Bình luận - PHÊ PHÁN

Tôn trọng di tích

Thời gian qua, việc trùng tu, tôn tạo một số di tích nhằm bảo vệ, giữ gìn cũng như phát huy giá trị di sản của cha ông để lại đã nhận được ý kiến đánh giá tích cực từ giới chuyên môn, được dư luận hưởng ứng, đồng tình.

Tuy nhiên lại có không ít di tích sau khi nâng cấp, sửa chữa đã khiến du khách không khỏi bất bình, thậm chí hết sức ngỡ ngàng, thảng thốt vì không nhận ra hình hài xưa của một công trình văn hóa, lịch sử đặc sắc, ghi dấu ấn của một giai đoạn lịch sử. Nguyên do là việc trùng tu những nơi này đã làm mất đi nét kiến trúc cổ đặc trưng để dựng lên công trình mới vừa phản khoa học, vừa phản thẩm mỹ.

Trùng tu di tích là công việc đầy thử thách, vì khi một công trình được quyết định đưa vào trùng tu đồng nghĩa với tình trạng xuống cấp trầm trọng, thậm chí di tích có thể hư hỏng bất cứ lúc nào, đòi hỏi có biện pháp can thiệp kịp thời. Về nguyên tắc, việc trùng tu giúp tăng thêm tuổi thọ của công trình nhưng vẫn phải bảo đảm giá trị văn hóa, nghệ thuật, kiến trúc, thẩm mỹ…, không bị biến dạng cảnh quan, giữ được dấu ấn thời gian. Ðây là việc làm đòi hỏi sự tỉ mỉ, kỹ lưỡng, cân nhắc từng hạng mục, từ việc chọn lựa nguyên vật liệu, tính toán thông số, đến các biện pháp kỹ thuật áp dụng sao cho phù hợp với điều kiện của di tích. Chủ dự án cũng như đơn vị thi công phải thật sự tâm huyết, am hiểu văn hóa, lịch sử cũng như có giải pháp khoa học kỹ thuật đối với di tích được trùng tu, để sau khi nâng cấp, di tích phải thật sự "khỏe mạnh", tiếp tục hiện diện trên cơ sở tôn trọng các giá trị kiến trúc cũ, dấu ấn thời gian vẫn "nằm lại" trên bề mặt di tích. Ngay cả các chi tiết cong vênh, biến dạng của một vài hạng mục nhỏ, hậu quả bởi thời gian làm hư hại hoặc do bão gió, do thời tiết nóng lạnh, do rung chấn địa chất, khiến kết cấu hơi chệch so với ban đầu,… cũng phải được xử lý tinh tế và hài hòa.

Người làm công tác trùng tu cần quan sát ngay cả độ sờn mòn ngạch cửa then cài, chân tường, mái ngói...vì dù yếu tố đến sau, là thứ "nằm ngoài" di tích song lại là yếu tố đồng hành cùng di tích, tạo nên sức sống của di tích. Thậm chí, một vài chi tiết kiến trúc hơi lệch như thượng lương, gác chếnh, tuy nhìn có phần "nghịch" mắt nhưng xét từ toàn bộ thời gian lưu trữ trong ký ức người chiêm ngưỡng, những hạng mục đó, dù nhỏ thôi nhưng khi tu bổ đòi hỏi người thợ phải khéo léo "nắn" lại sao cho không bị phô chênh, lạc điệu. Khi tân trang, tu sửa di tích cần phải chú ý từng chi tiết nhỏ để có những giải pháp xử lý phù hợp. Công việc này chỉ có thể làm hiệu quả khi được thực hiện bởi bàn tay người thợ có tâm, có tầm.

Kỹ sư Thái Chung, người từng chỉ đạo trùng tu thành công đình Tây Ðằng, đền Bà Triệu, chùa Mía, chùa Long Ðọi Sơn, nhà tù Côn Ðảo... nêu ra một thí dụ nhỏ: Quá trình trùng tu đôi chỗ phải giữ được cả lớp rêu bám trên hạng mục vì lớp rêu ấy đã thành một phần của di tích. Bởi vậy khi thi công cần phải đánh giá, xem xét mức độ ảnh hưởng của lớp rêu để đưa ra quyết định nên giữ hay bỏ. Hoặc một cổng làng xưa cũ, xây dựng ban đầu chỉ có gạch, vữa, ngói,... nhưng thời gian trôi qua, một cây đa bén rễ từ bên trên cổng làng, rồi rễ cây cứ mọc thật nhiều quấn quanh cổng làng, trước mắt là để đỡ cho cổng làng, sau đó là đỡ cho thân cây trước nắng, mưa, gió, bão. Cùng với thời gian, cây đa cứ lớn lên trở thành một quần thể cộng sinh không thể thiếu của cổng làng.

