Tìm "lối mở" cho visa du lịch

NDO -

NDĐT – Chính sách visa của Việt Nam vẫn bị đánh giá là chưa thông thoáng, còn khiến du khách nước ngoài ngần ngại khi lựa chọn đến Việt Nam. Hội đồng tư vấn du lịch quốc gia đã đưa ra một số giải pháp để gỡ khó cho visa, hướng tới mục tiêu tăng trưởng du lịch trong tương lai.

Du khách nước ngoài tại Hồ Gươm.
Du khách nước ngoài tại Hồ Gươm.

Chỉ số cạnh tranh về visa tăng, nhưng thủ tục vẫn chậm và đắt

Ông Hoàng Nhân Chính, Trưởng ban Thư ký Hội đồng tư vấn du lịch (TAB) cho biết, theo đánh giá của Diễn đàn kinh tế thế giới, chỉ số năng lực cạnh tranh của Việt Nam tăng bốn bậc đứng thứ 63 (so với 67 năm 2017); trong đó chỉ số yêu cầu về thị thực tăng 63 bậc (116 lên 53) - tiến bộ vượt bậc. Trong hai năm qua, chính sách về thị thực đã được cải thiện rất nhiều. Việc mở rộng áp dụng chính sách thị thực điện tử từ 40 lên 80 quốc gia, gia hạn cho năm nước châu Âu miễn visa thêm ba năm cũng góp phần làm tăng chỉ số về visa của Việt Nam.

Tuy nhiên, trong bảng xếp hạng về visa của Diễn đàn kinh tế thế giới, Việt Nam vẫn đứng thấp nhất trong khu vực.

Theo khảo sát về chính sách thị thực đối với khách quốc tế đến Việt Nam do TAB thực hiện từ quý I-2019, nhiều du khách đến Việt Nam, đã xin visa vào Việt Nam cho biết họ phải trả nhiều hơn mức phí thị thực là 25 USD. Khảo sát cho thấy chỉ có 18% du khách cho biết nộp dưới 30 USD, còn phần lớn phải nộp nhiều hơn 30 USD, thậm chí có khách nộp hơn 90 USD. Điều này cũng nghĩa là đã có những khoản phí nằm ngoài phí chính thức, chẳng hạn như phí dịch vụ, và cũng có nhiều đơn vị, bộ phận làm tăng tiền phí thị thực thu của khách.

Bên cạnh đó, số lượng khách được hưởng chính sách miễn thị thực còn tương đối ít, chỉ chiếm 8%. Số lượng khách làm visa điện tử cũng khá ít, chủ yếu làm visa thông thường. Ngoài ra, một bất cập khác, hiện nay phần lớn visa vào Việt Nam được xin thông qua một bên thứ ba, chỉ một phần qua trực tuyến hoặc trực tiếp xin tại Đại sứ quán.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, theo ông Hoàng Nhân Chính là du khách chưa có được nguồn thông tin đáng tin cậy. Chỉ có 15% số lượng khách lấy thông tin từ Đại sứ quán, 14% qua Tổng cục Du lịch, 26% qua công ty du lịch. Thông tin cung cấp chưa rõ ràng, khiến du khách cảm thấy độ tin tưởng chưa cao.

Thời gian xin thị thực của Việt Nam cũng khá lâu, nếu làm thị thực điện tử thì khoảng năm ngày là có, nhưng thực tế nhiều khách phải chờ từ 6-14 ngày, thậm chí lâu hơn 14 ngày. So sánh trong khu vực, phần lớn các nước khác xin visa dễ hơn.

Kiến nghị bốn vấn đề cần tháo gỡ

Ông Hoàng Nhân Chính, Trưởng ban Thư ký Hội đồng tư vấn du lịch (TAB) cho biết, TAB kiến nghị bốn vấn đề liên quan để tháo gỡ chính sách visa.

Thứ nhất, cần rõ ràng, minh bạch và thống nhất trong thông tin, các khái niệm, định nghĩa để các cơ quan như Đại sứ quán, cửa khẩu, cơ quan Xuất nhập cảnh giải thích với khách. Việc này cần giao cho Bộ Công an vì đây là cơ quan soạn thảo, nắm rõ chính sách thị thực.

Tìm "lối mở" cho visa du lịch ảnh 1

Du khách thích thú tự chèo thuyền tại Tràng An, Ninh Bình.

