Bảo vệ trẻ em khỏi nạn xâm hại trên môi trường mạng

NDO -

NDĐT- Nhận định trẻ em rất thông minh, yêu thích công nghệ và thích khám phá những điều mới mẻ từ công nghệ song lại quá non nớt trước thủ đoạn của những kẻ xấu trên mạng nên thậm chí ngồi ở trong nhà với cha mẹ và người thân thì trẻ vẫn có nguy cơ bị xâm hại, rất nhiều ý kiến của các đại biểu Quốc hội đặt ra vấn đề cần bảo vệ các em khỏi vấn nạn này.

Đại biểu Hoàng Thị Hoa (Bắc Giang) trao đổi nội dung phòng, chống xâm hại trẻ em trên môi trường mạng
Đại biểu Hoàng Thị Hoa (Bắc Giang) trao đổi nội dung phòng, chống xâm hại trẻ em trên môi trường mạng

Nhiều thủ đoạn xâm hại trẻ em trên môi trường mạng

Các đại biểu Quốc hội đã dành cả ngày 27-5 thảo luận trực tuyến về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và điều hành nội dung của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu.

Bảo vệ trẻ em khỏi nạn xâm hại trên môi trường mạng ảnh 1

Quốc hội dành riêng một ngày thảo luận về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em

Thảo luận về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em rất nhiều ý kiến đại biểu đặt ra vấn đề cần làm rõ nội dung phòng, chống xâm hại trẻ em trên môi trường mạng.

Đại biểu Hoàng Thị Hoa (Bắc Giang) cho biết, dù chưa có số liệu thống kê cụ thể đầy đủ về số lượng trẻ em bị xâm hại trên môi trường mạng, nhưng tại cuộc hội thảo phòng, chống xâm hại trẻ em trên môi trường mạng nằm trong khung khổ cuộc giám sát của Quốc hội, Cục Trẻ em của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã thừa nhận có rất nhiều trẻ em bị xâm hại và trẻ em đứng trước nhiều rủi ro, nguy cơ cơ xâm hại trong môi trường mạng.

Dẫn số liệu của Bộ Công an, đại biểu Hoàng Thị Hoa cho biết, trong ba năm vừa qua, lực lượng công an đã phát hiện và xử lý 156 vụ xâm hại trẻ em trên môi trường mạng. Tuy nhiên, theo đại biểu, số liệu này chưa phản ánh thực sự bức tranh mà trẻ em bị lạm dụng, bị ảnh hưởng trên môi trường mạng.

Thông qua môi trường mạng trẻ em có nguy cơ bị xâm hại như: Hình ảnh trẻ em bị xâm hại và bóc lột được ghi, được quay, được chụp và phát tán, tiếp xúc với nội dung bạo lực, nội dung nhạy cảm, tiếp xúc với nội dung xúi giục tự tử và hành vi tiêu cực khác. Gặp những hành vi tiếp xúc và ứng xử không phù hợp như bắt nạt trực tuyến, nhắn tin liên quan đến tình dục, thông tin cá nhân bị thu thập, quảng cáo các sản phẩm không phù hợp, nghiện internet hoặc game trực tuyến. Những nguy cơ rủi ro với trẻ em trên môi trường mạng được cơ quan quản lý chức năng đưa ra trên thực tế cũng chính là sáu hành vi xâm hại trẻ em được quy định tại Luật Trẻ em năm 2016.

“Nhiều chuyên gia cho rằng, các hành vi xâm hại trẻ em trên môi trường mạng có tác động mạnh hơn đến trẻ em so với hành vi trẻ em bị xâm hại trong đời thực” – đại biểu lưu ý.

Theo đại biểu, những diễn biến phức tạp của tội phạm công nghệ cao khiến trẻ em ngày càng đứng trước nhiều nguy cơ xâm hại, trong khi đó các quy định pháp lý liên quan đến bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng còn thiếu và chưa đồng bộ, hiệu quả chưa cao.

