Du lịch an toàn: Kích cầu nhưng tránh “vỡ trận”

Bài 2: Những biện pháp cấp bách, tránh nguy cơ bùng dịch

NDO -

Kỳ nghỉ 30-4, 1-5 và mùa hè sắp tới được cho là thời điểm “lò xo” nhu cầu du lịch sẽ bật tung, bắt đầu cho những tháng hè du lịch nội địa nhộn nhịp. Tuy nhiên, nguy cơ dịch Covid-19 bùng phát trở lại luôn hiện hữu khiến vấn đề bảo đảm an toàn cho du lịch hiện được quan tâm nhất lúc này. 

Thực hiện 5K khi du lịch để bảo đảm an toàn cho bản thân và cộng đồng (Ảnh: NDĐT)
Thực hiện 5K khi du lịch để bảo đảm an toàn cho bản thân và cộng đồng (Ảnh: NDĐT)

Nỗi lo nguy cơ dịch bùng phát

Nỗi lo dịch có thể trở lại bất cứ lúc nào là vấn đề luôn hiện hữu trong trạng thái bình thường mới, vừa chống dịch vừa bảo đảm phát triển kinh tế ở cả 63 tỉnh, TP cả nước, mà đặc biệt thường trực tại các địa phương là vùng trũng của du lịch như Quảng Ninh, Phú Quốc, Đà Nẵng, Ninh Bình,…

Hình ảnh du khách chen nhau chật kín cây cầu Vàng tháng 6, tháng 7 năm ngoái trước khi dịch tái bùng phát tại Đà Nẵng, hay hàng nghìn người chen lấn tại Chùa Tam Chúc (Hà Nam) đầu năm năm nay thực sự là nỗi ám ảnh với nhiều người khi nghĩ tới việc đi du lịch vào các dịp lễ, kỳ nghỉ dài bởi nguy cơ dịch Covid-19 bùng phát vẫn hiện hữu.

Bài 2: Du lịch an toàn: “Một bàn tay không thể vỗ thành tiếng” -0
Hình ảnh đông đúc tại Sa Pa vào ngày lễ Giỗ tổ 21-4 vừa qua (Ảnh: MXH) 

Chị N.T, ở quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) cho hay, gia đình chị dự định đi Quảng Bình vào dịp lễ 30-4 và 1-5 này nhưng thấy đài báo đưa tin các điểm du lịch đều “cháy” phòng dịp nghỉ lễ, chưa đến nghỉ lễ mà chỗ nào khai mạc du lịch hè là lại đông kín người, rồi hàng ngày đọc tin tức dịch bùng phát ở một số nước láng giềng sát Việt Nam đã khiến vợ chồng chị quyết định ở lại Hà Nội dịp nghỉ lễ năm nay.

“Thực sự là nhìn cảnh đông đúc ở các điểm du lịch trong khi nguy cơ dịch bệnh vẫn cao khiến cả nhà thấy khá bất an, đành hủy kế hoạch vi vu ở biển. Thôi thì 30-4 năm nay cũng như Tết vừa qua. Nhà mình thực hiện chính sách “ai ở đâu thì ở yên đấy”, không đến những nơi đông người, qua nghỉ lễ đi sau cũng chưa muộn, hè còn dài mà”, chị N.T chia sẻ.

Cũng không muốn đi nghỉ vào dịp lễ 30-4 và 1-5 để tránh đông đúc nên gia đình anh P.K (Hà Nội) đã lựa chọn đi Phú Quốc trong tuần trước. Anh P.K cho biết: “Ở khách sạn, đi phương tiện ra mấy đảo thì họ thực hiện rất tốt quy định phòng dịch như đặt nước sát khuẩn, nhắc mọi người đeo khẩu trang. Nhưng ra mấy điểm tham quan công cộng, dù có hướng dẫn thực hiện 5K, nhưng nhiều du khách rất chủ quan. Thậm chí ngay cả khu chợ đêm đông đúc nhiều người vẫn “quên” đeo khẩu trang”.

Bài 2: Du lịch an toàn: “Một bàn tay không thể vỗ thành tiếng” -0
Nhiều du khách ở nơi công cộng vẫn "quên" đeo khẩu trang (Ảnh: Nhân vật cung cấp) 

Bài học từ Đà Nẵng và những kịch bản phải lường trước

Câu chuyện xử lý khủng hoảng vào tháng 7-2020, đúng dịp cao điểm kích cầu du lịch lần thứ nhất sau ba tháng đóng băng vì Covid-19 ở Đà Nẵng có thể coi là một điển hình của bảo đảm du lịch an toàn trong trạng thái bình thường mới.

Ông Cao Chí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng nhớ lại, sau 25-7, Đà Nẵng một lần nữa đối mặt với lây nhiễm trong cộng đồng, đối mặt với rất nhiều khó khăn.

