Bộ Giáo dục và Đào tạo đối thoại với GS Hồ Ngọc Đại về sách công nghệ giáo dục

NDO -

NDĐT - Ngày 3-1, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tổ chức gặp gỡ, trao đổi, đối thoại với GS,TSKH Hồ Ngọc Đại và PGS,TS Nguyễn Kế Hào (Trung tâm Công nghệ Giáo dục) về các nội dung liên quan đến thẩm định sách giáo khoa (SGK) lớp 1 theo chương trình giáo dục phổ thông mới.

GS,TSKH Hồ Ngọc Đại (đầu tiên bên trái ảnh) và PGS,TS Nguyễn Kế Hào (thứ hai từ trái sang) tại buổi đối thoại
GS,TSKH Hồ Ngọc Đại (đầu tiên bên trái ảnh) và PGS,TS Nguyễn Kế Hào (thứ hai từ trái sang) tại buổi đối thoại

Đại diện tác giả bộ sách: “Cần chú trọng đánh giá qua thực tiễn”

Phát biểu tại cuộc đối thoại, Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học, Bộ GD-ĐT Thái Văn Tài khẳng định: Quy trình tiếp nhận hồ sơ đăng ký thẩm định SGK, việc thành lập hội đồng thẩm định quốc gia, quá trình thẩm định sách giáo khoa đã diễn ra đúng quy định. Thành viên hội đồng thẩm định có 15 ngày nghiên cứu SGK độc lập, sau đó có các buổi làm việc chung và nghe đối thoại của tác giả SGK đăng ký thẩm định. Cuối cùng, các thành viên tiếp tục làm việc độc lập và tiến hành bỏ phiếu. Hội đồng gặp gỡ thông báo cho tác giả SGK ý kiến đánh giá của hội đồng. Như vậy trong quá trình thẩm định đã có hai lần tác giả gặp, nghe ý kiến, đối thoại với hội đồng thẩm định. Trong đợt thẩm định đầu tiên, có 49 bản thảo SGK đăng ký. Trong đó có 38 bản thảo được hội đồng đánh giá đạt, 11 bản thảo không đạt ở cả vòng 1 và 2. Những SGK đạt lại tiếp tục được rà soát, tham vấn ý kiến các cơ quan liên quan trước khi trình Bộ trưởng Bộ GD-ĐT phê duyệt. Trong 11 SGK hội đồng đánh giá không đạt có những cuốn được tác giả sửa chữa có nhu cầu thẩm định lại, có SGK bảo lưu quan điểm nên không gửi thẩm định lại.

Đối với ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng về việc đối thoại về Chương trình thực nghiệm, ông Thái Văn Tài cho biết: Năm 2017, Bộ GD-ĐT đã thành lập hội đồng thẩm định chương trình Thực nghiệm theo hai vòng. Hội đồng gồm 13 thành viên do Viện Khoa học Giáo dục thành lập. Hội đồng đã trình Bộ trưởng kết quả đánh giá vòng 1 chương trình Thực nghiệm phù hợp với chương trình hiện hành và cho phép thực hiện một năm trước khi chương trình giáo dục phổ thông mới triển khai. Ở vòng 2 hội đồng cũng khẳng định có một số ý kiến góp ý từ vòng 1 đã được tác giả sửa chữa, nhưng còn một số nội dung chưa sửa chữa.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đối thoại với GS Hồ Ngọc Đại về sách công nghệ giáo dục ảnh 1

Theo PGS,TSKH Nguyễn Kế Hào, hiện nay, cả nước có 48 tỉnh, thành với hơn 900 nghìn học sinh đang học sách Công nghệ Giáo dục. Việc dạy học cho học sinh tiểu học cần mềm dẻo, linh hoạt. Vì thế không nên loại một bộ sách đã được thực tế kiểm nghiệm và đạt hiệu quả tốt. PGS,TSKH Nguyễn Kế Hào đề nghị Bộ GD-ĐT dựa trên kết luận của các hội đồng thẩm định nhưng làm việc theo tinh thần mới, cởi mở hơn. Vẫn theo đánh giá của Thông tư 33, nhưng các chỉ báo được vận dụng linh hoạt hơn để giữ bản sắc riêng cho mỗi bộ sách. Cần chú trọng đánh giá qua thực tiễn bởi đây mới là thước đo đáng tin cậy, không thể thiếu trong đánh giá sách, đánh giá hoạt động dạy học ở tiểu học. Đồng thời, đề xuất Bộ GD-ĐT nên coi việc thẩm định SGK chỉ là một bước, tiếp theo cần đưa các SGK đã qua thẩm định dạy thử nghiệm một một thời gian.

