Ứng xử đúng tầm với bảo vật quốc gia (Kỳ 1)

Bảo vật quốc gia (BVQG) là hiện vật được lưu truyền lại, có giá trị đặc biệt quý hiếm tiêu biểu của đất nước về lịch sử, văn hóa, khoa học..., nên đó là tài sản vô giá của quốc gia. Tính đến hết năm 2018, cả nước có 164 hiện vật và nhóm hiện vật được Thủ tướng Chính phủ ra quyết định công nhận là BVQG.

Cột đá chạm rồng chùa Dạm - Bảo vật quốc gia nghìn tuổi ở tỉnh Bắc Ninh vẫn phơi nắng, phơi mưa. Ảnh: T.N
Cột đá chạm rồng chùa Dạm - Bảo vật quốc gia nghìn tuổi ở tỉnh Bắc Ninh vẫn phơi nắng, phơi mưa. Ảnh: T.N

Theo Luật Di sản văn hóa, BVQG được bảo vệ và bảo quản theo chế độ đặc biệt; Nhà nước ưu tiên đầu tư ngân sách cho các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị BVQG. Tuy nhiên, trên thực tế, chỉ BVQG thuộc các bảo tàng quốc gia, bảo tàng hạng I mới được bảo quản tương đối tốt nhờ có các điều kiện chuyên môn. Còn đối với khá nhiều BVQG nằm trong các di tích và bảo tàng địa phương, việc bảo vệ, bảo quản các báu vật này dường như không khác mấy so với trước khi được công nhận. Chính vì thế, việc phát huy giá trị và sức lan tỏa của BVQG để phục vụ cộng đồng và phát triển kinh tế - xã hội đất nước trong thời gian qua cũng còn rất hạn chế.

Bài 1: Những báu vật “nằm im”

Để một hiện vật quý trở thành BVQG phải tuân thủ quy trình xét duyệt nghiêm ngặt theo các bước từ cơ sở, lên Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, rồi qua Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia với những tiêu chí yêu cầu xét duyệt rất cao; cuối cùng phải được Thủ tướng Chính phủ ra quyết định công nhận. Quy trình xét duyệt khó là vậy, nhưng thực tế có nhiều BVQG ở các khu di tích và trong viện bảo tàng đã “nằm im” nhiều năm nay, y như lúc còn chưa được phong tặng danh hiệu cao quý này.

Bảo vật nằm phơi nắng, phơi mưa…

Cột đá chạm rồng chùa Dạm ở xã Nam Sơn, TP Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh được Thủ tướng Chính phủ ra quyết định công nhận là BVQG cuối năm 2017. Giới chuyên môn đánh giá đây là hiện vật điêu khắc đá hoành tráng nhất, hoàn mỹ nhất trong lịch sử mỹ thuật Việt Nam (đến mức Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã dựng một phiên bản cột đá chạm rồng bằng chất liệu bê-tông đúng với kích thước hiện vật gốc để trưng bày ngoài trời trong khuôn viên bảo tàng). Có niên đại từ thế kỷ XI, cột cao hơn 5 m, nặng 40 tấn, được đặt tại cấp nền thứ hai bên trái chùa. Nhưng để được chiêm ngưỡng BVQG này, chúng tôi khá vất vả khi tìm đường đến chùa Dạm. Trên đường đi, kể cả vào khu vực dự án phục dựng chùa Dạm (rộng 4,7 ha) đều không có bất cứ một dấu hiệu hay biển chỉ dẫn nào về “Bảo vật quốc gia cột đá chạm rồng chùa Dạm”. Thậm chí ngay tại chính vị trí cột đá chạm rồng cũng không hề có chú dẫn nào rằng đây là BVQG! Cây cột đá nghìn năm tuổi vẫn tiếp tục lặng lẽ phơi mưa phơi nắng, bị rêu mốc và sự khắc nghiệt của thiên nhiên bào mòn. Ông Nguyễn Văn Hoàng, Phó Chủ tịch UBND xã Nam Sơn, người phụ trách lĩnh vực văn hóa - xã hội cho biết: Sau khi được công nhận là BVQG, đến nay việc bảo vệ báu vật này chỉ có thêm mỗi vòng rào chắn bằng i-nốc dưới chân cột đá.

Đáng buồn hơn là sự thờ ơ với BVQG hương án đá ở Di tích quốc gia chùa Khám Lạng (xã Khám Lạng, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang). Vào chùa rồi nhưng loay hoay mãi chúng tôi không tìm thấy bất kỳ một chỉ dẫn nào về BVQG này. Đại đức Thích Nguyên Trí, trụ trì chùa cho biết, hương án đá được công nhận là BVQG từ cuối năm 2015, nhưng “người ta vào đây nhìn bệ đá là biết rồi, vì có mỗi nó thôi, nên không cần chú thích hướng dẫn gì nữa!”. “Đây là di tích quốc gia nhưng nhiều năm nay chưa được đầu tư tôn tạo, chùa xuống cấp thế này, mỗi cái bệ đá không thôi, có gì mà tham quan!”.

