Phát huy giá trị di tích lịch sử ở Bắc Kạn

Nằm trong vùng căn cứ địa cách mạng, Bắc Kạn có di tích an toàn khu (ATK) Chợ Đồn và 34 di tích lịch sử cấp tỉnh. Tuy nhiên, hầu hết các di tích mới chỉ có bia ghi, chưa được bảo quản, tu bổ, chưa phát huy được giá trị và có nguy cơ bị lãng quên.

Di tích cáp tời quặng từ thời Pháp thuộc nằm hoang phế trong rừng xã Bản Thi, huyện Chợ Đồn.
Di tích cáp tời quặng từ thời Pháp thuộc nằm hoang phế trong rừng xã Bản Thi, huyện Chợ Đồn.

Nhiều di tích sơ sài

Tại xã Bản Thi, huyện Chợ Đồn hiện vẫn còn hệ thống đường dây cáp tời quặng, là chứng tích của thực dân Pháp bóc lột sức lao động của công nhân mỏ kẽm Bản Thi từ năm 1909 đến 1941. Sau hơn 110 năm, hệ thống cáp tời này bị bỏ hoang trên đỉnh núi, có đặt bia ghi di tích nhưng vì ở xa nên ít người biết tới. Các cột đỡ cáp, dây cáp đã gỉ sét có thể đổ, đứt bất cứ lúc nào. Ông Lường Quốc Hải, Trưởng ban quản lý Khu Bảo tồn loài và sinh cảnh Nam Xuân Lạc cho biết, trong khu bảo tồn hiện còn có khu nhà điều hành, hơn 10 km đường xếp đá xuyên qua rừng nghiến phục vụ vận chuyển quặng, tuần tra của thực dân Pháp rất có giá trị lịch sử; nhưng việc bảo tồn, tôn tạo, khai thác du lịch lịch sử gắn với du lịch sinh thái vẫn chưa có gì.

Theo UBND tỉnh Bắc Kạn, các di tích lịch sử cấp quốc gia ở tỉnh được tôn tạo khá hơn nhưng hiện tại vẫn chỉ là quy mô nhỏ, nhanh xuống cấp, không phát huy được giá trị lịch sử gắn với du lịch về nguồn. Tại ATK Chợ Đồn có tới 24 di tích, trong đó, có sáu di tích lịch sử cấp quốc gia, gồm: Bản Ca, Nà Pậu, Khuổi Linh, Bản Bẳng, Nà Quân, Đồi Khau Mạ; bốn di tích lịch sử cấp tỉnh, gồm: Nà Pay, Phja Tắc, Đồi Khuổi Đăm, Nà Kiến và 16 di tích đã kiểm kê. Điểm chung của các di tích này là chưa được tu bổ, tôn tạo xứng tầm; nhiều di tích chỉ còn nền lán, vị trí. Chính vì vậy, dù là “địa chỉ đỏ” nhưng so với ATK Định Hóa (Thái Nguyên) hay Tân Trào (Tuyên Quang), ATK Chợ Đồn vẫn ít người biết tới. Có di tích đã được xếp hạng cấp quốc gia như đồi Pù Cọ, Bản Bẳng (xã Nghĩa Tá), nơi Đại tướng Võ Nguyên Giáp và các đồng chí: Hoàng Văn Thái, Lê Dục Tôn, Nông Văn Quang, Nông Văn Lạc, Chu Văn Tấn sống và làm việc từ năm 1943 đến 1945; nơi gặp nhau của hai đoàn quân nam tiến và bắc tiến vào tháng 10-1953, có ý nghĩa rất lớn. Tuy nhiên, di tích chỉ có đường lên bằng bê-tông, một bia di tích trên đỉnh đồi. Thời gian qua, huyện đầu tư 20 triệu đồng, dựng một lán cọ phục dựng nơi ở và làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Nhưng vì kinh phí ít, đầu tư không tới nơi tới chốn nên chỉ một thời gian ngắn đã xuống cấp.

Trưởng phòng Văn hóa thông tin huyện Chợ Đồn Hà Thị Khánh trăn trở, tháng 12-2019, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định công nhận huyện Chợ Đồn là vùng ATK của Trung ương. Tuy nhiên, mức đầu tư khôi phục, tôn tạo di tích hiện vẫn rất hạn chế. Hạ tầng giao thông vào di tích lại rất kém, tuyến quốc lộ 3C chạy dọc qua hơn 24 di tích đang xuống cấp trầm trọng; trong khi người dân không biết, không có khả năng xây dựng, phát triển các sản phẩm du lịch gắn với di tích.