Bên cạnh đó, còn thực tế là các cơ quan truyền thông mục đích ban đầu là phản ánh sự việc để kêu gọi sự quan tâm, sự lên tiếng có trách nhiệm của cơ quan bảo vệ trẻ em, cơ quan thực thi pháp luật nhưng đôi khi tập trung thu hút sự chú ý của dư luận, mà quên đi trách nhiệm bảo vệ trẻ em trong cách đưa tin, hình ảnh vô hình trung làm tổn thương thêm các em. Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ mạng chưa được hướng dẫn phổ biến, tập huấn đầy đủ về trách nhiệm, cách xử lý kịp thời bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng. Nên khi có sự việc xảy ra, chưa chủ động ngăn chặn, cảnh báo mà tiếp tục để phát tán trên môi trường mạng hay dịch vụ của mình.

Nhận định về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) cũng cho rằng hiện thủ đoạn lừa dối, xâm hại, bắt nạt trẻ em qua mạng ngày càng có nguy cơ leo thang. “Nhiều vụ việc để lại quả hậu quả nghiêm trọng cho trẻ em như tự tử và tự làm hại bản thân mình”.

Đồng tình với các ý kiến, đại biểu Nguyễn Thị Thuỷ (Bắc Cạn) cho rằng, với sự phát triển của internet, mạng xã hội, trẻ em đã trở thành “công dân số” từ rất sớm và công nghệ mạng đã tạo ra những thay đổi lớn trong cách thức các em kết bạn, giao tiếp với xã hội. Internet, mạng xã hội mang đến nhiều cơ hội học tập, mở mang kiến thức, giải trí, nhất là với những trẻ em ở vùng sâu, vùng xa. Song, đại biểu cũng bày tỏ lo ngại về những tác động xấu, nguy cơ rủi ro trẻ phải đối mặt.

Đại biểu Nguyễn Thị Thuỷ cung cấp thêm những thông tin và đánh giá liên quan xâm hại trẻ em trên môi trường mạng: Việt Nam thuộc tốp các quốc gia có lượng người dùng Internet lớn nhất thế giới, với 64 triệu người dùng, chiếm 66% dân số. Trong đó 1/3 là người chưa thành niên và thanh niên ở độ tuổi từ 15 đến 24 và mỗi ngày có hơn 720 nghìn hình ảnh xâm hại trẻ em được đưa lên mạng, với hầu hết là các hình ảnh bạo lực, xâm hại tình dục. Kết quả khảo sát cho thấy cứ bốn trẻ được khảo sát thì có một trẻ chia sẻ từng có trải nghiệm đau buồn khi sử dụng mạng xã hội, 1/3 số trẻ cho biết từng là nạn nhân bị bắt nạt trên mạng và số trẻ em gái bị bắt nạt thì cao gấp 3 lần số trẻ em nam.

Bảo vệ trẻ em khỏi nạn xâm hại trên môi trường mạng ảnh 2

Đại biểu Nguyễn Thị Thuỷ

Đại biểu cho biết các thủ đoạn mà các đối tượng thường dùng là lập các phòng chat ảo, thiết lập hoặc tham gia các trang web, các diễn đàn trên mạng để tìm kiếm trẻ em và từ đó thả tin nhắn, lời thoại làm quen. Chúng luôn lấy tên tuổi, hình ảnh giả và tạo ấn tượng ban đầu với các em là người có học thức, có cuộc sống khá giả, hiểu tâm lý, sở thích trẻ em và luôn sẵn sàng chia sẻ. Sau một thời gian trò chuyện thì bọn chúng chuyển chủ đề từ học hành, sở thích sang chủ đề về giới, về tình dục và lôi kéo trẻ cùng xem phim, xem các hình ảnh khiêu dâm trên mạng. Bước tiếp theo là dụ dỗ trẻ phơi bày các bộ phận cơ thể, tạo dáng biểu diễn tình dục trước máy quay giống như là trong phim. Khi đã có được những hình ảnh, đoạn phim của trẻ thì các đối tượng ép trẻ phải quan hệ tình dục, nếu không sẽ phát tán hình ảnh lên mạng.

Có những đối tượng còn giả là người cùng giới với trẻ, chúng lấy hình ảnh đại diện là bé gái 14 tuổi, 15 tuổi, rồi nhắn tin kết bạn làm quen, trò chuyện về sự phát triển của các bộ phận trên cơ thể, sau đó là gạ gẫm, chụp cho nhau xem và nghĩ là bạn cùng giới cho nên có những em đã mất cảnh giác, gửi hình ảnh cho chúng và có những vụ án thì các đối tượng còn sử dụng những hình ảnh đoạn phim này để khai thác thương mại.

