Diễn đàn Chủ nhật

Tính toán sức chịu tải môi trường của điểm đến

Những năm gần đây, du lịch liên tục đạt các mốc tăng trưởng ấn tượng. Năm 2019, toàn ngành đón hơn 18 triệu lượt khách quốc tế (tăng hơn 16% so với năm 2018), phục vụ 90 triệu lượt khách nội địa (tăng 6%); tổng thu từ khách du lịch ước đạt hơn 726.000 tỷ đồng (tăng hơn 17,1%). Việt Nam lọt tốp 10 nước có tốc độ tăng trưởng du lịch nhanh nhất thế giới…

Du lịch phát triển mạnh mẽ đóng góp tích cực cho kinh tế - xã hội nước nhà. Song bên cạnh những tác động tích cực, tính mùa vụ của du lịch và sự tăng trưởng cao về lượng khách cũng gây những hệ lụy nhất định tới môi trường tự nhiên và xã hội.

Thời gian qua, sự tập trung quá lớn của du khách tại cùng một thời điểm đã khiến hạ tầng của không ít khu, điểm du lịch bị quá tải về sức chứa. Cùng với đó là sự hạn chế về năng lực thu gom và xử lý rác, nước thải, cộng với những hành vi tiêu cực của du khách tác động lên tài nguyên, cảnh quan du lịch khiến nhiều điểm đến phải đối mặt nguy cơ phát triển thiếu bền vững. Ðây là thực trạng thường thấy ở những điểm "nóng" du lịch mùa lễ hội đầu năm như Chùa Hương, Ðền Hùng…; hay ở những điểm đến thu hút khách quanh năm như Sa Pa, vịnh Hạ Long…

Nhiều chuyên gia đều có chung nhận định rằng, vấn đề cơ bản là năng lực hạ tầng nói chung của điểm đến chưa theo kịp sự phát triển quá nhanh của du lịch; thêm nữa là sự lúng túng trong quản lý điểm đến nhằm hạn chế những tác động tiêu cực từ sự gia tăng du khách. Theo Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch Trương Sỹ Vinh, bản thân các loại tài nguyên mang những giới hạn tự nhiên và tính nhạy cảm nhất định. Việc khai thác vượt quá giới hạn tự nhiên sẽ gây ra những ảnh hưởng, đôi khi không thể khắc phục được. Vì thế, để hướng tới mục tiêu phát triển du lịch bền vững, việc quản lý lượng khách du lịch đến khu, điểm du lịch đúng với sức chịu tải của môi trường du lịch có vai trò rất quan trọng. Ðây là căn cứ để quản lý và kiểm soát nhằm ngăn chặn những tác động tiêu cực do hoạt động du lịch gây ra đối với môi trường điểm đến.

Sức chịu tải môi trường được hiểu là khả năng đáp ứng lượng khách tối đa trong không gian khu, điểm du lịch và trong phạm vi giới hạn chịu đựng của môi trường tự nhiên và môi trường xã hội tại khu, điểm đó. Việc đánh giá sức chịu tải môi trường cần phải được thực hiện sớm, nhất là ở các điểm đến có khả năng thu hút lượng khách lớn để làm cơ sở triển khai các quy hoạch, kế hoạch, dự án phát triển du lịch, từ đó có căn cứ để quản lý các hoạt động du lịch tại điểm đến, đưa ra các đề xuất, giải pháp bảo vệ môi trường du lịch, hạn chế phát triển du lịch theo hướng quá tải.

Trên thực tế, đã có những công trình nghiên cứu liên quan sức chịu tải môi trường du lịch ở một số khu, điểm du lịch. Tuy nhiên, việc nghiên cứu này chưa thật sự phổ biến và triển khai trên diện rộng. Mới đây, Viện Nghiên cứu phát triển du lịch đã đưa ra những nghiên cứu ban đầu về sức chịu tải môi trường của Vườn quốc gia Cúc Phương (tỉnh Ninh Bình) và điểm du lịch Bản Lác (tỉnh Hòa Bình), đề xuất những giải pháp cho các điểm này. Du lịch là ngành chủ yếu khai thác thế mạnh của tài nguyên để xây dựng sản phẩm du lịch; song mỗi tài nguyên du lịch lại có tính chất, độ nhạy cảm khác nhau. Do đó, theo các chuyên gia, trong bối cảnh du lịch đang tăng trưởng mạnh, cần thực hiện những đánh giá riêng về sức chịu tải môi trường tại các điểm đến và thực hiện trên diện rộng, nhất là ở những khu, điểm du lịch hút khách, dễ bị quá tải. Tùy theo tính chất tài nguyên, phạm vi khai thác của điểm đến, cần có phương pháp tính toán sức chịu tải môi trường phù hợp để đưa ra những cách tiếp cận, giải quyết hợp lý. Trong trường hợp khả năng thu hút du khách còn quá thấp so với khả năng chịu tải, cần có những biện pháp để tăng cường quảng bá, xúc tiến hình ảnh điểm đến, tăng chất lượng dịch vụ để mời gọi du khách. Ngược lại, đối với điểm đến đã quá tải về lượng khách, cần những giải pháp để nâng cao năng lực hạ tầng, mở rộng quy mô hoặc có biện pháp giãn khách…