Truyền dạy diễn tấu cồng chiêng cho học sinh, sinh viên người dân tộc thiểu số

NDO -

NDĐT - Ngày 21-9, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đác Lắc phối hợp Trường Đại học Tây Nguyên khai giảng lớp truyền dạy diễn tấu cồng chiêng cho học sinh, sinh viên người dân tộc thiểu số (DTTS), tại Trường Đại học Tây Nguyên. Đây là lớp truyền dạy cồng chiêng cho học sinh, sinh viên người DTTS đầu tiên ở Đác Lắc.

Nghệ nhân và các sinh viên người DTTS Trường Đại học Tây Nguyên diễn tấu cồng chiêng tại buổi khai giảng lớp học.
Nghệ nhân và các sinh viên người DTTS Trường Đại học Tây Nguyên diễn tấu cồng chiêng tại buổi khai giảng lớp học.

Lớp học có 82 học viên là học sinh, sinh viên người DTTS đang theo học tại Trường Đại học Tây Nguyên. Trong thời gian một tháng, vào các ngày từ thứ 6 đến chủ nhật hằng tuần, các học viên được các nghệ nhân giàu kinh nghiệm truyền dạy những kiến thức, kỹ năng cơ bản về diễn tấu chiêng đồng, chiêng tre và diễn tấu một số bài chiêng thông dụng.

Trường Đại học Tây Nguyên là đơn vị sự nghiệp đầu tiên được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đác Lắc lựa chọn mở lớp truyền dạy diễn tấu cồng chiêng. Trong thời gian tới, trường cũng sẽ chọn một số thầy, cô giáo là người DTTS tham gia học đánh cồng chiêng để làm lực lượng nòng cốt.

Phát biểu tại lễ khai giảng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đác Lắc Đặng Gia Duẩn cho biết, lớp truyền dạy cồng chiêng cho học sinh, sinh viên người DTTS tại Trường Đại học Tây Nguyên là một trong những hoạt động nhằm bảo tồn Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên-Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây là lần đầu tiên Sở phối hợp tổ chức lớp truyền dạy cho đối tượng là học sinh, sinh viên người DTTS.

Trong những năm qua, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh đã phối hợp các địa phương trong tỉnh tổ chức nhiều lớp truyền dạy diễn tấu cồng chiêng cho thanh thiếu niên ở các buôn làng. Với sự tham gia giảng dạy của các nghệ nhân giàu kinh nghiệm, tin rằng, các bạn học viên tham gia khóa học sẽ góp phần bảo tồn văn hóa cồng chiêng-tài sản quý của chính dân tộc mình.