Vấn đề đặt ra khi trùng tu cổng làng liệu có phải chặt bỏ cây đa vì trong nguyên gốc không hề tồn tại? Nếu chặt bỏ, liệu hồn cốt của cổng làng đó còn thật sự giữ nguyên giá trị? Chỉ qua một vài thí dụ nhỏ như vậy cũng đã có thể thấy trùng tu là một công việc đòi hỏi sự tỉ mỉ, luôn phải nương theo di tích với hiện thân nhiều vẻ của nó, chứ không phải là cứ mặc nhiên tước bỏ các yếu tố cộng sinh thứ phát theo thời gian. Kỹ sư Thái Chung luôn tâm niệm "có phúc mới được giao, có phận mới được làm trùng tu" là vậy. Phúc, phận của người trùng tu cũng là phúc phận của mỗi công trình, mối "duyên xe, dây buộc" giữa một di tích xuống cấp gặp được người có tâm, có tình, có kiến thức, chịu học hỏi sẽ trở thành cuộc gặp gỡ đưa tới một trạng thái tinh thần mới, vững không mất, đạt mà không đổi thay. Còn nếu gặp người chỉ ham thu lợi từ trùng tu, coi việc trùng tu là cơ hội để vun vén, toan tính cá nhân, hoặc vì thiếu hiểu biết mà can thiệp thô bạo vào di tích sẽ chỉ biến di tích thành vật thí nghiệm, làm cho xong. Hậu quả tất yếu là công trình không những không được sửa sang nâng cấp mà có thể bị hủy hoại. Một di tích bị phá hủy, biến dạng đồng nghĩa một giá trị văn hóa, lịch sử của dân tộc bị xâm hại, thậm chí bị xóa sổ, không cách nào lấy lại được.

Muốn hay không việc trùng tu phải đem đến một giải pháp có tính căn cơ cho di tích chứ không phải chỉ đơn giản là chuyện huy động thật nhiều tiền bạc rồi thuê người làm cho có, bất chấp hậu quả. Tuy nhiên không phải ai cũng nhận thức đầy đủ về điều này. Thế nên đã có không ít di tích là các đền, chùa sau khi trùng tu bị biến dạng trong tổng thể cảnh quan và với chính nó, cho dù người chịu trách nhiệm xuất phát từ nguyện vọng chính đáng của người dân. Một số di tích, dù chưa đến mức phải trùng tu nhưng người đứng đầu cộng đồng dân cư, hoặc cơ quan chức năng ở địa phương đã vội vàng vạch kế hoạch, lên kinh phí, huy động các nguồn lực và triển khai bằng được. Ðó là chưa kể có nơi, có lúc "trùng tu" đang bị một số người lợi dụng để thực hiện những mục đích khác nhau. Thế nên mới có chuyện di tích ở một địa phương cần làm mới nhưng người ta mượn danh nghĩa trùng tu hoặc phục vụ nhu cầu sinh hoạt văn hóa của người dân và rồi cơ quan văn hóa nơi đó cũng đành bất lực với lý do: "Ðó là quyền của người dân địa phương". Ðiểm danh một số di tích được trùng tu thời gian qua, không thể không ngao ngán khi nhắc đến: thành nhà Mạc (Tuyên Quang) bị ví như "lò gạch" sau khi trùng tu; đình Lương Xá (xã Liên Bạt, huyện Ứng Hòa, Hà Nội) bị xóa sổ để xây lại đình mới bằng bê-tông; hay việc tu sửa làm biến dạng chùa Trăm Gian (thôn Tiên Lữ, xã Tiên Phương, huyện Chương Mỹ, Hà Nội); rồi việc trùng tu làm biến dạng, hư hỏng bia Quốc học Huế…