Về hậu quả, các đại biểu cho rằng xâm hại trẻ em trên môi trường mạng để lại hậu quả lớn hơn rất nhiều so với các vụ xâm hại ở ngoài xã hội. Nếu như các vụ xâm hại ở ngoài xã hội thì chỉ một vài người chứng kiến, nhưng nếu việc xâm hại bị đưa lên mạng thì hình ảnh xâm hại có thể theo các em suốt cuộc đời.

“Có thể nói là trẻ em rất thông minh, yêu thích công nghệ và thích khám phá những điều mới mẻ từ công nghệ. Song, lại quá non nớt trước thủ đoạn của những kẻ xấu trên mạng và trao cho trẻ một chiếc điện thoại thông minh nhưng không hướng dẫn trẻ cách thức sử dụng mạng an toàn thì nguy cơ đến với trẻ là rất lớn và có thể nói với tội phạm mạng, thậm chí ngồi ở trong nhà với cha mẹ và người thân trẻ vẫn có nguy cơ bị xâm hại” – đại biểu của Bắc Cạn nói. Theo công bố mới nhất của tổ chức Kaspersky thì 84% phụ huynh trên toàn thế giới lo lắng về vấn đề an toàn của con khi sử dụng mạng. Tuy nhiên, tính trung bình thì các bậc phụ huynh chỉ dành 46 phút để trò chuyện với con về vấn đề này trong suốt cuộc đời thời thơ ấu của chúng. Còn đối với công tác điều tra tội phạm mạng, có thể nói đây là loại tội phạm xuyên biên giới, thành thạo công nghệ, thông tin về kẻ phạm tội đều ảo, ẩn danh, các máy chủ hầu hết đặt ở nước ngoài cho nên dễ dàng xóa, hủy chứng cứ. Các nước đều phản ánh gặp khó khăn trong điều tra tội phạm này. Do đó, còn rất nhiều kẻ phạm tội xâm hại trẻ em vẫn đang nhởn nhơ trên mạng xã hội.

Còn nhiều góc khuất

Các đại biểu cũng chỉ ra rằng hành vi xâm hại trẻ em không chỉ gói gọn ở xâm hại tình dục, bạo lực, mua bán, bắt cóc hay chiếm đoạt hành hạ như Báo cáo đã nêu mà có cả sản phẩm tưởng chừng rất văn hóa.

Cho rằng vẫn còn nhiều góc khuất về hành vi xâm hại, đại biểu Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) phân tích: Có những sự việc trẻ em bị xâm hại trên mạng vẫn đang diễn ra công khai, thậm chí còn được cổ súy nhưng chưa được nhìn nhận trong Báo cáo giám sát lần này, vì có lẽ nó được khoác lên mình lớp vỏ bọc văn hóa. Đại biểu đưa ra dẫn chứng: Khi cậu bé mới 4 tuổi òa khóc vì không đạt giải nhất trong Game show “Biệt tài tí hon” thì có người xem nào đặt câu hỏi liệu ở đây, ai đã có hành vi xâm hại trẻ em?

“Việc làm cho một đứa trẻ vừa lên 4 phải bật khóc nức nở trên sóng truyền hình vì thua người khác và clip đó tồn tại với thời gian được hàng triệu người xem trên mạng xã hội, đó có phải là hành vi gây tổn hại về thể chất, tình cảm, tâm lý, danh dự, nhân phẩm của trẻ em mà khoản 5 Điều 4 được định nghĩa về xâm hại trẻ em? -Đại biểu đặt câu hỏi.

