Giá sách giáo khoa phải hài hòa lợi ích doanh nghiệp và nhu cầu của người sử dụng

NDO -

NDĐT – Thời điểm này, các đơn vị tham gia biên soạn, phát hành sách giáo khoa (SGK) lớp 1 đang hoàn tất việc kê khai giá để công khai đến phụ huynh học sinh cả nước. Tuy nhiên, việc tính toán giá SGK mới nên như thế nào để vừa bảo đảm doanh nghiệp có thể hoạt động, tiếp tục tham gia làm sách, vừa duy trì quyền lợi của phụ huynh, học sinh là một những nội dung được đề cập tại toạ đàm: “Xã hội hóa việc biên soạn SGK - thuận lợi và thách thức" do Báo Lao Động tổ chức chiều 5-3.

Các chuyên gia giáo dục cùng trao đổi tại toà đàm.
Các chuyên gia giáo dục cùng trao đổi tại toà đàm.

Mới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) có văn bản gửi Chính phủ, báo cáo và đề xuất một số nội dung liên quan đến giá SGK mới. Theo đó, Bộ GD-ĐT kiến nghị giá SGK theo chương trình giáo dục phổ thông mới bảo đảm không vượt mức giá của bộ SGK do Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã bán ra thị trường cho năm học 2019-2020. Trước đề xuất của Bộ GD-ĐT, Bộ Tài chính đã đề nghị các nhà xuất bản tham gia công tác biên soạn, in ấn, phát hành SGK mới phải kiểm soát chặt chẽ chi phí sản xuất kinh doanh. Đồng thời, đề nghị các nhà xuất bản thực hiện kê khai giá SGK mới theo đề nghị của Bộ GD-ĐT, đó là bảo đảm không vượt quá giá SGK hiện hành. Cũng vì lý do này, dù tiến độ công khai giá sách được đề ra trước đó là ngày 15-2, nhưng đến nay vẫn chưa được công bố.

Tại toạ đàm, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần đầu tư xuất bản - thiết bị giáo dục Việt Nam (VEPIC) NGƯT Ngô Trần Ái cho rằng: Bộ SGK là văn hoá đặc biệt, nhưng cũng là hàng hoá, cần tuân theo luật kinh tế thị trường. Bộ SGK mới có hình thức đẹp, bắt mắt, giấy dày, màu đẹp, nhiều trang hơn sách cũ, khổ sách mới lớn hơn … SGK không được lãi nhiều vì tác động đến 20 triệu học sinh, nhưng cần bảo toàn được vốn, vì lỗ thì làm sao làm tiếp được? Vì vậy, nếu quy định mức giá SGK mới không tăng hơn so với SGK hiện hành, thì người làm SGK mới chắc chắn lỗ. Nếu lỗ thì chúng tôi không thể làm được. Chúng tôi đã kiến nghị Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ GD-ĐT. Hiện tại trễ quá rồi mà đến giờ vẫn chưa có giá sách. Đây là cái chậm trễ không đáng có.

Còn theo PGS,TS, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long: Thực tế thương trường thì bên bán luôn muốn bán giá cao, người mua thì muốn mua giá thấp. Cần “liệu cơm gắp mắm”, không thể so cái cũ với cái mới, tuỳ khả năng thanh toán của người tiêu dùng. Nguyên tắc định giá SGK không thể so cái này với cái cũ. Nếu nó là sản phẩm độc quyền thì Nhà nước phải kiểm soát chi phí cụ thể, cơ quan kiểm soát phải thật khách quan để Nhà nước, doanh nghiệp, người thụ hưởng hài hoà. Còn nếu rất nhiều NXB cùng một ấn phẩm thì Nhà nước chỉ giám sát xem các bên có liên kết với nhau để nâng giá hay không, còn tất cả do thị trường quyết định.

Đề cập vấn đề này, theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, Ngô Thị Minh, việc tính giá SGK phải hài hoà lợi ích doanh nghiệp, người cung cấp SGK và nhu cầu của người sử dụng. Cần làm rõ trách nhiệm Nhà nước trong việc định giá SGK. Nếu Nhà nước định hướng giá SGK mới không cao hơn SGK hiện hành thì chúng ta có thể chia theo từng vùng. Nếu vùng này, địa phương này chọn được bộ sách ưng ý, mà bộ đó có giá cao hơn so với điều kiện của phụ huynh thì địa phương, UBND tỉnh có cơ chế hỗ trợ, bù thêm tiền, mua đồng loạt cho các em, để học sinh trong vùng có sách chất lượng để học.