Thứ hai, cần cải thiện việc xin thị thực trực tuyến. Hiện nay nhiều du khách lúng túng vì Việt Nam có hai trang web chính thức, nhiều khách lo ngại rằng thông tin cá nhân có thể bị lọt ra ngoài. TAB đề xuất việc cấp thị thực điện tử do cơ quan Xuất nhập cảnh Bộ Công an cung cấp, nhưng nên ở một trang web thống nhất. Ngoài ra, tên miền của trang web thị thực trực tuyến cũng cần ưu tiên tiếng Anh, trong đó có phần chuyển đổi ngôn ngữ tiếng Việt cho người Việt ở nước ngoài hoặc Việt kiều. Ngoài ra, trang web về thị thực của Bộ Ngoại giao cũng cần cập nhật thông tin.

Thứ ba, về việc miễn thị thực, ông Hoàng Nhân Chính cho rằng đây là việc cần phải làm. Khả năng du khách đi nhiều tour, nhiều nước trong khu vực là rất cao, phần lớn nhiều hơn 5 ngày, trong khi chúng ta chỉ cho phép miễn thị thực nhiều nhất là 15 ngày. Nếu như du khách muốn đi từ Hà Nội sang Xiêm Riệp rồi bay vào thành phố Hồ Chí Minh trong khoảng thời gian nhiều hơn 15 ngày lại phải chờ để được cấp lại thị thực. TAB cũng đã đề xuất tăng cường đường bay trong nội khối khu vực sông Mekong và ASEAN giúp khách du lịch đi lại dễ dàng hơn, giúp tăng thêm số lượng khách.

Có ý kiến lo ngại cho rằng những khách được ưu đãi miễn thị thực 30 ngày có thể lợi dụng chính sách này để vào tìm việc làm tại Việt Nam. TAB đề nghị thay miễn thị thực 30 ngày bằng “miễn thị thực tối đa 30 ngày”, nếu công dân đến từ quốc gia nào có vấn đề, Chính phủ có thể hạn chế visa dưới 15 ngày. Đối với các công dân nước nào có nguy cơ về mại dâm, buôn bán chất cấm trốn ở lại, vẫn có nhiều cách để xử lý như chỉ cấp thị thực có hạn, hoặc đưa vào danh sách hạn chế giống nhiều nước khác hiện nay đang làm.

Thứ tư là cải tiến các thủ tục xin thị thực tại cửa khẩu. Hiện nay khách vẫn có thể xin thị thực tại cửa khẩu, nhưng thực tế hiện nay có nhiều công ty, tổ chức trá hình để làm dịch vụ với mức phí cao và tùy tiện, không có cơ quan nào quản lý, thời hạn nhận thị thực cũng khác nhau. TAB đề nghị cần lưu ý để quản lý, hoặc bỏ hẳn khâu trung gian này đi. Nếu vẫn cần đơn vị trung gian làm dịch vụ, cần quy định và quản lý rõ ràng, chặt chẽ.

Ngoài ra, cần cải thiện tốc độ truy cập trang web và an ninh mạng, nếu không khách lại phải xin thị thực theo cách thông thường.

Ông Hoàng Nhân Chính cũng đưa ra đề xuất tập trung vào các thị trường có khả năng chi trả cao như Hàn Quốc, Nhật Bản, Nga, các nước Bắc Âu, khách sẵn sàng ở Việt Nam tới 20-30 ngày và chi trả rất cao. Ngoài ra, TAB cũng đề nghị bổ sung thêm một số thị trường vào danh sách miễn visa như Australia, New Zealand, Canada, Hà Lan, Thụy Sĩ và Bỉ, đây đều là những quốc gia trọng điểm du lịch, ưa thích du lịch tại Đông Nam Á, chi trả cao và có ý thức bảo vệ môi trường rất tốt. Đây là một số thị trường không miễn visa cho khách du lịch Việt Nam cũng như một số nước Đông Nam Á như Thái Lan, Indonesia, Philippines, nhưng du khách của sáu nước này cũng như Mỹ được miễn visa ở nhiều nước Đông Nam Á, trong đó có cả Thái Lan, Indonesia, Philippines. Chính sách miễn thị thực đơn phương này nhằm mục tiêu tăng thu hút và khả năng cạnh tranh của du lịch.

Gỡ khó cho visa cũng là một cách để tăng sức cạnh tranh của du lịch, nhất là trong điều kiện chúng ta còn chưa mạnh về quảng bá, số lượng du khách quay trở lại chưa cao. Rõ ràng, việc tăng bốn bậc trong bảng xếp hạng cạnh tranh của du lịch Việt Nam đang là một bước đà tốt, việc mở cửa visa sẽ là sự thúc đẩy tốt cho bước đà này mạnh mẽ hơn.