành sách giáo khoa hợp lý nhất có thể; đồng thời, đề xuất sớm bổ sung sách giáo khoa vào danh mục nhà nước định giá.

SGK theo Chương trình giáo dục phổ thông mới (Ảnh: VŨ DUY)
SGK theo Chương trình giáo dục phổ thông mới (Ảnh: VŨ DUY)

Lý giải về việc sách giáo khoa (SGK) mới có giá bán cao hơn khoảng ba lần so với SGK trước đây, Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Phạm Ngọc Thưởng cho rằng việc biên soạn, xuất bản một bộ sách mới có những điểm khác biệt so với bộ sách trước đây.

Cụ thể, theo quy định về Luật Giá thì giá SGK do doanh nghiệp, các nhà xuất bản tự xây dựng, tự chịu trách nhiệm về giá bán và thực hiện kê khai giá với cơ quan có thẩm quyền là Bộ Tài chính. Các nhà xuất bản thực hiện công bố giá bán trên cơ sở thực hiện các quy định của Luật giá và các quy định liên quan khác.

Thứ trưởng GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng: Giữ giá sách giáo khoa hợp lý nhất có thể -0
Thứ trưởng GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng. 

Giá bán các bộ SGK do các nhà xuất bản công bố hiện nay là bộ SGK lớp 2 trong khoảng từ 170.000 đồng đến 203.000 đồng; giá bộ sách giáo khoa lớp 6 là 234.000 đồng đến 259.000 đồng, cao hơn giá của các bộ sách trước đây.

Theo Thứ trưởng, số môn học theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 nhiều hơn so với chương trình cũ. Do thực hiện chủ trương xã hội hóa nên một số khoản chi phí như tổ chức bản thảo, dạy thực nghiệm, chi phí nhuận bút lần đầu... trước đây do ngân sách hỗ trợ đối với bộ sách cũ, nay được kết cấu toàn bộ trong giá thành của sách giáo khoa.

Ngoài ra, với cơ chế một chương trình nhiều bộ sách như hiện nay, các nhà xuất bản phải có các khoản chi phí thông thường như hoạt động của doanh nghiệp khi phát hành sách, như chi phí quảng bá giới thiệu sách ra thị trường chẳng hạn, điều này cũng nằm trong giá thành sách. Trong khi đó bộ sách cũ không phát sinh khoản chi phí này.

Bên cạnh đó, sách mới có khổ lớn hơn, in màu nhiều hơn và chất lượng giấy in cũng tốt hơn. Giá giấy in, mực in và nhân công cũng tăng so với năm trước. Trước đây, chỉ có một bộ SGK, số lượng xuất bản nhiều hơn, nay nhiều bộ sách, lượng xuất bản mỗi bộ giảm đi, việc đó cũng có thể làm tăng giá in sách nói riêng và giá sách nói chung.

Nói về vai trò của Bộ GD-ĐT trong điều tiết giá SGK, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng khẳng định: Bộ GD-ĐT không có thẩm quyền quyết định hoặc áp đặt giá bán của SGK.

Bộ GD-ĐT chịu trách nhiệm ban hành quy định về: Tiêu chuẩn, quy trình biên soạn, chỉnh sửa sách giáo khoa; tiêu chuẩn tổ chức cá nhân biên soạn SGK; hoạt động của Hội đồng quốc gia thẩm định SGK; đồng thời thẩm định, phê duyệt sách giáo khoa.

“Tuy nhiên, với trách nhiệm là cơ quan phối hợp với Bộ Tài chính trong việc rà soát phương án kê khai giá của các nhà xuất bản, Bộ GD-ĐT đã có nhiều văn bản yêu cầu các nhà xuất bản kiểm soát chặt chẽ chi phí sản xuất, tiết giảm chi phí đặc biệt là chi phí phát hành để giảm giá SGK qua các lần kê khai. Kết quả, phương án giá công bố của các nhà xuất bản đã giảm từ 3-9% so với phương án kê khai lần đầu” – Thứ trưởng cho biết.

