Ðộc đáo tuồng Xuân Nộn

Những tưởng trong thời công nghệ 4.0 với nhiều loại hình giải trí hiện đại, tuồng làng sẽ chẳng được mấy ai quan tâm. Nhưng ở Xuân Nộn (Ðông Anh, Hà Nội), phong trào tập luyện, biểu diễn tuồng vẫn  được chính quyền địa phương, các câu lạc bộ cùng tầng lớp nhân dân duy trì đều đặn. Ðiều này góp phần bảo tồn, phát huy giá trị bộ môn nghệ thuật độc đáo của địa phương có từ cách đây hơn 100 năm.

Tiết mục biểu diễn tại lễ bế giảng lớp tập huấn tuồng tại thôn Ðường Yên, xã Xuân Nộn. Ảnh: Việt Quang
Tiết mục biểu diễn tại lễ bế giảng lớp tập huấn tuồng tại thôn Ðường Yên, xã Xuân Nộn. Ảnh: Việt Quang

Chắt chiu tinh hoa

Theo lãnh đạo UBND xã Xuân Nộn, vào những năm đầu của thế kỷ 20, cụ Nguyễn Hữu Dậm (Chùm Dậm), là người thôn Lương Quy, thuở nhỏ đi học nghệ thuật tuồng từ các nghệ nhân có tiếng ở nhiều vùng, miền như Bắc Ninh, Thái Nguyên, Thanh Hóa… Ðến tuổi trưởng thành, cũng là lúc đạt “độ chín” về nghề, cụ Chùm Dậm quay trở về Xuân Nộn và mở sân truyền nghề ngay tại thôn Lương Quy, chủ yếu là cho các em nhỏ. Ðến năm 1928, cụ Chùm Dậm đứng ra thành lập đội tuồng thiếu niên đầu tiên của Xuân Nộn cùng tập luyện và đi biểu diễn ở các địa phương trong vùng. Từ số ít thành viên ban đầu, đến năm 1945, đội tuồng đã quy tụ được rất nhiều thành viên, cùng ăn, cùng tập và dàn dựng được hơn chục vở diễn. Trong giai đoạn kháng chiến chống thực dân Pháp, đội tuồng đã tham gia hoạt động cách mạng, che giấu cán bộ và du kích địa phương. Một số diễn viên tuồng trực tiếp tham gia du kích đã bị địch bắt, tra tấn đánh đập dã man và bị tù đày. Những năm sau 1954, đội tuồng Lương Quy tiếp tục duy trì và đào tạo truyền nghề cho nhiều thế hệ diễn viên. Các diễn viên tuồng Lương Quy - Xuân Nộn được thừa hưởng nhiều phong cách tuồng hiện đại của các nghệ nhân nổi tiếng với lối dạy hết sức bài bản, công phu, đặc trưng của tuồng bắc. Ðội tuồng Lương Quy - Xuân Nộn thường xuyên biểu diễn phục vụ nhân dân ở trong xã, ngoài huyện và lưu diễn tại các địa phương khác, trong đó có không ít buổi biểu diễn phục vụ các đơn vị bộ đội trước khi lên đường vào nam chiến đấu. Trong những năm chiến tranh chống Mỹ, cứu nước, nhiều diễn viên tuồng Xuân Nộn còn nhận được sự giúp đỡ, tập huấn, rèn giũa các kỹ năng biểu diễn sân khấu từ nghệ sĩ Ðoàn tuồng bắc của Nhà hát Tuồng Trung ương (nay là Nhà hát Tuồng Việt Nam). Trong thời kỳ chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ đánh phá miền bắc, phong trào văn nghệ với hạt nhân là đội tuồng làng Lương Quy - Xuân Nộn vẫn phát triển, hăng say tập luyện dưới ánh đèn dầu với tinh thần “Tiếng hát át tiếng bom”, cổ vũ, động viên các tầng lớp nhân dân lao động và chiến đấu.