Theo đại biểu, từ Giọng hát Việt nhí, Thần tượng âm nhạc nhí, Bước nhảy hoàn vũ nhí, Gương mặt thân quen nhí, Người hùng tí hon đến Chương trình Người mẫu nhí Việt Nam năm 2019 mới cho thấy đó không đơn thuần là sự bùng nổ các game show thiếu nhi mà là sự đối đầu của các nhà sản xuất trước lợi nhuận, bất chấp những giá trị phi đạo đức, khi những người có trách nhiệm để những đứa trẻ hồn nhiên, ngây thơ lại học cách sống cạnh tranh hơn thua để bước lên ngôi vị cao nhất và tự bào chữa cho hành vi đó bằng một lý lẽ là tạo thêm sân chơi cho trẻ em. Theo đại biểu, các kịch bản gameshow đều hướng đến sự cạnh tranh khốc liệt với những chiêu trò nhằm thu hút người xem, mà ở đó trẻ em không khác gì những “con rối” trong tay các nhà sản xuất. Nhìn những giọt nước mắt khi bị loại khỏi cuộc chơi hay những lúc căng như dây đàn mong đến lượt biểu diễn và chờ nghe kết quả, ngay cả phụ huynh còn phải bật khóc tức tưởi sau cánh gà, đâu là tình thương và đâu là sự bất nhẫn của người lớn đối với những tâm hồn của những đứa trẻ chỉ mới lên 5, lên 6 tuổi…?

“Đã có nghiên cứu nào đong đếm những tổn hại mà các em phải gánh chịu so với những gì mà các em và gia đình nhận được sau mỗi chương trình? – đại biểu Phạm Trọng Nhân băn khoăn.

Theo đại biểu, nhiều quốc gia tiến bộ trên thế giới đã chính thức cấm các chương trình thực tế có trẻ em để bảo vệ các em khỏi các nguy cơ tiềm ẩn khi bất ngờ nổi tiếng và cho các em một môi trường bình thường để phát triển.

Từ thực tế trên, các đại biểu đề nghị Chính phủ cần phải xây dựng chiến lược, chương trình dài hạn về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng; tăng cường hợp tác quốc tế về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng.

Đại biểu Hoàng Thị Hoa đề nghị cần phân công cụ thể cơ quan, đơn vị chủ trì ở Trung ương để quản lý các vấn đề liên quan sự an toàn của trẻ em trên môi trường mạng nhằm điều phối các bộ, ngành thúc đẩy hợp tác giữa các cơ quan của Chính phủ và khu vực tư nhân nhằm tăng cường bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng. Đồng thời, tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, truyền thông xã hội nhà trường, gia đình để giúp các em nhận biết, cảnh báo các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thông tin về nội dung không phù hợp với trẻ em.

Đặc biệt, không khuyến khích các nhà truyền thông thông tin các vụ việc xâm hại tình dục trẻ em. Đối với các doanh nghiệp công nghệ thông tin, tăng cường vai trò của các doanh nghiệp công nghệ thông tin trong truyền thông trong việc tạo dựng một môi trường mạng an toàn cho trẻ em.

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy đưa ra ba kiến nghị. Đó là các bậc phụ huynh dành sự quan tâm thỏa đáng để hướng dẫn cho con sử dụng mạng an toàn và hướng cho con trở thành công dân có trách nhiệm trên mạng xã hội; Bộ GD-ĐT đưa nội dung giảng dạy về an toàn trên môi trường mạng vào giờ học tin học; Bộ Công an thông tin đầy đủ các phương thức, thủ đoạn của tội phạm này để trẻ em và gia đình đề cao cảnh giác, đồng thời đề nghị tăng cường các biện pháp nghiệp vụ để phòng ngừa, phát hiện từ sớm.

“Chúng ta không thiếu những chương trình, đề án liên quan đến trẻ em, Luật Trẻ em, Ủy ban Quốc gia về trẻ em, những hành lang pháp lý chặt chẽ cùng những giải pháp, kiến nghị của Đoàn giám sát. Nhưng tất cả những điều đó vẫn chưa đủ nếu thiếu đi một nền tảng ý thức, sự quan tâm và yêu thương trẻ con” – đại biểu Phạm Trọng Nhân chia sẻ trong nội dung kiến nghị về giải pháp.

Theo các đại biểu, chuyên đề giám sát tối cao lần này cho người lớn một cơ hội nhìn lại cách mà chúng ta đang đối xử với trẻ em. Có thể thấy, các đạo luật chỉ mang tính ngăn ngừa và xử lý các hành vi vi phạm. Điều cần thiết vẫn chính là những trái tim nhân hậu, tình thương yêu đúng mực đối với con trẻ.