Nhìn lại năm 2019

Năm đột phá của Du lịch Việt Nam

Năm 2019, Du lịch Việt Nam tiếp tục đạt được những thành tựu mang tính đột phá. Khách quốc tế đến Việt Nam ước đạt hơn 18 triệu lượt (tăng 16,2% so với năm 2018); phục vụ 85 triệu lượt khách nội địa; tổng thu từ khách du lịch đạt 726 nghìn tỷ đồng. Tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2015-2019 đạt khoảng 22,7%/năm. Việt Nam được đánh giá là một trong 10 nước tăng trưởng du lịch nhanh nhất thế giới.

Du khách tham quan phố cổ Hội An - Điểm đến thành phố văn hóa hàng đầu châu Á. Ảnh: THANH TÙNG
Du khách tham quan phố cổ Hội An - Điểm đến thành phố văn hóa hàng đầu châu Á. Ảnh: THANH TÙNG

Kinh nghiệm "chinh phục đỉnh cao mới"...

Năm 2019, ngành du lịch đã chinh phục những đỉnh cao mới trong thế khó. Những tháng đầu năm, khách quốc tế đến Việt Nam tăng chậm do diễn biến phức tạp, căng thẳng thương mại giữa các nền kinh tế lớn. Song bằng sự nỗ lực chủ động, đổi mới trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, nhất là thực hiện hiệu quả việc đơn giản hóa thủ tục, đa dạng sản phẩm, trong bốn tháng cuối năm, ngành du lịch đã tăng tốc cán đích để đạt và vượt các chỉ tiêu về khách du lịch quốc tế, khách du lịch nội địa và tổng thu từ khách du lịch. Ðiều đó cũng đem lại bài học kinh nghiệm vô giá cho ngành.

Ngành du lịch đã tham mưu đề xuất chính sách nhằm cải thiện môi trường kinh doanh để thu hút mạnh mẽ các nguồn lực đầu tư của xã hội, nhất là các nhà đầu tư chiến lược có tiềm lực tài chính vào các dự án xây dựng cơ sở lưu trú có quy mô lớn, đẳng cấp và hiện đại. Ngoài việc chủ động, tích cực triển khai các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch nhằm thu hút khách quốc tế đến Việt Nam, ngành du lịch đã điều chỉnh kịp thời kế hoạch xúc tiến du lịch, phối hợp chặt chẽ với các địa phương, doanh nghiệp tổ chức các chương trình kích cầu phù hợp với tình hình thị trường. Ngành du lịch cũng tăng cường ứng dụng e-marketing để quảng bá du lịch Việt Nam trên website Vietnam.travel và các trang mạng xã hội (Facebook, Instagram, Pinterest và Youtube) trong đó tập trung Chiến dịch Vietnam Now giúp cho tổng số người theo dõi trên mạng xã hội Facebook và Instagram của Du lịch Việt Nam tăng 600%. Song song với đó, việc nắm tình hình hoạt động kinh doanh lữ hành quốc tế được tăng cường, đã phối hợp kiểm tra hoạt động kinh doanh lữ hành quốc tế, kinh doanh lữ hành nội địa, cấp đổi thẻ hướng dẫn viên và kiểm tra các cơ sở đào tạo tổ chức thi cấp chứng chỉ nghiệp vụ tại một số địa phương; đồng thời kiểm tra, chấn chỉnh hoạt động kinh doanh lữ hành, xử lý nghiêm các hiện tượng biến tướng kinh doanh tua du lịch giá rẻ.

Trong năm 2019, các địa phương cũng tăng cường công tác quản lý nhà nước về du lịch, chỉ đạo, đôn đốc các doanh nghiệp xây dựng sản phẩm du lịch, kiểm soát, nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, nhất là trong các dịp lễ Tết, mùa cao điểm. Tiêu biểu như các địa phương: Thừa Thiên Huế, Lâm Ðồng, Ninh Bình, Quảng Nam, Thanh Hóa, Nghệ An... Các địa phương trong cả nước, nhất là các tỉnh trọng điểm về du lịch đã có những chính sách, giải pháp cụ thể, nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, cải cách thủ tục hành chính để thu hút đầu tư vào du lịch, phát triển sản phẩm du lịch đa dạng hướng tới nhiều thị trường mới, kiểm soát và nâng cao chất lượng dịch vụ... Sản phẩm du lịch ngày càng đa dạng, có nhiều sản phẩm chất lượng cao, tạo cơ sở hình thành một số điểm đến hấp dẫn, các vùng động lực phát triển của Du lịch Việt Nam. Nhiều địa phương và doanh nghiệp đã đẩy mạnh thu hút phân khúc thị trường khách du lịch theo một số loại hình du lịch chuyên đề mà Việt Nam có lợi thế. Trong đó du lịch MICE trở thành thương hiệu thu hút khách quốc tế của Ðà Nẵng, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh. Tại một số tỉnh Tây Bắc, miền trung - Tây Nguyên và đồng bằng sông Cửu Long đang dần trở thành điểm đến của loại hình du lịch cộng đồng. Hợp tác, liên kết vùng miền được quan tâm, thúc đẩy thông qua các hội nghị hợp tác phát triển du lịch...