Ông Nguyễn Thế Lộc, trước đây từng là Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Nộn phụ trách văn xã và là người có hàng chục năm gắn bó với nghệ thuật tuồng cho biết: Tuồng Xuân Nộn mang bản sắc độc đáo bởi các nghệ nhân đã dày công sáng tạo, chắt lọc những nét tinh túy trong nghệ thuật tuồng ở khắp các vùng, miền để tạo ra một phong cách tuồng riêng biệt, khó lẫn. Sau này, chính quyền địa phương có mời thêm một số giảng viên các nhà hát tuồng ở Trung ương về dạy để nâng cao kỹ thuật cho diễn viên ở Xuân Nộn. Nhưng dù có học thêm về kỹ thuật biểu diễn, song các diễn viên tuồng nơi đây vẫn giữ được những nét đặc trưng của mình. Ông Lộc bảo: “Ðã thành thông lệ, trước kia cũng thế mà nay vẫn vậy, mỗi khi đội tuồng tập được một vở là người nọ lại truyền tai người kia để cả làng, cả xã biết. Sau đó, sẽ có một buổi diễn trình làng. Thời khó khăn, lấy đâu ra phục trang biểu diễn đầy đủ, ấy thế mà buổi diễn nào cũng đông khán giả từ trong làng, ngoài xã đến xem, cổ vũ nhiệt tình. Các nghệ nhân cao tuổi ở đây gần như chẳng bỏ qua buổi diễn nào của con cháu. Các cụ cũng luôn góp ý, hướng dẫn thêm cho các diễn viên sau mỗi buổi diễn để giúp đội tuồng nâng cao kỹ thuật chuyên môn, dần hoàn thiện hơn kỹ năng”.

Nối tiếp truyền thống

Cho dù tiếng tăm tuồng Xuân Nộn đã lan tỏa từ lâu trên vùng đất ngoại thành Hà Nội và nhiều địa phương khác, nhưng phải đến năm 1998, đội tuồng Xuân Nộn mới đi “thi đấu” và giành Huy chương vàng Liên hoan sân khấu tuồng không chuyên Hà Nội mở rộng với vở “Trần Quốc Toản ra quân”.

Chị Nguyễn Phong Anh, cán bộ chuyên trách văn hóa của UBND xã Xuân Nộn cho biết: Năm 1994, nhằm bảo tồn và quảng bá nghệ thuật tuồng của địa phương, UBND xã quyết định thành lập một đội tuồng “nhí” có tên là Câu lạc bộ Tuồng đồng ấu thôn Lương Quy, do ông Nguyễn Thế Lộc, khi đó là cán bộ văn hóa xã phụ trách. Phần lớn các diễn viên nhí đều xuất thân từ các gia đình có truyền thống về tuồng cho nên rất có năng khiếu và đam mê. Câu lạc bộ được các nghệ nhân nhiều kinh nghiệm trong làng trực tiếp tham gia giảng dạy. Ðể nâng cao kỹ thuật cho các diễn viên, UBND xã mời nhiều nghệ sĩ Nhà hát Tuồng Trung ương và nhiều nghệ nhân nổi tiếng về giảng dạy. Ðến năm 1996, sau một thời gian tập luyện với khoảng 15 cháu có đủ tố chất, độ tuổi từ 8 đến 15 tuổi, Câu lạc bộ Tuồng đồng ấu thôn Lương Quy bắt đầu đi biểu diễn. Ðến năm 1998 đã giành được thành công ở một liên hoan sân khấu tuồng không chuyên. Ðến nay, có ba thành viên trong câu lạc bộ đã trở thành diễn viên tuồng chuyên nghiệp, công tác tại Nhà hát Tuồng Việt Nam. Từ một câu lạc bộ tuồng Lương Quy, đến nay, trên địa bàn xã Xuân Nộn có ba câu lạc bộ tuồng với gần 140 thành viên tham gia tập luyện, trong đó có hai câu lạc bộ tuồng đồng ấu (thiếu nhi) ở thôn Lương Quy và Ðường Yên cùng Câu lạc bộ Tuồng truyền thống Xuân Nộn với những diễn viên từ 20 đến 65 tuổi.

Chị Nguyễn Thúy Hằng, vốn là thành viên Câu lạc bộ Tuồng đồng ấu thôn Lương Quy đoạt giải năm 1998 chia sẻ: “Tôi sinh ra trong gia đình có truyền thống tuồng. Từ nhỏ, thấy bố thường đi tập tuồng, tôi thấy rất thích, cho nên khi xã thành lập câu lạc bộ thì xin gia đình được tham gia ngay, càng tập càng thấy đam mê. Sau này, lớn dần lên cùng với sự phát triển của câu lạc bộ, mới cảm nhận được hết ý nghĩa của việc tập luyện tuồng. Không chỉ là một bộ môn nghệ thuật truyền thống, đây còn là nét văn hóa đặc sắc của quê hương Xuân Nộn và chúng tôi phải có trách nhiệm gìn giữ và phát huy. Tôi rất hạnh phúc khi trên quê hương, thế hệ nối tiếp thế hệ, “tre già măng mọc” và nghệ thuật tuồng Xuân Nộn được bảo tồn, phát triển và quảng bá rộng rãi. Bây giờ, thấy các cháu ở các câu lạc bộ tuồng có trình độ tốt, lại rất đam mê làm tôi nhớ lại chính hình ảnh của thế hệ chúng tôi ngày xưa”.