Đối với Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam là đơn vị trực thuộc, Bộ GD-ĐT đã chỉ đạo thực hiện nhiều biện pháp để tiết giảm giá thành sách giáo khoa; tăng cường kiểm tra, giám sát tài chính hằng năm đối với doanh nghiệp, yêu cầu bổ sung đầy đủ định mức chi tiêu vào quy chế nội bộ bảo đảm chi tiêu tiết kiệm, hiệu quả nhằm kiểm soát chặt chẽ chi phí sản xuất trực tiếp.

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng cho biết, trong thời gian tới, Bộ GD-ĐT sẽ tiếp tục phối hợp các cơ quan có liên quan ban hành văn bản quy định tiêu chí, tiêu chuẩn kỹ thuật đối với bộ SGK về khổ sách, định lượng giấy… làm căn cứ thẩm định, rà soát phương án giá SGK theo hướng giữ giá thành hợp lý nhất có thể.

Hiện chi phí phát hành chiếm tỷ trọng khoảng 23,5% trong cơ cấu giá SGK. Do đó, Bộ GD-ĐT sẽ yêu cầu các nhà xuất bản ứng dụng công nghệ thông tin, thương mại điện tử trong việc in ấn và phát hành, giảm bớt các kênh trung gian.

Bộ GD-ĐT cũng tiếp tục phối hợp Bộ Tài chính, chính quyền địa phương rà soát chặt chẽ phương án kê khai giá SGK của các nhà xuất bản đảm bảo phân bổ chi phí cấu thành sách giáo khoa một cách hợp lý; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát thực hiện công khai thông tin về giá vật tư, thiết bị giáo dục, SGK.

Bộ GD-ĐT đang chỉ đạo các địa phương, các trường phổ thông tích cực thực hiện phương án mua SGK trang bị cho các thư viện trường, kết hợp với việc dùng sách cũ của học sinh tặng lại thư viện, giúp cho một số học sinh có thể mượn sách từ thư viện để học tập.

Đối với học sinh vùng sâu, vùng xa, học sinh có hoàn cảnh khó khăn, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng cho rằng đây là đối tượng dễ bị tổn thương trước các biến động của xã hội, đặc biệt liên quan đến việc tăng giá các mặt hàng thiếu yếu. Đảng và Nhà nước luôn có nhiều chế độ, chính sách hỗ trợ các em trong việc hỗ trợ sách giáo khoa, đồ dùng học tập.

Tại Nghị định 86 năm 2015 đã quy định: Nhà nước thực hiện hỗ trợ chi phí học tập trực tiếp cho các đối tượng học sinh có hoàn cảnh khó khăn với mức 100.000 đồng/học sinh/tháng để mua sách, vở và các đồ dùng học tập khác trong thời gian không quá 9 tháng/năm học. Hiện nay, tại dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 86, Bộ GD-ĐT đã đề xuất với Chính phủ tăng mức hỗ trợ từ 100.000 đồng/học sinh/tháng lên 150.000 đồng/học sinh/tháng để hỗ trợ các em mua sách, vở và các đồ dùng học tập. “Bên cạnh đó, việc trợ giá sách giáo khoa cho một số khu vực, một số thời điểm, theo tôi là cần được xem xét” – Thứ trưởng nhấn mạnh.

Ngoài các chế độ chính sách chung, hằng năm, Bộ GD-ĐT đều phối hợp, đề nghị các địa phương quan tâm, có chính sách đặc thù hỗ trợ sách giáo khoa cho các học sinh thuộc hộ nghèo, vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo… trên địa bàn.

Giải pháp căn cơ hơn, theo lãnh đạo Bộ GD-ĐT, là đề xuất Bộ Tài chính cùng đẩy nhanh tiến độ rà soát tổng thể quá trình triển khai, thực hiện Luật Giá, trong đó tiếp tục đánh giá, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét bổ sung sách giáo khoa vào danh mục nhà nước định giá.