Đánh giá chung về tình hình công tác xét tuyển của năm 2018

NDO -

NDĐT- Kết thúc đợt xét tuyển đầu tiên, đã có 172 đơn vị tuyển đủ chỉ tiêu, nếu tính đạt 70% chỉ tiêu trở lên thì đã có gần 70% đơn vị. Nhân Dân điện tử có cuộc trao đổi với ông Trần Anh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) về những đánh giá chung tình hình công tác xét tuyển ĐH, CĐSP, TCSP năm 2018.

Tại Kỳ thi THPT quốc gia 2017 (Ảnh: THỦY NGUYÊN)
Tại Kỳ thi THPT quốc gia 2017 (Ảnh: THỦY NGUYÊN)

PV: Thưa ông, sau khi kết thúc xét tuyển Đợt 1, ông có thể đánh giá về tình hình công tác xét tuyển của năm 2018?

Ông Trần Anh Tuấn: Công tác xét tuyển ĐH, CĐSP, TCSP năm 2018 về cơ bản đã kế thừa được những điểm mạnh và khắc phục các bất cập của kỳ tuyển sinh năm 2017. Đến thời điểm này, có thể khẳng định công tác xét tuyển năm 2018 đang diễn ra an toàn, đúng quy chế, bảo đảm quyền lợi tối đa của thí sinh, đồng thời cũng bảo đảm quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình của các trường. Cụ thể:

Các trường đã cung cấp đầy đủ các thông tin tuyển sinh cần thiết cho thí sinh, xã hội giám sát, đồng thời tạo điều kiện minh bạch được kết quả tuyển sinh.

Kỳ thi tuyển sinh 2018 đã điều chỉnh một số kỹ thuật nhỏ khắc phục hạn chế của năm 2017, áp dụng công nghệ thông tin triệt để hơn trong tất cả các khâu ĐKDT, ĐKXT, điều chỉnh nguyện vọng, xét tuyển, xác nhận thí sinh nhập học lên hệ thống để bảo đảm tính khoa học, khách quan, công khai, minh bạch, giảm tối đa số thí sinh ảo,…

Phần mềm tuyển sinh đã phát huy tác dụng cho thí sinh trúng tuyển vào nguyện vọng ưu tiên cao nhất và giúp các trường tăng cường kiểm soát thí sinh ảo. Ngay trong đợt 1 đã có tới 172 đơn vị tuyển đủ chỉ tiêu. Nếu tính đạt 70% chỉ tiêu trở lên thì có 226 đơn vị (69,54%). Số liệu này đã phản ánh công tác tuyển sinh 2018 đạt được tiêu chí nhanh gọn, thuận lợi, nhẹ nhàng, hiệu quả,… giảm được áp lực cho đợt tuyển sinh bổ sung.

Có sự phối hợp tốt giữa BCĐ Tuyển sinh Quốc gia với các trường, nhóm trường, các sở giáo dục và đào tạo trong suốt quá trình thực hiện điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển, xét tuyển, lọc ảo đảm bảo quy trình kỹ thuật ổn định.

Bên cạnh đó, hai nhóm xét tuyển chung đã thu hút nhiều thành viên (53 trường phía Bắc và 86 trường phía Nam), đặc biệt là hầu hết các trường lớn đã tham gia; phối hợp thành công để sử dụng chung nguồn tuyển và cơ sở dữ liệu tuyển sinh. Vai trò tích cực của trường chủ trì và sự hợp tác giữa các nhóm trường phát huy tác dụng trong việc triển khai quy trình tuyển sinh thuận lợi, nhanh chóng; đảm bảo tính thống nhất của nhóm và quyền tự chủ của các trường thành viên, cùng nhau xét tuyển và lọc ảo;

Kết quả tuyển sinh Đợt 1 bảo đảm các tiêu chí chất lượng, trật tự, an toàn, hiệu quả. Điểm trúng tuyển phản ánh chất lượng đầu vào bảo đảm và sự phân loại chất lượng giữa các thí sinh, giữa các nhóm trường khá rõ ràng.

Nhờ công tác chuẩn bị tốt, phối hợp tốt nên chỉ trong 1 thời gian ngắn thực hiện quy trình xét tuyển, về cơ bản, công tác tuyển sinh đã được giải quyết ở Đợt 1. Tỷ lệ trúng tuyển Đợt 1 cao nên sẽ còn rất ít trường phải xét tuyển bổ sung.

Phương thức tuyển sinh năm 2018 đã thể hiện tính khoa học, hợp lý, đảm bảo khách quan, công bằng đối với tất cả thí sinh và các trường; thực hiện được mục tiêu đổi mới công tác thi tuyển sinh theo tinh thần của Nghị quyết 29; được xã hội, thí sinh và các trường đánh giá tốt. Bộ GD-ĐT sẽ tiếp tục duy trì, hoàn thiện quy chế, quy trình… áp dụng cho những năm tiếp theo.

PV: Công tác xét tuyển năm nay còn gặp phải khó khăn nào không, thưa ông?

