Phát huy hiệu quả vùng du lịch văn hóa sinh thái Tây Nguyên

NDO -

NDĐT - Ngày 15-11, tại TP Buôn Ma Thuột, Viện khoa học xã hội vùng Tây Nguyên phối hợp với UBND tỉnh Đắk Lắk tổ chức Hội thảo khoa học cấp quốc gia: Xây dựng vùng du lịch văn hóa sinh thái Tây Nguyên - Tiềm năng và những vấn đề.

Các chuyên gia phát biểu tại hội thảo.
Các chuyên gia phát biểu tại hội thảo.

Tham dự hội thảo có đại diện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Viện hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam; Viện nghiên cứu phát triển du lịch; Tổng Cục du lịch; lãnh đạo các Sở Văn hóa - thể thao và Du lịch của các tỉnh Tây Nguyên, các cơ quan, đơn vị, các trường đại học, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, chuyên gia phát triển du lịch, doanh nghiệp kinh doanh du lịch... đến từ nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước.

Những năm qua, các tỉnh Tây Nguyên đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có đóng góp của ngành du lịch dựa trên việc khai thác những yếu tố về cảnh quan thiên nhiên, các giá trị về văn hóa của các dân tộc, các giá trị về đời sống, phong tục tập quán, lễ hội... Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, những ảnh hưởng của quá trình đô thị hóa nhanh, quá trình di dân tự do, khai thác khoáng sản… đã làm mất đi những lợi thế và tiềm năng phát triển du lịch của khu vực nói chung và từng địa phương nói riêng, nhất là tình trạng phá rừng ngày càng nghiêm trọng, nguồn nước ngày càng khan hiếm, các già trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc bản địa ngày càng mai một... Vì vậy, các tỉnh trong khu vực cần chú trọng phát triển du lịch văn hóa sinh thái gắn với bảo vệ môi trường.

Xuất phát từ yêu cầu thực tiễn trên, tại hội thảo các tham luận, ý kiến của các nhà khoa học, nhà quản lý, chuyên gia, doanh nghiệp tập trung thảo luận về các vấn đề như: Thực trạng môi trường các địa phương trong khu vực; đánh giá tác động của du lịch đến môi trường; hoạt động bảo vệ môi trường ở một số khu du lịch, vườn quốc gia, khu du lịch cộng đồng; hoạt động bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống; các mô hình du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp bảo đảm các tiêu chí về môi trường; những cách làm tạo sinh kế cho cộng đồng gắn với bảo vệ môi trường; những điển hình về phát triển du lịch gắn với môi trường... Từ đó đưa ra những đề xuất, khuyến nghị, giải pháp nhằm nâng cao nhận thức và trách nhiệm về bảo vệ môi trường, bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa các dân tộc đang sinh sống tại khu vực Tây Nguyên, góp phần xây dựng vùng Tây Nguyên xanh - sạch - đẹp gắn với phát triển du lịch văn hóa sinh thái bền vững.

Tiến sĩ Phạm Xuân Hoàng, Viện khoa học xã hội vùng Tây Nguyên cho rằng: Đối với Tây Nguyên, đã bao đời nay rừng hiện diện trong đời sống của đồng bào các dân tộc bản địa ở Tây Nguyên và có giá trị lớn đối với phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh Tây Nguyên. Rừng tham gia đóng góp lớn đối với phát triển du lịch sinh thái ở các tỉnh Tây Nguyên. Tuy nhiên, hiện nay, rừng, hệ sinh thái ở Tây Nguyên ngày càng bị suy giảm do những tác động của con người. Đáng chú ý, nạn phá rừng đã và đang khiến hệ sinh thái rừng Tây Nguyên mất cân bằng nghiêm trọng. Do vậy, cần phải bảo vệ và phát triển rừng vừa giữ gìn tài nguyên, hệ sinh thái của cả khu vực, đồng thời góp phần phát triển du lịch văn hóa sinh thái theo hướng bền vững.

Tiến sĩ Nguyễn Huy Phòng (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) nêu ý kiến: Tây Nguyên là vùng đất có tiềm năng phát triển du lịch nói chung, du lịch văn hóa sinh thái nói riêng rất dồi dào. Tuy nhiên, ngành kinh tế mũi nhọn này vẫn chưa được “đánh thức” và phát huy được do nhận thức của các cấp, các ngành chưa thực sự coi trọng, quan tâm đầu tư phát triển du lịch. Vì vậy, để khơi dậy và đánh thức tiềm năng du lịch, các cấp, các ngành, nhất là các cấp ủy đảng, chính quyền các tỉnh Tây Nguyên nâng cao hơn nữa nhận thức của bản thân, của hệ thống chính trị và của nhân dân về vai trò, vị trí của du lịch đối với sự phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời phải mở rộng liên kết vùng, bảo tồn sự đa dạng sinh học, bảo tồn di sản văn hóa, đào tạo nguồn nhân lực du lịch và đẩy mạnh công tác truyền thông, quảng bá hình ảnh về vùng đất, con người, văn hóa Tây Nguyên thì du lịch văn hóa sinh thái mới phát triển được.

