Xuất lộ nhiều chứng tích văn hóa thú vị tại Di chỉ Vườn Chuối

NDO -

Sau hơn một tháng tiến hành đợt khai quật khảo cổ học lần thứ 10, tại di chỉ Vườn Chuối (thuộc thôn Lai Xá, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, Hà Nội) đã tìm thấy nhiều hiện vật quý thuộc văn hóa Đông Sơn và cho hy vọng sẽ tìm thấy thêm hiện vật thuộc các giai đoạn sớm hơn như Gò Mun, Đồng Đậu. Đây là những chứng tích quan trọng khẳng định quá trình cư trú lâu dài và liên tục của những cư dân tiền - sơ sử trên khu vực này.

Phát hiện di cốt thời Đông Sơn trong hố khai quật H1 ở di chỉ Vườn Chuối.
Phát hiện di cốt thời Đông Sơn trong hố khai quật H1 ở di chỉ Vườn Chuối.

Tại các hố khai quật H1 và H2, mỗi hố có diện tích 50 m², trên khu vực phía đông gò Vườn Chuối đã tìm thấy nhiều mảnh gốm thuộc văn hóa Đông Sơn (cách nay khoảng 1.800 đến 2.500 năm). Số lượng mảnh gốm được tìm thấy đã lên tới hàng vạn mảnh đang được phân loại, thống kê để tiếp tục nghiên cứu.

Cùng với số lượng lớn mảnh gốm còn tìm thấy những hiện vật đồng: lưỡi câu và những mảnh của lò nấu đồng cỡ nhỏ, ngoài ra còn tìm thấy một số đồ trang sức bằng đá (mảnh vòng tay, hạt chuỗi). Ở gần vách hố H1 đã xuất lộ dấu vết mộ cùng với đồ tùy táng bằng đá, gốm và đồng: vòng tay, mảnh vò gốm, hai lưỡi rìu (hình) “gót chân” bằng đồng đặc trưng của thời Đông Sơn.

Xuất lộ nhiều chứng tích văn hóa thú vị tại Di chỉ Vườn Chuối -0
Dấu vết mộ và đồ tùy táng ở hố H1. 

Số lượng hiện vật khá lớn tìm thấy tập trung ở một điểm cho phép suy đoán về sự “giàu có” của chủ nhân ngôi mộ. Kích thước của chiếc vòng tay khá nhỏ có thể cho phép đoán về hình thể của người sở hữu nhỏ bé - rất có thể còn nhỏ tuổi, cơ thể chưa phát triển đầy đủ. Ở vị trí gần trung tâm của hố này cũng tìm thấy một bộ di cốt thuộc thời kỳ Đông Sơn được cải táng (các xương đã được sắp xếp lại, không giống như hình thể tự nhiên) còn khá nguyên vẹn đang chờ sự nghiên cứu của các nhà cổ nhân chủng học.

GS Lâm Mỹ Dung, Bảo tàng Nhân học (Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học quốc gia Hà Nội), người theo dõi, chỉ đạo sát sao cuộc khai quật cho biết: Các nhà khảo cổ học đã thực hiện phương pháp “khai quật bảo tồn”, đào và giữ để bộc lộ các tầng văn hóa theo diễn trình phát triển. Hiện nay ở hố H1 đã khai quật qua lớp văn hóa Đông Sơn muộn, tiến đến/xuống lớp văn hóa Đông Sơn sớm và ở hố thăm dò đã phát hiện những hiện vật gốm của giai đoạn Gò Mun (cách nay 2.500 đến 3.000 năm).

Với “trữ lượng” hiện vật dồi dào và tập trung như đã tìm thấy, có thể hy vọng tìm được những dấu vết văn hóa sớm hơn ở hố khai quật này - có thể thuộc thời kỳ Đồng Đậu (cách nay 3.000 đến 3.500 năm). Đây là những chứng tích quan trọng khẳng định quá trình cư trú lâu dài và liên tục của con người ở khu vực phía tây Hà Nội hiện nay.

Xuất lộ nhiều chứng tích văn hóa thú vị tại Di chỉ Vườn Chuối -0
 Hố khai quật khảo cổ học H1 ở di chỉ Vườn Chuối.

Sự đa dạng phong phú của những hiện vật được tìm thấy (gốm, đá, đồng, di cốt) cũng cho phép các nhà khoa học mở rộng và nghiên cứu sâu hơn nhiều khía cạnh về cuộc sống sinh hoạt, phong tục và phương pháp mai táng, kỹ thuật chế tác công cụ, đồ trang sức và cả hình thể của những chủ nhân đã ở đây cách ngày nay hàng nghìn năm.

Cuộc khai quật lần thứ 10 ở di chỉ Vườn Chuối còn tiếp tục đến hết tháng 7-2020. Các nhà khoa học sẽ tiếp tục nghiên cứu để có được câu trả lời chính xác về những thông tin khoa học từ các hiện vật mới tìm được. Đó là cơ sở để các nhà khoa học có ý kiến tham vấn với các nhà quản lý, cùng tìm phương án tối ưu cho việc bảo tồn di chỉ quý giá này.