Phát huy những giá trị của vùng đất lịch sử Chi Lăng

NDO -

NDĐT - Ngày 10-4, tại thị trấn Đồng Mỏ, UBND tỉnh Lạng Sơn, UBND huyện Chi Lăng phối hợp Bảo tàng Lịch sử quốc gia tổ chức Hội thảo khoa học “Khu di tích lịch sử Chi Lăng - Giá trị lịch sử, bảo tồn và phát huy”.

Hội thảo khoa học Khu di tích lịch sử Chi Lăng - Giá trị lịch sử, bảo tồn và phát huy.
Hội thảo khoa học Khu di tích lịch sử Chi Lăng - Giá trị lịch sử, bảo tồn và phát huy.

Tại Hội thảo, những tham luận của các nhà quản lý, chuyên gia và các nhà khoa học tập trung vào những chủ đề: Khu Di tích Chi Lăng - giá trị lịch sử, văn hóa; hoạt động bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu Di tích Chi Lăng; xây dựng Chi Lăng thành vùng kinh tế du lịch.

Địa thế hùng vĩ, mang chiều sâu văn hóa, nơi ghi những dấu son lịch sử

Chi Lăng là một thung lũng hẹp, phía đông có dãy núi đất Bảo Đài - Thái Họa, phía tây là dãy núi đá Cai Kinh. Sông Thương chảy dọc theo thung lũng. Với nhiều lớp “trầm tích văn hóa”, Chi Lăng là một trong những “cái nôi văn hóa” của xứ Lạng với hệ thống các điểm di tích lịch sử - văn hóa quan trọng, phân bố dày đặc trên địa bàn hai xã Chi Lăng và Quang Lang. Các nhà khảo cổ học đã phát hiện được những công cụ điển hình của người tiền sử như: công cụ chặt thô sơ, gốm thô cùng một mảnh sọ chứng minh đất Chi Lăng đã có người tiền sử tới cư trú.

Phát huy những giá trị của vùng đất lịch sử Chi Lăng ảnh 1

Toàn cảnh thung lũng Chi Lăng. (Ảnh: Phòng văn hóa huyện huyện Chi Lăng cung cấp)

Địa thế Chi Lăng hiểm yếu với quân xâm lược, “thập nhân khứ, nhất nhân hoàn” (10 kẻ đi chỉ một kẻ quay về được). Trong quá trình dựng nước và giữ nước, Chi Lăng luôn là bức tường thành ngăn bước quân xâm lược. Năm 1077, Thân Cảnh Phúc và quân dân xứ Lạng đã góp sức đánh tan quân xâm lược Tống. Năm 1285, quân Nguyên qua Ải Chi Lăng bị quân nhà Trần chặn đánh quyết liệt. Tướng Nguyên là Nghê Nhuận tử trận tại chỗ. Cuối năm 1427, ải Chi Lăng ghi dấu chiến thắng oanh liệt trong lịch sử chống ngoại xâm của Việt Nam. Đạo quân xâm lược do Liễu Thăng chỉ huy, sang ứng cứu cho quân Minh đang bị nghĩa quân Lam Sơn vây hãm ở Đông Quan, đã bị đánh tan tác ở Chi Lăng. Liễu Thăng chết trận, cuộc kháng chiến chống Minh kéo dài 10 năm khép lại bằng một chiến thắng vang dội. Chiến thắng Chi Lăng đã đi vào lịch sử Việt Nam như một mốc son chói lọi, tỏa sáng tinh thần yêu nước, ý chí độc lập, sức mạnh đại đoàn kết dân tộc và nghệ thuật quân sự của dân tộc.

Phát huy giá trị di tích, phát triển kinh tế và du lịch

Khu di tích lịch sử Chi Lăng gồm 52 điểm di tích thuộc hai loại hình chủ đạo là di tích lịch sử - văn hóa và di tích truyền thuyết - tâm linh, nằm trong lòng thung lũng Chi Lăng dài hơn 20 km. Sử gia người Pháp, tiến sĩ Charler Faudier khi đến Chi Lăng sau khi tham dự Hội thảo kỷ niệm 600 năm ngày sinh Nguyễn Trãi (năm 1980), đã nhận xét: “Đây là một bảo tàng lịch sử ngoài trời lớn nhất thế giới!”.

Quần thể di tích Chi Lăng còn lưu giữ nhiều chứng tích ghi dấu nghĩa quân Lam Sơn trong trận chiến cách đây gần sáu thế kỷ. Đầm lầy dưới chân núi Mã Yên tương truyền là nơi tiêu diệt đội kỵ binh do Liễu Thăng trực tiếp chỉ huy. Hàng loạt địa danh như núi Ma Sẳn, Bãi Hào, lũy Cửa Dinh (Ngõ Thề), Nà Nông… từng là nơi mai phục, chặn đánh quân Minh. Dân gian còn kể chuyện về nhiều di tích vốn là căn cứ của nghĩa quân và hậu cứ của các trận đánh như làng Đồn, Thành Kho, Đấu đong quân… khơi gợi mường tượng về nơi đóng quân, kho tàng chứa vũ khí, lương thực, cấp dưỡng nuôi quân đánh giặc. Một số điểm trong khu di tích: vực bơi, vực ải gốc lý, hòn đá mổ lợn (nơi mổ lợn khao quân) tương truyền là nơi sinh hoạt của nghĩa quân, đồi Ba Đăng là điểm nghĩa quân canh gác, quan sát địch...

Phát huy những giá trị của vùng đất lịch sử Chi Lăng ảnh 2

Dấu tích ải Chi Lăng.

Với những giá trị đặc biệt về văn hóa, lịch sử, khu di tích Chi Lăng đã sớm được quan tâm, gìn giữ. Ngày 28-4-1962, Bộ Văn hóa đã xếp hạng di tích ải Chi Lăng là Di tích quốc gia. Tỉnh Lạng Sơn đã xác định công tác bảo tồn, tôn tạo Khu di tích lịch sử Chi Lăng là một nhiệm vụ quan trọng; đồng thời, phê duyệt Đề án “Xây dựng và phát triển khu di tích Chi Lăng, huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035”, xác định nhiệm vụ bảo tồn, tôn tạo đồng thời phát huy giá trị của Khu di tích lịch sử Chi Lăng gắn với phát triển du lịch. Mặt khác, bảo tồn khu di tích cần gắn với mục tiêu phát triển bền vững, trong một dự án tổng thể. Phát huy những giá trị của khu di tích lịch sử cần gắn chặt và tích hợp với các chương trình mục tiêu quốc gia (chương trình xây dựng làng văn hóa, chương trình xây dựng nông thôn mới...).

Với nhiều tiềm năng và sự đầu tư phát triển đúng hướng, Khu di tích lịch sử Chi Lăng hứa hẹn sẽ trở thành một địa chỉ quan trọng và hấp dẫn để giáo dục thế hệ trẻ về truyền thống yêu nước, chống ngoại xâm, về sự dũng cảm, mưu trí của các thế hệ cha ông. Với những lợi thế về “thời gian lịch sử” lên tới hàng nghìn năm, hầu hết các điểm di tích đều lộ thiên, Khu di tích Chi Lăng còn thật sự là điểm du lịch lịch sử - văn hóa độc đáo, hấp dẫn.