Dưới góc nhìn của nhà quản lý, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Nông Phan Công Việt nhìn nhận: các tỉnh Tây Nguyên có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch văn hóa sinh thái, tuy nhiên lĩnh vực này chưa hấp dẫn đối với các nhà đầu tư, vì cơ chế, chính sách về đầu tư không có sự đột phá khác biệt so với các vùng khác. Trong khi đó, điều kiện về địa lý, cơ sở vật chất, hạ tầng giao thông, nguồn nhân lực, dịch vụ phụ trợ... còn nhiều khó khăn, hạn chế. Các khu, điểm du lịch hầu như cách xa khu trung tâm, thời gian di chuyển quá lâu trong khi dịch vụ chưa cao và chưa thật đặc sắc để giữ chân du khách ở lại... Bên cạnh đó, chương trình liên kết vùng trong phát triển du lịch trong thời gian qua còn hạn chế, vẫn còn tình trạng mạnh tỉnh nào nấy làm mà chưa có sự hợp tác, hỗ trợ cho nhau... Vì vậy, để phát triển du lịch văn hóa sinh thái trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn ở Tây Nguyên thì Chính phủ cần ưu tiên hỗ trợ các tỉnh Tây Nguyên về kinh phí đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông. Các tỉnh Tây Nguyên cần đẩy mạnh chương trình liên kết vùng trong phát triển du lịch để khai thác hiệu quả các tuyến du lịch trọng điểm như “Con đường xanh Tây Nguyên”, “Con đường huyền thoại - Đường mòn Hồ Chí Minh”, hợp tác phát triển du lịch khu vực tam giác Việt Nam - Lào - Campuchia.... để thu hút khách du lịch trong và ngoài nước đến với Tây Nguyên.

Tại hội thảo, nhiều ý kiến của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu và các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch đề xuất để du lịch Tây Nguyên có sự phát triển bứt phá, các tỉnh Tây Nguyên cần thực hiện tốt các giải pháp như: ưu tiên phát triển du lịch từ khai thác lợi thế tài nguyên của Tây Nguyên, đẩy mạnh các hoạt động du lịch trên cơ sở khai thác, phát huy các lợi thế về tài nguyên du lịch thiên nhiên và tài nguyên văn hóa Tây Nguyên...

Nâng cao chất lượng và đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, xây dựng các sản phẩm du lịch phù hợp với tiềm năng và thế mạnh của từng địa phương trong vùng; chú trọng nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch đặc thù mang đậm nét Tây Nguyên. Đồng thời, du lịch Tây Nguyên cần mở rộng liên kết với các tỉnh miền Trung và vùng Đông Nam Bộ, TP Hồ Chí Minh để kết nối thành các tour, tuyến tạo ra thị trường du lịch rộng lớn, có tác dụng kích cầu du lịch nhằm thu hút khách cho du lịch vùng Tây Nguyên, đặc biệt là hướng tới thu hút lượng khách quốc tế đến với Tây Nguyên.

Phát triển du lịch Tây Nguyên phải bảo đảm hiệu quả kinh tế và phát triển văn hóa xã hội; có cơ chế bảo tồn di sản văn hóa, bảo vệ môi trường văn hóa, khuyến khích các hình thức du lịch có trách nhiệm cùng hưởng lợi, cùng chia sẻ lợi ích từ các bên tham gia để bảo đảm xây dựng, bảo tồn và phục hồi các giá trị về môi trường sinh thái, các giá trị văn hóa và phát triển du lịch xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Việc phát triển các loại hình du lịch nói chung, du lịch văn hóa sinh thái nói riêng để góp phần tăng trưởng kinh tế, xóa đói giảm nghèo là ưu tiên cần thiết, nhưng cần đặc biệt chú trọng phát triển kinh tế, tạo sinh kế cho đồng bào nhưng phải có phương án bảo vệ môi trường, không phá vỡ cảnh quan thiên nhiên, xâm hại di sản văn hóa, phá vỡ nếp sống văn hóa của mỗi tộc người ở Tây Nguyên.