Phát triển du lịch kết hợp chăm sóc sức khỏe

Đời sống kinh tế càng phát triển, áp lực từ môi trường, xã hội ngày càng lớn dẫn đến nhu cầu được chăm sóc sức khỏe của con người cũng cao hơn. Giờ đây, thay vì tham gia hành trình tham quan, nghỉ dưỡng thông thường, nhiều người có xu hướng lựa chọn những chuyến du lịch kết hợp chăm sóc sức khỏe. Đây cũng được coi là thị trường tiềm năng của du lịch Việt Nam.

Khách du lịch tham gia một chương trình học thiền tại Yên Tử (Quảng Ninh).
Khách du lịch tham gia một chương trình học thiền tại Yên Tử (Quảng Ninh).

Nếu du lịch chữa bệnh (medical tourism) là hình thức đi du lịch kết hợp mục đích khám bệnh, chữa bệnh bằng cả phẫu thuật và không phẫu thuật thì du lịch sức khỏe (wellness tourism) được hiểu là mô hình du lịch với mục đích nghỉ ngơi, thư giãn, tăng cường sức khỏe thể chất và tinh thần. Loại hình này chú trọng việc cung ứng các trải nghiệm nhằm thỏa mãn nhu cầu chăm sóc sức khỏe của du khách tại các điểm đến. Theo đó, những sản phẩm du lịch sức khỏe phổ biến trên thế giới hiện nay là du lịch nghỉ dưỡng đi kèm tham gia các khóa tập thể dục dưỡng sinh, thiền, yoga, spa, tắm khoáng nóng phục hồi sức khỏe, cai thuốc lá, giảm cân… Sức khỏe của du khách được coi là yếu tố trung tâm để các đơn vị kinh doanh du lịch cung ứng các dịch vụ liên quan, từ đó giúp du khách đánh thức những năng lượng tiềm ẩn, tìm đến sự cân bằng của cơ thể và tâm hồn.

Đối tượng khách của du lịch sức khỏe phần lớn là những người trung niên, có trình độ và thu nhập cao. Đây cũng là lý do khiến nhiều quốc gia trên thế giới sớm đã nhận diện ưu thế và tập trung cho phát triển du lịch sức khỏe. Tiêu biểu là Nhật Bản với thế mạnh về spa khoáng nóng, Hàn Quốc với ngành làm đẹp, Ấn Độ với thiền, yoga…

Sở hữu nguồn tài nguyên thiên nhiên đa dạng, phong phú với nhiều bãi biển, suối khoáng đẹp, giàu giá trị và những bài thuốc quý về làm đẹp, tăng cường sức khỏe, Việt Nam đang được đánh giá cao ở tiềm năng phát triển loại hình du lịch chăm sóc sức khỏe. Ngày càng nhiều doanh nghiệp đầu tư những khu nghỉ dưỡng cao cấp. Nhiều khu nghỉ dưỡng cao cấp, khách sạn năm sao nổi tiếng đã chú trọng dành không gian để phát triển hệ thống tiện ích chăm sóc sức khỏe đồng bộ. Trong đó, một số nơi đã giành được những giải thưởng uy tín như: Khu nghỉ dưỡng có dịch vụ tốt nhất, Khu nghỉ dưỡng hàng đầu châu Á, Khu nghỉ dưỡng chăm sóc sức khỏe hàng đầu Việt Nam… Bên cạnh đó, một số công ty lữ hành cũng đã xây dựng những sản phẩm du lịch chuyên biệt về chăm sóc sức khỏe như tua thiền - yoga đến với những vùng thiên nhiên hoang sơ, không khí trong lành; tua giảm cân, thải độc với sự đồng hành của các chuyên gia, huấn luyện viên…

Tuy nhiên, ở nước ta, có thể thấy loại hình này vẫn chưa thật sự phát triển bài bản. Phần lớn các sản phẩm du lịch sức khỏe thời gian qua vẫn chủ yếu do các đơn vị nghỉ dưỡng cung cấp tại chỗ. Một số tua du lịch chuyên biệt cũng mới chỉ phát triển manh mún, chưa có sự đồng bộ ở các điểm đến để mang lại trải nghiệm thật sự khó quên cho du khách. Cũng chưa có những đơn vị chịu trách nhiệm, thẩm định chất lượng những tua du lịch này. Do đó, theo các chuyên gia, muốn phát triển du lịch sức khỏe ở Việt Nam, trước tiên, cần có những nghiên cứu, đánh giá chi tiết về nguồn lực phát triển loại hình du lịch này để từ đó xác định được các sản phẩm phù hợp và thị trường mục tiêu để có hướng đầu tư phát triển đúng và trúng, có định hướng, quy hoạch cụ thể để phát triển bền vững. Bên cạnh đó, du lịch chăm sóc sức khỏe cũng đòi hỏi đội ngũ phục vụ chuyên biệt và chuyên nghiệp hơn, cho nên để bảo đảm cung ứng chất lượng dịch vụ tốt, cần chú trọng phát triển nguồn nhân lực có kiến thức, kỹ năng phù hợp. Nhìn sang các nước bạn, để phát triển những sản phẩm du lịch sức khỏe ưu thế, bên cạnh việc đẩy mạnh quảng bá xúc tiến và hoàn thiện cơ sở hạ tầng dịch vụ, ngành du lịch các quốc gia này còn rất quan tâm vấn đề nâng cao và bảo đảm chất lượng cung ứng dịch vụ. Đơn cử, ở Ấn Độ, Bộ Du lịch nước này đã phối hợp Ủy ban chứng chỉ nghề dịch vụ chăm sóc sức khỏe để thường xuyên thẩm định chất lượng các trung tâm chăm sóc sức khỏe trên toàn quốc và cấp chứng chỉ. Hay ở Nhật Bản, Ủy ban Môi trường Nhật Bản cũng quy định các cơ sở tắm khoáng nóng vài năm phải nộp mẫu nước xét nghiệm một lần và có báo cáo kết quả tới khách hàng.

Thực tế cho thấy, trong phát triển du lịch sức khỏe, vấn đề quản lý chất lượng sản phẩm du lịch phải là yếu tố đặt lên hàng đầu. Và muốn làm được điều này, chắc chắn không chỉ cần tới đội ngũ làm du lịch, mà còn cần sự phối hợp chặt chẽ của các đơn vị có thẩm quyền về y tế, tài nguyên môi trường… Điều đó không chỉ giúp bảo đảm chất lượng dịch vụ mà còn là phương thức hữu hiệu để xây dựng và khẳng định thương hiệu của du lịch chăm sóc sức khỏe tại Việt Nam, biến hình thức du lịch này thành thị trường tiềm năng, mang đến giá trị tăng trưởng lớn cho ngành du lịch nước nhà.