Chia sẻ của Bộ trưởng GD-ĐT về xây dựng môi trường học tập hạnh phúc

NDO -

NDĐT - Theo Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ, khi tạo được môi trường hạnh phúc trong nhà trường sẽ hình thành những con người coi trọng cảm xúc và như vậy mới bảo đảm mục tiêu của giáo dục là phát triển con người toàn diện. Để xây dựng môi trường học tập hạnh phúc các nhà trường cần xây dựng môi trường tôn trọng sự phát triển của mỗi cá nhân, khơi gợi cho các thầy cô giáo sự sáng tạo…

Bộ trưởng GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ (ở giữa ảnh) chia sẻ tiêu chí xây dựng môi trường học tập hạnh phúc trong nhà trường
Bộ trưởng GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ (ở giữa ảnh) chia sẻ tiêu chí xây dựng môi trường học tập hạnh phúc trong nhà trường

Chia sẻ với hơn 400 hiệu trưởng đến từ các trường học trong cả nước trong chương trình tọa đàm “Hiệu trưởng thay đổi vì một trường học hạnh phúc”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng để xây dựng được một trường học hạnh phúc cần có những tiêu chí cụ thể. Bộ trưởng đề cập tới ba nhóm tiêu chí để xây dựng một môi trường học tập hạnh phúc.

Tiêu chí thứ nhất là xây dựng môi trường tôn trọng sự phát triển của mỗi cá nhân. Ở đó, không có bạo lực học đường, học sinh được thể hiện cái riêng của mình, được đối xử thân thiện, không phân biệt đẳng cấp hay xếp hạng, các em được phát triển tối đa năng lực của mình, được tôn trọng, không ai bị bỏ rơi.

Trường học phải là một thiết chế văn hóa xanh, sạch, đẹp. Ở những vùng khó khăn, nếu hiệu trưởng biết sắp xếp thì vẫn có thể xây dựng được một ngôi trường tuy không khang trang, hiện đại nhưng sạch đẹp. Trường học còn phải là môi trường dân chủ, ở đó mọi người được thể hiện ý kiến của mình.

Nhóm tiêu chí thứ hai là trong nhà trường giáo viên phải được sáng tạo,được đổi mới phương pháp dạy học, được dân chủ đóng góp ý kiến. “Phải khơi gợi cho các thầy cô giáo sự sáng tạo”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

“Hiện nay có nhiều hiệu trưởng tôn trọng sự sáng tạo, nhưng cũng có nhiều hiệu trưởng còn mang tư tưởng áp đặt, bắt giáo viên phải nghe theo. Do vậy, hiệu trưởng cần thay đổi, giao quyền chủ động cho giáo viên, tạo ra môi trường để giáo viên dám đổi mới, hỗ trợ lẫn nhau, không chạy theo thành tích. Cũng cần quan tâm giảm áp lực cho giáo viên từ sổ sách giấy tờ tới áp lực thành tích”, Bộ trưởng nói.

Học sinh đến trường bên cạnh việc học tập phải được vui chơi, trải nghiệm, sáng tạo. Khi không phải chịu áp lực của bài tập, không bị phân biệt đối xử các em sẽ cảm thấy hạnh phúc khi đến trường. Nếu hiệu trưởng khích lệ, động viên kịp thời giáo viên sẽ phấn khởi, từ đó lại khích lệ kịp thời học sinh. Cần khen chê đúng và loại bỏ những hình phạt, thay vào đó là kỷ luật tích cực.

Nhóm tiêu chí thứ ba là quan hệ của nhà trường với cộng đồng xã hội, trong đó có những quan hệ với cựu học sinh của nhà trường. Hiệu trưởng trên cương vị của mình cần tạo dựng được mối quan hệ này để làm cho giáo viên, học sinh tự hào về môi trường đã ươm tạo, nuôi dưỡng nhiều tài năng, là ngôi trường được cộng đồng xã hội tôn trọng.

“Không phải ngày một ngày hai, không phải một người có thể xây dựng được trường học hạnh phúc nhưng hiệu trưởng nếu biết dẫn dắt, truyền lửa sẽ tạo được môi trường hạnh phúc, ở đó giáo viên muốn đến trường, học sinh muốn đi học. Hạnh phúc là một quá trình, chúng ta cứ xây đắp, dần dần sẽ lan tỏa.

Khi tạo được môi trường hạnh phúc trong nhà trường sẽ hình thành những con người coi trọng cảm xúc chứ không phải chạy theo trí tuệ nhân tạo, chạy theo công nghệ. Công nghệ là rất cần trong thời đại hiện nay, nhưng nếu chúng ta quá coi trọng sẽ không bảo đảm mục tiêu của giáo dục là phát triển con người toàn diện”, Bộ trưởng nhấn mạnh.