Cần những địa chỉ đỏ xứng tầm

Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bắc Kạn, đến nay, toàn tỉnh có 19 di tích được tu bổ, tôn tạo trong đó có ba di tích thuộc quần thể di tích ATK Chợ Đồn. Ngoài ra, còn 27 di tích chưa được tu bổ, tôn tạo và phát huy. Kinh phí đầu tư, hỗ trợ cho trùng tu, chống xuống cấp chủ yếu từ nguồn ngân sách của Trung ương, Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa, ngân sách của tỉnh, huyện và nguồn vốn xã hội hóa. Tổng vốn đã đầu tư trong những năm qua chỉ hơn 56 tỷ đồng. Có những di tích tôn tạo không đúng nguyên trạng.

Đối với di tích lịch sử cấp tỉnh, hiện mới có 10 di tích được tu bổ, tôn tạo, còn 24 di tích mới chỉ có bia, chưa được đầu tư. Một số di tích được quy hoạch, diện tích rộng hơn thì chưa được trùng tu, đầu tư kịp thời; thiếu điện thắp sáng, bãi đỗ xe cho khách du lịch, công trình nước… Phần lớn các di tích còn chưa có đường vào thuận lợi nên không phát huy được mục tiêu du lịch lịch sử. Mỗi năm, khu ATK và một số di tích lịch sử khác của tỉnh chỉ đón khoảng 400 lượt khách nhưng chủ yếu là công tác, nghiên cứu, học tập. Trong khi, do là khu ATK nên việc triển khai các dự án đầu tư tại đây rất hạn chế, dẫn tới người dân không có sinh kế bền vững, tỷ lệ hộ nghèo cao. Để phát huy giá trị di tích ATK, tháng 10-2019, huyện Chợ Đồn thông qua Đề án Quản lý và phát huy giá trị di tích, di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch, giai đoạn 2019-2025. Trong đó, tập trung tôn tạo, phục hồi di tích Đồi Pù Cọ ở Bản Bẳng; xây dựng các điểm văn hóa du lịch cộng đồng tại các thôn gần di tích; mỗi năm huyện phấn đấu dành từ 500 triệu đến một tỷ đồng hỗ trợ công tác quản lý, phát huy giá trị di tích; lập dự án thiết kế, cải tạo nội thất, bố trí lại cách bài trí, trưng bày hiện vật Nhà trưng bày tại di tích Nà Pậu; lắp mới công trình phụ trợ, như: điện thắp sáng, nước, nhà vệ sinh, bãi đỗ xe… Tháng 3-2020, thành phố Hồ Chí Minh nghiên cứu hỗ trợ Bắc Kạn tu bổ, tôn tạo một số di tích trong ATK Chợ Đồn. Những năm qua, có hai cơ quan Trung ương đã đầu tư, xây dựng di tích là: Báo Nhân Dân xây dựng di tích lịch sử Đồi Khuổi Đăm, nơi cơ quan Báo Sự thật làm việc từ năm 1947 đến năm 1951; Bộ Tài chính hỗ trợ thông qua ngân sách tỉnh tôn tạo di tích lịch sử Phja Tắc, nơi đặt nhà máy in tiền của Bộ Tài chính từ năm 1947 đến năm 1953.

Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bắc Kạn Hà Văn Trường cho biết, việc phát huy giá trị, tôn tạo, tu bổ, chống xuống cấp các di tích lịch sử để trở thành “địa chỉ đỏ” giáo dục tinh thần yêu nước gắn với phát triển du lịch lịch sử là rất quan trọng. Tuy nhiên, tỉnh Bắc Kạn đang thiếu nguồn lực và các điều kiện cần thiết để thực hiện. Vì vậy, rất mong muốn các bộ, ngành Trung ương quan tâm, hỗ trợ tỉnh lập quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích quốc gia đặc biệt ATK Chợ Đồn trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đồng thời bố trí nguồn lực dành cho bảo quản, tu bổ, phục hồi các di tích phát huy tốt hiệu quả, ý nghĩa.

Thực tế, các di tích lịch sử ở tỉnh Bắc Kạn có nhiều tiềm năng để phát huy du lịch về nguồn. Bắc Kạn cũng xác định du lịch lịch sử và sinh thái là lĩnh vực kinh tế mũi nhọn trong giai đoạn tới nhưng để đưa tiềm năng này thành hiện thực, địa phương đang rất cần sự vào cuộc của các ban, ngành liên quan, sự chung tay, huy động nguồn lực xã hội hóa; tu bổ, tôn tạo xứng tầm. Các bộ, ban, ngành Trung ương từng đặt cơ quan tại Bắc Kạn trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp cần chung tay, góp sức để di tích lịch sử của Bắc Kạn sớm trở thành điểm đến về nguồn ý nghĩa hơn.