Ông Nguyễn Hữu Phương, Trưởng phòng quản lý Di sản văn hóa, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) tỉnh Bắc Giang thông tin với chúng tôi: Bắc Giang có ba BVQG thì cả ba đều nằm ở di tích; cho đến nay vẫn chưa có kinh phí dành riêng bảo quản đối với từng BVQG. Sở VH-TT-DL và chính quyền địa phương có văn bản giao trách nhiệm bảo quản, phát huy các bảo vật, nhưng trang thiết bị chưa được đầu tư để có thể tiến hành công việc này. BVQG hương án đá ở chùa Khám Lạng, được ghép từ hơn 10 khối đá với nhau, do kích thước lớn, nên vẫn giữ nguyên trạng như trước và đang phải thực hiện công dụng của nó là nơi bày hương hoa, vật hành lễ.

Tưởng rằng ở những di tích xa xôi thì BVQG mới thiếu sự quan tâm của các ngành, các cấp, nhưng ngay trong Khu thành Nội, TP Huế, tỉnh Thừa Thiên-Huế, khu di tích nổi tiếng là di sản văn hóa thế giới, mỗi năm thu hút hàng triệu lượt khách du lịch, theo quan sát của chúng tôi thì tình trạng này không ngoại lệ. Bộ cửu đỉnh (chín chiếc đỉnh đồng), đúc năm 1835, được công nhận là BVQG đợt I năm 2012 cũng không hề có chú dẫn là BVQG. Nằm ngoài sân, chín chiếc đỉnh quý phơi nắng phơi mưa và đã có dấu hiệu bị tác động bởi thời gian và con người. Cách đó không xa, là bộ sưu tập vạc đồng thời Chúa Nguyễn (niên đại 1659-1684) tượng trưng cho quyền lực của vua chúa, được công nhận BVQG năm 2015. Ngoại trừ ba chiếc vạc lớn (đúc từ năm 1659-1662) ở trước nền điện Kiến Trung và nhà Tả Vu, Hữu Vu tình trạng bảo quản tương đối tốt thì những chiếc vạc nhỏ hơn nằm ở phía sau điện Thái Hòa và trên nền điện Càn Thành tình trạng bảo quản không bằng, cũng không hề được che chắn, đáy vạc khô, phơi mình dưới cái nắng gay gắt. Không có hàng rào ngăn cách, những du khách thiếu ý thức thoải mái sờ vào hiện vật, lại còn ném vào trong lòng vạc đủ thứ linh tinh. Giống như những chiếc đỉnh, dấu vết thời gian cũng in hằn trong những vệt gỉ sét và những chỗ vá víu trên thân vạc.

Trên đây chỉ là một số thí dụ đáng buồn về tình trạng BVQG tại các khu di tích trong hành trình khảo sát điền dã của chúng tôi.

Và những bảo vật… cất kho sau khi được công nhận

Sau hơn hai năm được công nhận là BVQG, hiện gần 2.000 ván kinh bằng gỗ thị của bộ mộc bản đã 300 năm tuổi ở chùa Bổ Đà (huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) vẫn đang được bảo quản theo cách truyền thống lâu nay của nhà chùa, tức là cất kỹ trong một gian nhà kín, cửa khóa mấy lần. Du khách đến thăm chùa hiếm khi được tiếp cận với bảo vật này.

Thượng tọa Tục Tự Vinh, trụ trì chùa Bổ Đà cho biết, trước đây du khách có thể dễ dàng tham quan mộc bản nhưng nay thì không thể vì đã là BVQG cho nên cần chế độ bảo vệ nghiêm ngặt, nhà chùa có thêm cửa khóa, ca-mê-ra và chuông báo động lắp ở gian lưu giữ mộc bản; đích thân Thượng tọa giữ chìa khóa. Chỉ những dịp đặc biệt, chùa mới mở cửa kho cho khách chiêm ngưỡng. Nhà chùa cũng không có bất cứ chú thích hay chỉ dẫn đó là BVQG, vì nói như Thượng tọa Tục Tự Vinh là: “Chỉ dẫn thì bằng chỉ lối cho bọn đạo chích!”. Đầu năm 2017, trong lúc chùa Bổ Đà chuẩn bị đón nhận Bằng Di tích quốc gia đặc biệt, kẻ gian đã đánh cắp pho tượng quan trọng nhất của chùa Cao trên núi thuộc quần thể Khu di tích Bổ Đà. “Chỉ có tôi và một bà vãi đã ngoài 70 tuổi thường xuyên ở chùa, làm sao bảo vệ tốt được trong khi Khu di tích rộng thế này?”, Thượng tọa Tục Tự Vinh nói như tự hỏi mình.