Hội đồng thẩm định: “Đã vào sân chơi thì phải cùng chơi theo một luật”

Nêu quan điểm về việc thẩm định sách, Chủ tịch hội đồng thẩm định môn Toán, PGS Trần Kiều cho biết: Không phải mọi kết luận của hội đồng thẩm định đều được tất cả các chủ biên tán thành, nhưng đó là các ý kiến xác đáng, có ích cho từng bộ sách. Hội đồng thẩm định đã rất linh hoạt, rộng rãi trong việc vận dụng các tiêu chí mà Bộ quy định. PGS Trần Kiều khẳng định: Hội đồng làm việc nghiêm túc, khách quan, công tâm, không chịu bất cứ sức ép nào. Các kết luận của hội đồng thẩm định đủ độ tin cậy cần thiết. Bao giờ có một chương trình mới, sẽ có những SGK mới tương ứng, phù hợp với chương trình. Có những cuốn SGK rất hay nhưng khi chuyển sang chương trình mới sẽ mất hiệu lực. Không thể lấy việc có nhiều học sinh đang học thì phải được tiếp tục. Đã vào sân chơi thì phải cùng chơi theo một luật, nếu vì bộ sách của GS,TSKH Hồ Ngọc Đại đặc biệt mà phải thẩm định đặc biệt thì có thể các nhóm tác giả SGK khác sẽ phản ứng.

Liên quan đến sách Giáo dục công nghệ, Phó viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam PGS,TS Lê Anh Vinh cho rằng: Điểm mạnh của sách Giáo dục công nghệ là tập huấn giáo viên rất kỹ, cách thiết kế tổ chức dạy học làm giúp cho việc dạy học tích cực, chủ động hơn. Tuy nhiên, nếu GS Hồ Ngọc Đại có điều chỉnh để trẻ tiếp cận trực quan và rõ ràng hơn thì sẽ nhiều học sinh tiếp cận.

Phát biểu tại buổi đối thoại, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết: Các nhân sự tham gia hội đồng thẩm định đều là những người làm việc nghiêm túc, có trách nhiệm, minh bạch, không có áp lực. Tinh thần là để cho xã hội có bộ sách tốt nhất cho học sinh. Khi quán triệt với các thành viên của Hội đồng thẩm định, về phía Bộ GD-ĐT đã thống nhất với Chủ tịch, thành viên hội đồng, tạo điều kiện thuận lợi nhất bởi chúng ta thực hiện chủ trương xã hội hoá SGK.

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cho biết Bộ GD-ĐT đã làm theo Nghị quyết của Quốc hội. Trong quy định thẩm định SGK, hồ sơ gửi lên đã phải có thực nghiệm. Việc thẩm định nhằm mục đích công bố cho xã hội những cuốn sách phù hợp để sử dụng cho chương trình giáo dục phổ thông mới.

Trước kiến nghị của PGS Nguyễn Kế Hào về việc đánh giá bộ sách Công nghệ Giáo dục theo một cách thức khác, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cho biết: Để tạo ra sự công bằng giữa các bộ sách, cần xây dựng tiêu chuẩn, tiêu chí thống nhất trên toàn quốc. Vì vậy, đề xuất của PGS Nguyễn Kế Hào rất khó thực hiện. Chương trình đổi mới sách giáo khoa thay đổi từ mục tiêu thì nội dung phải thay đổi. Đồng thời, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ mong muốn GS,TSKH Hồ Ngọc Đại cùng các cộng sự nghiên cứu, điều chỉnh cuốn SGK phù hợp với chương trình mới, bảo đảm yêu cầu.

Qua cuộc đối thoại, lãnh đạo Bộ GD-ĐT cũng ghi nhận, tổng hợp ý kiến của GS,TSKH Hồ Ngọc Đại, PGS,TSKH Nguyễn Kế Hào để báo cáo Chính phủ.

* Công bố danh mục sách giáo khoa lớp 1 mới: Nhiều vấn đề chưa rõ ràng

* Cần minh bạch, hiệu quả trong quản lý, thẩm định sách giáo khoa