Chất lượng dịch vụ du lịch cải thiện đáng kể. Sự tham gia của nhiều nhà đầu tư lớn trong nước và nước ngoài tiếp tục làm thay đổi chất lượng hạ tầng dịch vụ du lịch, góp phần hình thành nhiều khu du lịch khép kín, đẳng cấp quốc tế. Ðầu tư phát triển du lịch tăng cả về số lượng và chất lượng với nhiều dự án từ các tập đoàn kinh tế có tiềm lực tài chính, như: VinGroup, SunGroup, BIM, CEO... Một số doanh nghiệp du lịch bước đầu thành lập các hãng hàng không tạo sự liên kết, phát triển mạnh mẽ giữa du lịch - hàng không. Các khu nghỉ dưỡng, khách sạn, điểm đến liên tiếp lọt vào danh sách điểm đến hấp dẫn nhất thế giới do những hãng thông tấn và tạp chí uy tín bình chọn. Và cuối năm 2019, Du lịch Việt Nam đã nhận được nhiều danh hiệu giải thưởng du lịch toàn cầu, Việt Nam được trao bốn giải hàng đầu châu Á 2019 bao gồm: Ðiểm đến hàng đầu châu Á, Ðiểm đến ẩm thực hàng đầu châu Á, Ðiểm đến văn hóa hàng đầu châu Á và Ðiểm đến thành phố văn hóa hàng đầu châu Á - Thành phố Hội An. Ðây là lần đầu tiên ẩm thực Việt Nam được một giải thưởng uy tín, tầm cỡ thế giới vinh danh. Ðặc biệt, Việt Nam vinh dự được trao giải thưởng Ðiểm đến hàng đầu thế giới về Di sản năm 2019 và Ðiểm đến Golf tốt nhất thế giới 2019. Năng lực cạnh tranh của Du lịch Việt Nam liên tục được cải thiện trong bảng xếp hạng của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), năm 2019 đã tăng bốn bậc để xếp hạng 63 trong số 140 nền kinh tế.

... Và thách thức năm 2020

Mức tăng trưởng cao và những giải thưởng quốc tế danh giá năm 2019 là những động lực mạnh mẽ để ngành du lịch tiếp tục phát triển. Năm 2020 dự báo tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, dù vậy, Du lịch Việt Nam vẫn đặt mục tiêu đón khoảng 20,5 triệu lượt khách quốc tế, phục vụ 90 triệu lượt khách du lịch nội địa, tổng thu từ khách du lịch đạt hơn 830 nghìn tỷ đồng. Nhưng phải sòng phẳng nhìn nhận rằng ngành du lịch vẫn còn tồn tại một số hạn chế, bất cập cần tập trung khắc phục, như: Chưa tạo được sản phẩm mang thương hiệu quốc gia; môi trường du lịch còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ; môi trường tự nhiên bị ô nhiễm tại một số thành phố lớn; vấn đề xử lý rác thải tại một số khu du lịch biển; an toàn thực phẩm và an toàn giao thông còn nhiều bất cập. Nguồn nhân lực chất lượng cao được đào tạo còn thiếu... Bởi vậy, ngành du lịch phải thật sự nỗ lực cao hơn nhiều để thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2020, trong đó có triển khai Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035; đưa Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch vào hoạt động; tổ chức các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch nhân các sự kiện Năm Chủ tịch ASEAN 2020, Giải đua xe công thức F1 tại Hà Nội. Triển khai các hoạt động trong Năm Du lịch Quốc gia 2020 tại Ninh Bình. Tổ chức điều tra tài nguyên du lịch Việt Nam và nguồn nhân lực du lịch Việt Nam. Thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ thuộc Chương trình Hành động quốc gia về du lịch và Chương trình Xúc tiến du lịch quốc gia năm 2020.

Hiện nay, cả nước có 2.648 doanh nghiệp lữ hành quốc tế (720 doanh nghiệp được cấp giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế mới). Cấp mới 6.161 thẻ hướng dẫn viên, đổi 5.640 thẻ. Hiện trong cả nước có 26.854 hướng dẫn viên, trong đó có 17.038 hướng dẫn viên du lịch quốc tế, 9.129 hướng dẫn viên du lịch nội địa, 687 hướng dẫn viên du lịch tại điểm. Tổng số cơ sở lưu trú trên cả nước là 30 nghìn cơ sở với hơn 650 nghìn buồng (tăng hơn 2.000 cơ sở lưu trú so với năm 2018), trong đó: 171 khách sạn 5 sao với 57.751 buồng, 295 khách sạn 4 sao với 39.347 buồng. Với một nền tảng tốt hơn về hệ thống doanh nghiệp lữ hành, hướng dẫn viên và cơ sở lưu trú du lịch và kinh nghiệm làm du lịch cũng như quản lý nhà nước về du lịch được đúc kết qua năm 2019, có thể lạc quan về Du lịch Việt Nam trong năm 2020 này. Song, để tổ chức thực hiện tốt và đạt hiệu quả các nhiệm vụ này, cần tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước về du lịch từ Trung ương đến địa phương; tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, bình đẳng cho doanh nghiệp và cộng đồng phát triển du lịch; đẩy mạnh hợp tác công - tư; tăng cường triển khai các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch, ứng dụng công nghệ mới. Tiếp tục đẩy mạnh công tác phối hợp, liên kết, huy động mọi nguồn lực hợp pháp, tranh thủ sự ủng hộ của toàn xã hội cho phát triển du lịch.