Có nhất thiết phải tắt điều hòa để phòng Covid ở trường học?

NDO -

NDĐT - Những ngày học sinh bắt đầu đi học trở lại cũng rơi vào thời điểm thời tiết cả nước bắt đầu nắng nóng. Một việc tưởng rất đơn giản là sử dụng điều hòa cho mát lớp học thì giờ đây lại là bài toán khó với các nhà quản lý trường học.

Học sinh mang thêm quạt tay trong ngày đầu trở lại trường học (Ảnh: THỦY NGUYÊN)
Học sinh mang thêm quạt tay trong ngày đầu trở lại trường học (Ảnh: THỦY NGUYÊN)

Nhìn cảnh cả cô cả trò nhễ nhại mồ hôi dưới sức nóng hầm hập của những ngày đầu hè mà bốn chiếc quạt trần dường như không thể xua đi hết, cô hiệu trưởng một trường THCS tại quận Đống Đa (Hà Nội) vô cùng băn khoăn: “Thế này thì cũng ốm mất”.

Thế nhưng, cô hiệu trưởng cũng không biết làm cách nào khác ngoài đi đến từng lớp vừa quan sát vừa động viên cô trò. Để bảo đảm cho việc lớp học luôn được lưu thông không khí theo khuyến cáo của ngành y tế, các nhà trường hiện không bật điều hoà mà chỉ sử dụng quạt trong các lớp học.

“Chúng tôi nhận được hướng dẫn của ngành GD-ĐT, dựa trên những khuyến cáo của Bộ Y tế là không bật điều hòa và phải mở cửa lớp học để lưu thông không khí. Tạm thời, để giảm bớt cái nóng, các quạt trần của nhà trường được mở hết công suất. Một số lớp, các phụ huynh tự huy động thêm quạt cây cho các con”, cô hiệu trưởng nói.

Tại các lớp học ở tầng dưới thì không khí sẽ dễ chịu hơn một chút, các lớp học ở tầng trên cùng, áp mái thì quả thật nếu không có điều hoà thì khó có thể ngồi lâu cả buổi được, cô hiệu trưởng cho biết. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến khả năng tiếp thu của học sinh và tinh thần học tập của cả thầy và trò trong lớp học. “Tuy nhiên, quy định vẫn phải tuân thủ. Chúng tôi tạm thời sẽ chưa bật hệ thống điều hòa, theo dõi sát tình hình các lớp học và chờ các hướng dẫn khuyến cáo mới nếu có”.

Hiện nay, ngoài hướng dẫn không bật điều hòa, học sinh cũng được yêu cầu phải đeo khẩu trang trong suốt thời gian ở trường, hạn chế di chuyển ra khỏi chỗ ngồi trong các giờ giải lao, giờ nghỉ.

“Chúng tôi tiếp tục phổ biến, nhắc nhở học sinh và giáo viên, nhân viên về các quy định nhằm bảo đảm an toàn phòng, chống dịch Covid-19. Đồng thời, động viên các em và thầy cô chịu khó khắc phục khó khăn. Mục tiêu là để vừa thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch, vừa hoàn thành nhiệm vụ dạy và học chương trình học kỳ II của năm học này” cô giáo nói.

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, khu vực Hà Nội từ đầu tuần này và trong những ngày tiếp theo nắng nóng đến nắng nóng gay gắt với nền nhiệt độ cao nhất phổ biến 36-38 độ. Từ ngày 7 đến 9-5, cường độ nắng nóng tiếp tục gia tăng, nắng nóng gay gắt, có nơi đặc biệt gay gắt với nền nhiệt độ cao nhất phổ biến 37-40 độ, có nơi trên 40 độ. Hiện nay, trong tuần đầu tiên mới có các học sinh lớp lớn trở lại trường học, sang tuần, học sinh các cấp học nhỏ hơn (mầm non, tiểu học) cũng sẽ đến trường. Với trẻ nhỏ hơn, có lẽ sẽ khó khăn hơn để yêu cầu các em phải chịu nóng. Trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, sức chịu đựng của các em nhỏ sẽ kém hơn, nhanh mệt mỏi hoặc dễ ốm hơn.

Bảo đảm điều kiện nhiệt độ phù hợp cho các con học tập cũng là vấn đề cần lưu tâm vì đây cũng là vấn đề liên quan trực tiếp đến sức khỏe của học sinh. Anh Trần Hữu Nam, một phụ huynh băn khoăn, trong thời điểm này, tại một số nơi công cộng, hay trên xe buýt… vẫn sử dụng điều hòa. Vậy có nhất thiết phải tắt điều hòa triệt để hay không, hay có thể dùng trong một khoảng thời gian nhất định rồi mở cửa cho lưu thông?

Anh Nguyễn Tuấn Anh, một phụ huynh khác dẫn khuyến cáo của Bộ Y tế cho rằng, tại các khu vực vị trí làm việc, trên phương tiện giao thông vận chuyển người lao động... cần tăng cường thông khí bằng cách tăng thông gió hoặc mở cửa ra vào và cửa sổ, sử dụng quạt hoặc các giải pháp phù hợp khác và hạn chế sử dụng điều hòa. Anh Tuấn Anh cho biết, chưa có khuyến cáo nào cấm hoàn toàn việc sử dụng điều hòa.

Đồng tình với quan điểm này, chị Nguyễn Tâm Hiền, một phụ huynh có con học lớp 6 cho hay, chị đã tham khảo ý kiến của một số chuyên gia, theo đó, những nơi như bệnh viện, khu cách ly bệnh nhân Covid-19 thì lượng virus trong không khí sẽ có nguy cơ cao và trong môi trường cụ thể này thì điều hòa sẽ góp phần lây nhiễm bệnh. Còn ở trường, khi các học sinh và nhà trường được giám sát bằng cách đo thân nhiệt, đeo khẩu trang, thì việc tắt điều hòa hoàn toàn là không cần thiết. Thay vào đó, nhà trường có thể mở máy lạnh trong tiết học và mở cửa tắt điều hòa để thông gió sau mỗi tiết học.

Nhiều phụ huynh cũng bày tỏ lo lắng về việc các con có thể mắc những bệnh do nắng nóng mà độ nguy hiểm cũng không kém gì Covid-19.