Có thể kể đến một trong những điểm sáng về công việc trùng tu di sản quần thể phố cổ Hội An (Quảng Nam). Bởi tại đây, công tác bảo tồn, sửa chữa, nâng cấp di sản kiến trúc phố cổ đã giúp khắc phục tình trạng xuống cấp của các công trình, giúp cải thiện diện mạo chung của khu phố, góp phần nâng cao chất lượng sống của người dân, giúp di sản tồn tại lâu dài hơn. Và thực tế đã chứng minh, trong những năm qua, phố cổ Hội An đã trở thành nơi hội tụ của các nhà bảo tồn, khảo cổ học là chuyên gia trong nước, cũng như đến từ nước ngoài. GS, TS, Kiến trúc sư Hoàng Ðạo Kính cho biết: "Chính sự gặp gỡ của những cách ứng xử có phần khác nhau về bảo tồn đã nâng công tác bảo tồn di sản Hội An lên tầm và chuẩn mực quốc tế". Có thể thấy rằng, các di tích là tài sản vô giá của quốc gia cần được gìn giữ, bảo tồn, phát huy vai trò trong cuộc sống hiện đại. Thực tiễn ở phố cổ Hội An đã minh chứng điều đó. Hơn ai hết, người dân Hội An hiểu rằng di sản của ông cha họ để lại chính là tài nguyên vô giá mà thế hệ con cháu cần phải trân trọng, giữ gìn. Từ đó, trong mỗi người dân nơi đây đã hình thành ý thức nâng niu giữ gìn di sản của tiền nhân. Hiện nay phố cổ Hội An đã bước sang giai đoạn ba trong mạch phát triển đã được các nhà nghiên cứu chỉ ra, đó là: giai đoạn I. Cảng thị; giai đoạn II. Tỉnh lị; giai đoạn III. Trung tâm du lịch quốc tế thuộc loại sầm uất nhất cả nước. Ðáng chú ý, năm 2020 cũng là 21 năm ngày Ðô thị cổ Hội An và Khu di tích thánh địa Mỹ Sơn được UNESCO công nhận là di sản thế giới. Ðây là hai di sản tạo nhiều dấu ấn cũng như góp phần quảng bá hiệu quả hình ảnh Việt Nam với bạn bè quốc tế. 21 năm qua, Hội An đã chứng kiến sự vào cuộc của nhiều đơn vị, tổ chức văn hóa, di sản thế giới với ý thức trách nhiệm, trình độ chuyên môn cao, cùng sự cẩn trọng, tâm huyết. Và cần phải khẳng định đây là các yếu tố quan trọng giúp hoạt động trùng tu tại đây đạt kết quả như kỳ vọng.

Đánh giá khách quan, công bằng có thể thấy trong các năm qua, công tác trùng tu đã giúp diện mạo của nhiều di tích khởi sắc, giúp di tích có khả năng chống đỡ với thử thách của thời gian. Tuy nhiên, không phải vô cớ mà chuyện trùng tu vẫn thường được dư luận nhắc đến, và ít nhiều mang cảm xúc tiêu cực. Trong một số trường hợp, không chỉ dư luận trên báo chí mà cả giới chuyên môn cũng nhập cuộc, với ý kiến phê phán đôi khi khá gay gắt. Nguyên nhân bắt đầu từ việc người dân phải chứng kiến không ít di tích bị biến dạng, hủy hoại sau khi được cải tạo, sửa chữa. Vì thế, để công việc tôn tạo, trùng tu mang lại hiệu quả tích cực đối với địa phương nói riêng, xã hội nói chung, người tham gia trùng tu di tích cần khảo sát kỹ lưỡng, tham chiếu với nhiều tư liệu để đưa ra đánh giá chính xác về thời gian cũng như không gian của di tích, từ đó lựa chọn được kế hoạch, phương án khoa học và hiệu quả, bảo đảm "tiếng nói" của di tích được tôn trọng, giữ gìn. Rõ ràng trùng tu di tích là một thử thách vô cùng to lớn, vì yêu cầu sau khi trùng tu, nếu chỉ quan sát bằng mắt thì dường như không thấy có sự thay đổi, nhưng thực chất các hạng mục đã được can thiệp để công trình được gia cố bền vững, những hư hỏng được khắc phục. Nếu trùng tu làm biến dạng di tích thì thực chất đó là một sự hủy hoại, xâm phạm thô bạo vào giá trị lịch sử - văn hóa, gây thiệt hại không thể đong đếm được.

NINH NGUYỄN