Phát hiện mới về khảo cổ ở ngoại thành Hà Nội

Đá phiến bazan màu xanh.
Đá phiến bazan màu xanh.

Lần tiên phát hiện cự thạch

"Sự tình cờ khi nghe người dân thôn Thái Lai kể rằng ở đây có một chiếc bàn đá ba chân khiến chúng tôi đến hiện trường và phát hiện ra hai di tích cự thạch thuộc loại hình trác thạch ở cả thôn Thái Lai và thôn Minh Tân thuộc xã Minh Trí (Sóc Sơn)", tiến sĩ Lâm Mỹ Dung kể về chuyến khảo sát Sóc Sơn với trường hợp phát hiện di tích cự thạch bên dòng suối Đồng Đò.

Theo tiến sĩ Dung, căn cứ trên tọa độ của hai di tích này, và địa hình gò Đồi Bông, suối Đồng Đò, cho rằng có nhiều khả năng không chỉ có hai di tích mà rất có thể còn một vệt di tích kiểu này ở Sóc Sơn.

Tiến sĩ Tống Trung Tín - viện phó Viện Khảo cổ học Việt Nam cho rằng phát hiện hai di tích cự thạch là điều kỳ thú vì đây là lần đầu tiên Việt Nam phát hiện loại di tích này. Ông Tín cho rằng ở vùng đồng bằng Bắc Bộ có lưu truyền một số truyền thuyết có liên quan đến các di tích cự thạch, các câu chuyện về đá khổng lồ... rất có thể phát hiện lần này sẽ làm sáng tỏ một số vấn đề về cư dân cổ xưa ở đồng bằng sông Hồng.

Di tích cự thạch thôn Thái Lai có chiều dài 4m, cao 1,1m bằng đá phiến Bazan màu xanh. Tiến sĩ Dung đồng ý với ý kiến của một số nhà khảo cổ rằng nơi đây không có loại đá này. Do vậy, bí ẩn về sự xuất hiện di tích này cũng như công dụng của nó trong đời sống sinh họat của người xưa là điều cần nghiên cứu tiếp và hứa hẹn cũng có nhiều lý thú.

Sấu đá thời Lý và phát hiện mộ Mường

Phát hiện mới về khảo cổ ở ngoại thành Hà Nội ảnh 1

Tấm lan can trang trí hình con sấu.

Một trong những phát hiện quan trọng của đợt khai quật tại địa điểm Hoa Lâm Viên - huyện Đông Anh là hai tấm lan can bên tả của một bậc thành trang trí hình con sấu rất đẹp. Di vật này không do cán bộ khảo cổ đào được, mà trong một lần vỡ đê và một số lần đào đất, cư dân địa phương đã phát hiện được và đưa về chùa Phúc Lâm, thôn Du Nội.

Hình tượng con sấu chạm trên đá của tấm lan can này giống phong cách của những hình sấu tương tự trên những di vật thời Lý đang trưng bày tại bảo tàng Lịch sử Việt Nam. Tiến sĩ Tống Trung Tín nhận định rằng rất có thể những con sấu đá này có niên đại thế kỷ 11, "hiện vật này gắn liền với nhà Lý và những hưng thịnh, suy vong của một thời kỳ lịch sử, hơn nữa, kiểu dáng con sấu rất đẹp, tầm cỡ đó đáng được xem là bảo vật quốc gia rồi". Ông Tín cũng đề xuất nên khảo sát rộng ra các vùng xung quanh khu vực Hoa Lâm Viên để xem thử liệu có còn gì không.

Và trong khi khảo sát tại khu vực đồi Gò gạo, đồi Thái Lai, phát hiện rất nhiều mảnh ngói, đầu ngói ống, diềm ngói vỡ xen lẫn lon sành sứ... có niên đại từ thế kỷ 14 đến thế kỷ 17 mà theo ông Trần Anh Dũng - chuyên gia đồ gốm sứ của Viện khảo cổ học - những di tích này có cấu trúc giống như kiểu mộ Mường, với sự phân bổ hiện vật lớp trên là ngói, lớp dưới là đồ gốm sứ.

Thầy Phạm Xuân Hằng - hiệu trưởng trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn nêu ý kiến nếu tổ chức khai quật, nên xem thử nơi đây có còn hiện vật nào cho thấy sự hiện diện của những dân tộc khác không? Và cũng nên để ý xem nơi đây còn người Mường sinh sống không?

Tuy nhiên, giáo sư Hoàng Xuân Chinh cho rằng việc tìm thấy mộ Mường tại những nơi không còn người Mường sinh sống là chuyện bình thường. Giáo sư Chinh dẫn ra trường hợp ở Quốc Oai có tìm thấy mộ Mường nhưng nơi đây không còn người Mường cư trú.

Chuyện tiếp theo của 1000 năm Thăng Long

Đề tài nghiên cứu khoa học "Nghiên cứu khảo cổ học trên địa bàn Hà Nội" được thực hiện bởi thầy trò khoa sử trường Khoa học xã hội và Nhân văn, do Ủy ban chỉ đạo quốc gia 1000 năm Thăng Long - Hà Nội "đặt hàng".

Tại buổi báo cáo kết quả khảo cổ, ông Trần Quang Dũng - phó ban chỉ đạo quốc gia 1000 năm Thăng Long cho biết từ nay đến cuối năm âm lịch, ba đơn bị là Viện khảo cổ, trường Khoa học xã hội và Nhân văn, và bảo tàng Lịch sử sẽ ngồi lại đề ra kế họach khảo cổ trên địa bàn Hà Nội tiếp tục trong năm 2005.

Trong khi đó, các ý kiến về việc bảo quản mảnh đá có hình con sấu thời Lý vẫn chưa có câu trả lời. Hiện nay, con sấu đá vẫn nằm ở chùa Phúc Lâm - thôn Du Nội.

Thầy giáo Trần Xuân Hằng cho biết chương trình kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội có kế hoạch xây dựng bảo tàng Hà Nội. "Khi có bảo tàng Hà Nội thì mảnh lan can đá có hình con sấu này tất nhiên là sẽ được trưng bày ở đấy, nhưng bảo tàng chắc vài năm nữa mới xong, nếu xác định hiện vật này là rất quý thì có thể đem về bảo quản ở bào tàng Nhân học cũng được", thầy Hằng mở lời như thế.