Khó khăn thứ nhất là chưa khi nào trong một thời gian rất ngắn, TP phải nỗ lực sơ tán khoảng 100 nghìn du khách đang có mặt tại thành phố.Việc này đã được diễn ra hết sức trật tự, bài bản, an toàn và bảo đảm không xuất hiện ca lây nhiễm cộng đồng trong số khách di chuyển ra khỏi Đà Nẵng.

Thứ hai, nhiệm vụ khó khăn hơn là phải phục hồi du lịch Đà Nẵng sau tác động nặng nề, đồng thời vẫn đặt lên hàng đầu công tác phòng, chống dịch. 

Hiệp hội Du lịch TP đã triển khai quyết liệt một loạt nhóm giải pháp, trong đó nhanh chóng cùng với Sở Du lịch TP ban hành bộ tiêu chí an toàn đón khách. Đà Nẵng đã thay đổi slogan từ “Đà Nẵng thank you” sang “Đà Nẵng an toàn”, “Đà Nẵng nhớ bạn” để du khách cảm thấy an toàn hơn khi đến với Đà Nẵng, bên cạnh tạo ra các sản phẩm du lịch mới mang tính đột phá, gia tăng trải nghiệm.

“Vì chỉ cần có vài ca Covid-19 trong cộng đồng là hoạt động du lịch lại tiếp tục bị chững lại, kinh tế suy giảm. Do đó, Đà Nẵng đã quyết tâm làm cao hơn hướng dẫn của Bộ Y tế để bảo đảm an toàn cho du khách đến TP”, ông Dũng nói.

Bài 2: Du lịch an toàn: “Một bàn tay không thể vỗ thành tiếng” -0
Các điểm đến thắt chặt thông điệp 5K, trong ảnh là du khách tham quan Ba Na Hills 

Ngoài việc khai báo y tế trước khi tới Đà Nẵng như máy bay, tàu hỏa, khách khi đến sân bay Đà Nẵng sẽ được giám sát y tế của cơ quan chức năng. Các cơ sở, doanh nghiệp DL thực hiện nghiêm túc quy định bảo đảm an toàn phòng dịch Covid-19 được quy định cụ thể trong Bộ tiêu chí an toàn du lịch của TP.

Trong bối cảnh hiện nay, khi nhiều ngày không xuất hiện ca lây nhiễm trong cộng đồng, ông Dũng cũng thừa nhận rằng, hiện đã có tâm lý chủ quan khi khách đông hơn, nhất là vào dịp cao điểm nghỉ lễ sắp tới và mùa du lịch hè.

“Hiện nay Đà Nẵng khá đông khách đi lẻ, khách theo nhóm nhỏ, gia đình. Những đối tượng này gần như đi tự do, không theo tour tuyến nên việc thực hiện bảo đảm phòng dịch ngay tại các cơ sở dịch vụ phải được quán triệt cao nhất”, ông Cao Chí Dũng nói.

Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng cho biết, xác định các nguy cơ có thể xảy ra khi dịch diễn biến phức tạp tại các nước láng giềng và xuất hiện tình trạng người nhập cảnh trái phép, HHDL TP đã phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước, đặc biệt là Sở DL TP thường xuyên kiểm tra rà soát liên tục các cơ sở kinh doanh dịch vụ phục vụ khách du lịch.

Từ phía cơ quan quản lý, ông Nguyễn Xuân Bình, Phó Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng nhấn mạnh: dù xác định việc thu hút các nguồn khách nội địa hay mở cửa đón khách quốc tế trở lại được xem là một trong những phao cứu sinh cho ngành du lịch Đà Nẵng, nhưng để làm được điều này, an toàn – không để dịch bệnh Covid-19 lây lan trong cộng đồng luôn là yếu tố được đặt lên hàng đầu.

Bài 2: Du lịch an toàn: “Một bàn tay không thể vỗ thành tiếng” -0
Ý thức phòng dịch được nâng cao trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua (Ảnh: NDĐT)

Còn từ phía doanh nghiệp lữ hành, ông Lê Tấn Thanh Tùng, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Du lịch Việt Nam (Vitours) nói: “Mọi thứ doanh nghiệp đã sẵn sàng, chúng tôi tuyệt đối nói không với các vấn đề liên quan đến dịch bệnh. Thí dụ như không đưa khách đến vùng nguy cơ dịch bệnh; tổ chức đưa đón khách theo đúng quy định phòng chống dịch của Bộ Y tế và địa phương, tuyệt đối thực hiện thông điệp 5K, bảo đảm an toàn cho du khách, không để dịch bệnh bùng phát”.