Ông Trần Anh Tuấn: Công tác xét tuyển vẫn còn gặp một số khó khăn nhất định do một số nguyên nhân khách quan, trong đó một phần do kết quả điểm phúc khảo các bài thi, môn thi 2018 có kết quả thay đổi lớn, các sở GD-ĐT công bố chậm, nhiều thí sinh phản ánh gặp nhiều khó khăn trong việc điều chỉnh nguyện vọng. Bộ GD-ĐT đã chủ động rà soát trên cơ sở dữ liệu, chỉ đạo các Sở GD-ĐT khẩn trương xử lý nhằm bảo đảm quyền lợi tối đa của thí sinh.

Mặt khác, hệ thống có cơ sở dữ liệu lớn, với nhiều tiêu chí phức tạp, nhiều trường có các yêu cầu xét tuyển đặc thù; nhiều người cùng truy cập vào hệ thống; trình độ, kinh nghiệm tuyển sinh của các trường không đồng đều cũng phần nào ảnh hưởng đến kế hoạch chung.

PV: Một số thay đổi trong năm nay như: không làm tròn điểm, giảm khoảng cách điểm ưu tiên khu vực và đối tượng… đã có tác động như thế nào đến công tác xét tuyển?

Quy chế tuyển sinh năm 2018 quy định điểm xét tuyển là tổng điểm các bài thi/môn thi theo thang điểm 10 đối với từng bài thi/môn thi của từng tổ hợp xét tuyển và cộng với điểm ưu tiên đối tượng, khu vực và được làm tròn đến hai chữ số thập phân. Đồng thời mức điểm ưu tiên giữa các khu vực kế tiếp là 0,25 điểm, việc này đã bảo đảm thống nhất chính sách ƯTKV áp dụng trong toàn hệ thống đối với các thí sinh và các trường; phù hợp với điều kiện chênh lệch về kinh tế, xã hội, điều kiện học tập giữa các vùng miền đã ngày càng được được rút ngắn… Chế độ ưu tiên hiện hành cũng đã bảo đảm công bằng cho tất cả thí sinh xét tuyển vào các trường.

Các quy định này đã nhận được sự ủng hộ, đồng thuận từ các trường và xã hội, giải quyết các vấn đề phát sinh của năm 2017, khiến một số thí sinh bị thiệt khi làm tròn điểm hoặc sự lệch điểm lớn giữa các khu vực ưu tiên. Với việc điểm xét tuyển được làm tròn đến hai chữ số thập phân đã tạo thuận lợi cho các trường có được phổ xét tuyển rộng hơn, hạn chế việc phải sử dụng các tiêu chí phụ đối với các thí sinh ở cuối danh sách.

PV: Vấn đề nguồn tuyển năm nay đã diễn biến trên thực tế như thế nào thưa ông, liệu có có thiếu nguồn tuyển cho một số trường "tốp dưới" hay xảy ra tình trạng điểm trúng tuyển của một số trường quá thấp?

Ông Trần Anh Tuấn: Năm nay phổ điểm thi có thấp hơn so với năm 2017 nhưng thực tế công tác tuyển sinh năm 2018 cho thấy các trường đại học vẫn duy trì ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào. Qua phân tích nhanh số liệu xét tuyển, tỷ lệ thí sinh trúng tuyển so với chỉ tiêu đã đạt trên 112%.

Năm 2018 ngành giáo dục tiếp tục thực hiện chủ trương nâng cao chất lượng giáo dục đại học (không chạy theo số lượng). Các trường được hoàn toàn tự chủ và trách nhiệm giải trình về công tác xét tuyển của trường, tự chủ từ xác định chỉ tiêu, lập đề án tuyển sinh, xác định điều kiện tuyển sinh, tham gia nhóm hay tuyển sinh độc lập; dự tính tỷ lệ ảo, xác định điểm trúng tuyển và danh sách thí sinh trúng tuyển… để bảo đảm nguồn tuyển theo đúng quy định của pháp luật.

PV: Đến thời điểm này, quá trình rà soát điểm thi THPT quốc gia vẫn đang tiến hành tại một số địa phương, điều này có gây ảnh hưởng gì công tác xét tuyển tại những địa phương đó?

Ông Trần Anh Tuấn: Trong thời gian tới nếu tiếp tục phát hiện có sai phạm của địa phương trong quá trình rà soát điểm thi THPT quốc gia thì Bộ GD-ĐT vẫn sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan, trong đó có Bộ Công an để xử lý nghiêm minh đúng người, đúng tội và bảo đảm tối đa quyền lợi của thí sinh theo đúng quy định của pháp luật. Đối với các thí sinh có thay đổi điểm làm ảnh hưởng đến kết quả xét tuyển, Bộ GD-ĐT sẽ phối hợp với các trường và sở GD-ĐT để bảo đảm các thí sinh trúng tuyển đúng với quy định hiện hành.

PV: Trong đợt xét tuyển bổ sung diễn ra tiếp theo, theo ông cần phải lưu ý đến những điểm gì?

Ông Trần Anh Tuấn: Để triển khai công tác xét tuyển các đợt bổ sung được tốt hơn, các trường cần tiếp tục quán triệt thực hiện đúng các quy định hiện hành về công tác xét tuyển. Trong đó cần lưu ý sau mỗi đợt tuyển sinh và trước ngày 1 các tháng 9, 11 các trường cần cập nhật danh sách thí sinh trúng truyển, xác nhận nhập học lên Hệ thống nghiệp vụ tuyển sinh của Bộ GD-ĐT nhằm giảm ảo cho công tác tuyển sinh của các trường.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!