Tháp đá Vĩnh Nghiêm-một công trình điêu khắc đá nhiều kỷ lục

Tháp đá Vĩnh Nghiêm-một công trình điêu khắc đá nhiều kỷ lục

Theo đại đức Thích Thanh Phong - người phụ trách thiết kế và xây dựng ngôi tháp, thời điểm xây dựng ngôi tháp là cuối năm 2001. Tuy nhiên, trước đó gần hai năm ông cùng một số vị cao tăng, chủ trì các ngôi chùa nổi tiếng đất bắc đã lặn lội tới từng ngôi chùa cổ để chọn mẫu cho "Vĩnh Nghiêm tháp".

Công việc phức tạp, tốn công sức và khó khăn nhất là chọn thợ đảm đương việc xây dựng tháp theo thiết kế. Không ít gánh thợ đến rồi lại ra đi bởi ngay cả cha, ông họ cũng chưa từng xây dựng ngôi tháp lớn và phức tạp đến vậy.

Nhóm thợ cuối cùng lại là nhóm thợ trẻ nhất, tuổi đời chỉ 20 - 30 tự tin đảm nhiệm công việc. Dù trẻ nhưng họ là hậu duệ của những nghệ nhân điêu khắc đá nổi tiếng đất Hoa Lư (Ninh Bình) ở ba làng: Thương, Hệ, Xuân Vũ (xã Ninh Vân). Nhóm thợ 13 người do thợ cả Trần Công Kiên chỉ huy miệt mài lao động suốt hai năm, ăn ngủ tại công trường, quên cả về thăm quê, cuối cùng thì ngôi tháp được hoàn thành đúng theo thiết kế và thời gian.

Từ xa tháp Vĩnh Nghiêm tựa như ngọn bút cao viết lên trời xanh, trên thân phủ kín những nét hoa văn chạm trổ tinh xảo, bay bổng, mềm mại, tỷ mỉ, sống động mang đậm triết lý phương Ðông.

Tháp gồm bảy tầng, tương tự hầu hết các tháp trong chùa ở nước ta, nhỏ dần về phía ngọn, có tiết diện hình vuông, mỗi cạnh 5m nằm lọt giữa hàng lan can bằng đá mỗi chiều 9,5m đặt trên mặt bệ tháp bằng đá hình bát giác tựa như tòa sen cách điệu.

Toàn bộ thân tháp, các trụ và bao lơn, lan can dày đặc những họa tiết điêu khắc: rồng, lân, khánh, chữ thọ, câu đối, hoa sen, sóng nước,... tinh xảo, mềm mại như nét vẽ.

Có tới 116 con rồng lớn nhỏ uốn lượn như tranh cùng tám con lân, 25 chiếc khánh, 25 chữ thọ cùng vô số họa tiết khác... được chạm sâu vào những phiến đá. Cặp rồng chầu hai bên bậc tam cấp vạm vỡ uy nghi với những chiếc vẩy đều tăm tắp, đôi sừng cong vút, bờm cuộn sóng, cổ vươn cao,... ngạo nghễ hào khí. Chính giữa bậc tam cấp bức tranh đá chạm "cửu long tranh châu" sắc sảo, mềm mại, sống động như có hồn.

Nguyên liệu xây dựng tháp cũng là một khó khăn lớn cho việc bảo đảm tiến độ và chất lượng công trình. Theo kinh nghiệm của những người thợ phải là đá xanh đen núi Nhồi (Thanh Hóa) mới có thể bảo đảm độ mịn, tuyền mầu cho những họa tiết điêu khắc.

Hơn 200 tấn đá được khai thác, chạm, đẽo thô tại chỗ rồi mới vận chuyển vào thành phố Hồ Chí Minh để những người thợ chạm tinh. Nhiều phiến đá phải là đá nguyên tảng có trọng lượng từ 6 đến 10 tấn mới phù hợp yêu cầu thiết kế, đặc biệt là bảy mái đao cong vút được chạm khắc tỷ mỉ trên bảy tầng tháp. Tháp Vĩnh Nghiêm sẽ lưu danh làng đá nổi tiếng ngàn năm đất cố đô Hoa Lư (Ninh Bình).