Nhưng ông Thanh Tùng bày tỏ thêm rằng, “Thị trường hiện nay đi khách lẻ nhiều, nhưng thời gian tới đối tượng khách đi theo đoàn rất đông, rất mong từ Chính phủ đến mỗi người dân, phải kiểm soát tốt dịch bệnh, để người đi du lịch không lo lắng, và người làm du lịch không bị kiệt sức”.

"Một bàn tay không thể vỗ thành tiếng"

Tâm lý chủ quan, lơ là phòng dịch trong khách du lịch là thực trạng đang xảy ra tại nhiều điểm du lịch, tổ chức lễ hội trong thời gian gần đây khi Việt Nam cơ bản đang kiểm soát tốt dịch Covid-19. Chính vì thế, Chính phủ, các Bộ, ngành từ T.Ư đến địa phương thời gian qua liên tục cảnh báo người dân không chủ quan, khuyến khích tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, thực hiện biện pháp 5K, đặc biệt ở những nơi đông người.

Ngày 23-4, tại cuộc làm việc của Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống Covid-19 với lãnh đạo UBND TP Hồ Chí Minh, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nhấn mạnh tình hình dịch bệnh bên ngoài đang diễn biến rất phức tạp, riêng khu vực châu Á, số ca nhiễm mới trong tuần qua tăng hơn 30%.

Phó Thủ tướng đặc biệt lưu ý, ở trong nước, nguy cơ dịch bệnh rất lớn khi mùa du lịch hè đã bắt đầu sôi động; nhiều sự kiện, lễ hội tập trung đông người sẽ được tổ chức; tâm lý xã hội chủ quan sau thời gian dài không có ca nhiễm trong cộng đồng.

Theo Phó Thủ tướng, hiện không loại trừ có những trường hợp nhập cảnh trái phép qua đường mòn, lối mở không bị phát hiện, nếu nhiễm bệnh mà không đeo khẩu trang khi có mặt tại các sự kiện tập trung đông người, bến xe đi lại, đầu mối giao thông thì hậu quả khôn lường.

“Bài học ở các nước chỉ một sự kiện tập trung đông người và thực tế tại Việt Nam có những sự kiện quy mô nhỏ hơn nhiều như đám cưới hay một bữa tiệc khi có ca lây nhiễm đã gây thiệt rất lớn cho xã hội”, Phó Thủ tướng nêu thí dụ.

“Chúng ta phải thực hiện thật tốt các biện pháp 5K đối với cá nhân, đặc biệt là đeo khẩu trang; tự đánh giá định kỳ thực hiện biện pháp phòng chống dịch và cập nhật lên bản đồ an toàn Covid-19 (antoancovid.vn) đối với trường học, cơ sở y tế, nhà máy, xí nghiệm, bến xe, cơ quan…”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh và lưu ý tới đây khi có các lễ hội, sự kiện cần tập trung đông người, nhất định phải kiểm tra, kiên quyết xử phạt những trường hợp không đeo khẩu trang.

Từ tháng 9-2020, Bộ VHTTDL, Tổng cục Du lịch đã công bố đợt kích cầu du lịch thứ hai với chủ đề “Du lịch Việt Nam an toàn, hấp dẫn”. Trong đó, yếu tố an toàn được đặt lên trước yếu tố hấp dẫn bởi “an toàn” là yếu tố sống còn của ngành du lịch trong tình hình này.

Tiếp sau đó, Bộ VHTTDL liên tiếp ban hành nhiều quy định, trong đó có công văn số 1343/BVHTTDL-VHCS ban hành ngày 26-4 tăng cường phòng, chống dịch khi nguy cơ dịch bệnh bùng phát trở lại luôn thường trực. TCDL cũng triển khai nhiều biện pháp thiết thực như ứng dụng kỹ thuật số như ứng dụng “Du lịch Việt Nam an toàn” nhằm bảo đảm an toàn cho du khách trong dịch Covid-19.

Các cơ quan quản lý du lịch địa phương trên cả nước đồng loạt ban hành các bộ tiêu chí đánh giá an toàn trong phòng, chống dịch Covid-19 với hoạt động du lịch và đôn đốc các bên tham gia thực hiện nghiêm túc.

Song, “một bàn tay không thể vỗ thành tiếng”, việc bảo đảm để có những mùa du lịch an toàn thực sự cần sự nỗ lực của tất cả các bên, không chỉ từ phía cơ quan quản lý, cộng đồng doanh nghiệp mà còn trông chờ rất nhiều vào ý thức của mỗi du khách. Chỉ khi bảo đảm được yếu tố an toàn, ngành du lịch mới tạo được niềm tin cho du khách. Nhưng hơn hết, đó còn là động lực để những người làm du lịch yên tâm tạo ra những sản phẩm du lịch chất lượng cho thị trường nội địa, góp phần đưa du lịch phát triển bền vững trong trạng thái bình thường mới.