Bà Ðỗ Thanh Hằng, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Tuồng đồng ấu thôn Ðường Yên chia sẻ, nghệ thuật tuồng ở xã Xuân Nộn đang phát triển mạnh. Không chỉ ở các giải thưởng có được, mà phong trào tập tuồng ở đây rất nhộn nhịp. Hiện, câu lạc bộ do bà Hằng phụ trách đã có khoảng 40 cháu tham gia, thường xuyên tập luyện tại nhà văn hóa xã. Các cháu được các thế hệ diễn viên đi trước truyền đạt bài bản, tỉ mỉ từ vai quân, vai phụ đến vai chính, cho nên đã múa được các động tác cơ bản, hát được nhiều làn điệu. Có một số cháu đóng được các vai chính như Trưng Trắc, Trưng Nhị, Ðào Tam Xuân… Ðây là những diễn viên “dự bị” cho đội tuồng truyền thống của xã để bảo tồn nghệ thuật tuồng của quê hương Xuân Nộn.

Bà Ngô Thị Bảy, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Tuồng truyền thống xã Xuân Nộn cho biết: Câu lạc bộ hiện có 30 diễn viên và việc tập luyện được duy trì thường xuyên ba buổi/tuần. Nếu có chương trình biểu diễn, các diễn viên sẽ tập luyện kín tuần. Câu lạc bộ thường biểu diễn phục vụ nhân dân địa phương và đi biểu diễn ở một số tỉnh, thành phố lân cận. “Dù kinh phí đi biểu diễn, phục trang chủ yếu do các thành viên đóng góp nhưng chúng tôi vẫn tập luyện, biểu diễn rất say mê. Có hôm tập luyện mà bận việc không đi được, nghe tiếng trống ngoài đình văng vẳng là lại thấy chộn rộn. Chính vì thế, câu lạc bộ ngày càng phát triển, thu hút được nhiều thành viên tham gia tập luyện. Vui nhất là các nghệ nhân trên dưới 80 tuổi cứ thấy câu lạc bộ tập là lại ra hướng dẫn, chỉ bảo. Vì thế, trình độ của chúng tôi ngày được nâng cao. Quan trọng nhất là nghệ thuật tuồng Xuân Nộn sẽ mãi giữ được bản sắc” - bà Ngô Thị Bảy tâm sự.

Theo lãnh đạo UBND xã Xuân Nộn, từ năm 2018, chính quyền xã đã xây dựng đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật trình diễn dân gian tuồng truyền thống xã Xuân Nộn giai đoạn 2018 -2025”. Mục tiêu của đề án phấn đấu đến năm 2025, phát triển mạnh mẽ phong trào tập luyện tuồng trong trường học và trong nhân dân; phối hợp các nhà trường cùng Trung tâm Bảo tồn và Phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam triển khai dự án “Sân khấu học đường”; thành lập câu lạc bộ biểu diễn nghệ thuật tuồng trong nhà trường, đưa các kiến thức của loại hình nghệ thuật tuồng tiếp cận với học sinh trong các buổi sinh hoạt ngoại khóa; nâng cao hiệu quả hoạt động của các câu lạc bộ biểu diễn tuồng ở các thôn, làng…

Mặc dù nghệ thuật tuồng làng ở Xuân Nộn đang được duy trì và phát triển, nhưng về lâu dài, để phong trào phát triển bền vững, rất cần đến sự hỗ trợ, giúp đỡ của các cá nhân, tổ chức cũng như chính quyền các cấp, các ban, ngành từ Trung ương đến địa phương. Có như thế, trong dòng chảy của cuộc sống hiện đại, nghệ thuật tuồng truyền thống Xuân Nộn mới tiếp tục lan tỏa, góp phần tạo dựng một đời sống văn hóa tinh thần phong phú, đậm đà bản sắc dân tộc.