Không ít BVQG khác nằm trong các di tích ở địa phương cũng rơi vào tình trạng “cất kho” bởi mỗi địa phương, mỗi di tích lại có những cách bảo vệ, gìn giữ khác nhau. Với BVQG là tòa cửu phẩm liên hoa ở chùa Giám (huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương), rất ít người dân có cơ hội được thưởng lãm, chiêm ngưỡng. Nhà phẩm, nơi đặt bảo vật được khóa kín, mỗi năm vào một số dịp đặc biệt như Tết hay ngày lễ hội chùa, mới mở cửa cho khách vào quay tòa cửu phẩm cầu an.

Đại đức Thích Minh Thường, trông coi chùa Linh Ứng (huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh) nơi đang lưu giữ BVQG gồm ba pho tượng Tam Thế, cho biết: Về quyết định công nhận BVQG đối với bộ tượng, nhà chùa chỉ xin được một bản phô-tô-cóp-py từ chính quyền huyện để cất giữ thôi, còn chưa hề có kế hoạch bảo tồn hay phát huy giá trị bảo vật. Chúng tôi không khỏi lo ngại khi chứng kiến mái tam bảo nơi đặt BVQG đã thủng dột, ngói vỡ rơi thẳng xuống sau lưng bộ tượng, lỗ thủng trên mái nhìn thấy cả mảng trời xanh. Gian tam bảo giờ đây có khác trước là cửa luôn được khóa, chỉ mở cho khách chiêm bái khi được Đại đức đồng ý. Khách đến chùa thắp hương bái Phật ở dãy nhà tổ, chứ không vào tam bảo vì đây là nơi lưu giữ BVQG.

Ở các di tích đã vậy, tình trạng “cất kho” BVQG ở các bảo tàng địa phương cũng khá phổ biến. Đơn cử, Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa có ba BVQG được công nhận năm 2013 gồm: Trống đồng Cẩm Giang I, kiếm ngắn núi Nưa và vạc đồng Cẩm Thủy. Theo cán bộ Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa vạc đồng Cẩm Thủy rất độc đáo. Khác với loại vạc thông thường do các vua chúa đúc ra, chiếc vạc này được đúc bởi một ông quận công, tuy kích cỡ nhỏ hơn, nhưng đường nét tinh xảo. Vì không có phòng trưng bày nào để vừa chiếc vạc nên trước kia bảo tàng bày tạm ngoài hành lang, nhưng sau khi bị dư luận phê phán cách ứng xử chưa tương xứng với “tầm” của BVQG, bảo tàng bèn chuyển vào cất kho dưới hành lang tầng một, cửa khóa lại. Phải có lệnh của Giám đốc thì mới mở kho cho người xem.

Bảo tàng Hà Tĩnh vừa chuyển đến địa điểm mới là khu phức hợp bao gồm thư viện, bảo tàng. Ba khẩu súng thần công thời Nguyễn, mỗi khẩu nặng 1,4 tấn, được công nhận là BVQG từ năm 2013. Tương tự như Bảo tàng Thanh Hóa, do không có phòng trưng bày đủ chỗ cho báu vật nên ba “ông” thần công cũng phải cất vào kho, vốn là một căn nhà cấp bốn, đặt trên kệ gỗ sát mặt đất, bên trên phủ một tấm vải đỏ, cửa khóa then cài.

Ông Đậu Khoa Toàn, Giám đốc Bảo tàng Hà Tĩnh cho biết, khi trục vớt được ba khẩu thần công này, người dân đã cạo sạch hoa văn bằng bạc trên thân súng đem bán. Nhiều năm, bảo tàng mới chỉ lo được 50 triệu đồng phục chế hoa văn trên một khẩu, hai khẩu còn lại vẫn phải nằm chờ kinh phí. Mà phục chế xong rồi thì cũng chưa có chỗ trưng bày cho khách tới thưởng lãm.

BVQG sau khi được công nhận phải đi liền với chế độ “bảo quản đặc biệt”. Song trên thực tế, nhiều địa phương đến nay vẫn chưa có đủ điều kiện tài chính và cơ sở vật chất cho việc bảo quản, gìn giữ những hiện vật vô giá này. Vì thế, hầu như chưa có phương án bảo quản đặc biệt với từng BVQG như quy định của Luật Di sản văn hóa. Chưa kể, sau khi có hiện vật được công nhận BVQG, địa phương, đơn vị đang quản lý bảo vật phải chịu thêm nhiều áp lực về việc bảo quản, bảo tồn, bảo vệ… trong khi nguồn kinh phí và cả con người, hoặc hạn chế hoặc chưa thu xếp được, cho nên rất lúng túng. Chi bằng cứ đem BVQG cất kho… “cho lành”!

(Còn nữa)