Xây dựng Bảo tàng Nông nghiệp vùng đồng bằng sông Cửu Long

NDO -

NDĐT - Ngày 4-10, UBND tỉnh Vĩnh Long đã tổ chức hội thảo khoa học tham vấn ý kiến các sở, ban, ngành tỉnh về đề án “Xây dựng Bảo tàng Nông nghiệp vùng đồng bằng sông Cửu Long”.

Quang cảnh buổi hội thảo khoa học xây dựng Bảo tàng Nông nghiệp vùng đồng bằng sông Cửu Long ngày 4-10 tại UBND tỉnh Vĩnh Long.
Quang cảnh buổi hội thảo khoa học xây dựng Bảo tàng Nông nghiệp vùng đồng bằng sông Cửu Long ngày 4-10 tại UBND tỉnh Vĩnh Long.

Dự hội thảo có đại diện lãnh đạo Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Sở Khoa học và Công nghệ, một số sở, ban ngành tỉnh và các nhà khoa học, chuyên gia Trường Đại học Cần Thơ.

Tại hội thảo, các đại biểu đã thảo luận một số vấn đề như: sự cần thiết và cơ sở để xây dựng đề án; dự án trưng bày tổng thể; dự án tổng thể về sưu tầm hiện vật và tư liệu; kinh phí để xây dựng đề án;… Đồng thời đề xuất nhiều ý kiến để đề án được thực hiện thuận lợi, hiệu quả, phục vụ tốt nhất nhu cầu tham quan, học tập, nghiên cứu.

Đối tượng trưng bày cụ thể là các hiện vật bao gồm vật thể và phi vật thể, với bốn chuyên đề, gồm: các tiểu vùng sinh thái tự nhiên ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) được hình thành do sự khác biệt từ địa chất, đất, chế độ thuỷ văn…; hoạt động khai khẩn và tổ chức sản xuất của người dân trên các vùng sinh thái khác nhau và các thành tựu nông nghiệp ở ĐBSCL qua các thời kỳ; những chính sách, văn bản thể hiện chủ trương phát triển có tác động đến nền nông nghiệp ở ĐBSCL qua các thời kỳ; sự tương tác giữa thiên nhiên và quá trình sả xuất nông nghiệp, hình thành nên đời sống văn hoá, phong tục, tập quán của người dân ĐBSCL. Đối tượng được trưng bày trong Bảo tàng tập trung vào sự tương tác giữa con người với thiên nhiên lên hoạt động tổ chức sản xuất, từ đó góp phần hình thành nền văn hoá nông nghiệp ĐBSCL qua các thời kỳ.

Dự kiến Bảo tàng sẽ được xây dựng tại ấp Rạch Trúc, thị trấn Vũng Liêm (tỉnh Vĩnh Long) với tổng diện tích khoảng 11 ha. Khuôn viên Bảo tàng Nông nghiệp vùng ĐBSCL được chia thành bốn khu chính gồm: khu phục vụ cho trưng bày và hành chính; khu tái hiện làng quê Nam Bộ xưa; khu tổ chức sự kiện; khu công trình phụ trợ. Dự kiến kinh phí thực hiện đề án là 400 tỷ đồng, Bảo tàng được hoàn chỉnh các hạng mục và tổ chức các hoạt động khai thác sử dụng vào năm 2027.

Đề án “Xây dựng Bảo tàng Nông nghiệp vùng ĐBSCL” sẽ tạo dựng một thiết chế văn hoá quan trọng xứng tầm với vai trò và vị thế của ngành nông nghiệp trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; phát huy được những giá trị của di sản văn hoá nông nghiệp ở ĐBSCL; phục vụ nhu cầu du lịch, học tập, nghiên cứu khoa học, thụ hưởng văn hoá của công chúng và quản bá các sản phẩm nông nghiệp hiện nay ở ĐBSCL. Đồng thời, tôn vinh sự cần cù, sáng tạo của người nông dân Việt Nam nói chung, ĐBSCL nói riêng; bảo tồn các di sản văn hoá nông nghiệp. Đặc biệt là thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, nhất là ngành du lịch.