Nô nức ngày hội xuống đồng ở Chiêm Hóa

NDO -

NDĐT - Ngày 12-2, tức mùng 8 tháng Giêng, hàng nghìn người dân và du khách đã nô nức kéo về trung tâm huyện Chiêm Hóa (Tuyên Quang) để tham dự Lễ hội Lồng Tông – ngày hội xuống đồng. Đây là lễ hội truyền thống, đặc sắc của đồng bào dân tộc Tày tỉnh Tuyên Quang với mong ước cầu cho quốc thái, dân an, nhà nhà yên vui hạnh phúc; mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu...

Hàng nghìn người dân địa phương và du khách tham gia lễ hội.
Hàng nghìn người dân địa phương và du khách tham gia lễ hội.

Lễ hội Lồng Tông có hai phần: phần lễ và phần hội. Phần lễ bắt đầu bằng việc rước chín mâm Tồng từ đền Bách Thần (thị trấn Vĩnh Lộc, huyện Chiêm Hóa) về sân vận động trung tâm huyện với màn múa lân (múa "xuống đồng") của những trai thanh nữ tú. Các mâm Tồng là các sản vật của địa phương để dâng tạ ơn các vị thần đã phù hộ cho nhân dân địa phương có cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Sau đó, Thầy cả (người cúng chính của buổi lễ) và các thầy giúp việc làm lễ đặt mâm Tồng, tạ ơn trời đất, cầu sự ấm no, hạnh phúc cho mọi nhà. Cuối phần lễ là nghi lễ xuống đồng (cày ruộng) với mong muốn đường cày may mắn đầu năm sẽ mang lại dân khang, vật thịnh, mùa màng bội thu...

Nô nức ngày hội xuống đồng ở Chiêm Hóa ảnh 1

Đoàn rước lễ từ núi Bách Thần về trung tâm huyện Chiêm Hóa.

Sau phần lễ là đến phần hội với các trò chơi dân gian, như: tung còn, kéo co, thi đấu bóng chuyền hơi… tạo không khí vui tươi nhân dịp Xuân mới giữa các dân tộc trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang.

Đồng bào dân tộc Tày tỉnh Tuyên Quang có khoảng 160 nghìn người. Lễ hội Lồng Tông là loại hình sinh hoạt văn hóa dân gian, cầu mùa của cư dân nông nghiệp trồng lúa nước, thể hiện tín ngưỡng phồn thực cổ xưa và kết hợp với thờ Thành hoàng làng, thần đất, những người có công với đất nước, khai lập làng... Lồng Tông cũng là lễ hội tiêu biểu của người Tày tỉnh Tuyên Quang và đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Hiện, tỉnh Tuyên Quang đang từng bước đưa Lễ hội Lồng Tông trở thành sản phẩm du lịch đặc thù trong mỗi dịp Tết đến, Xuân về.

Đồng bào Giáy ở Lào Cai xuống đồng đầu năm

Nô nức ngày hội xuống đồng ở Chiêm Hóa ảnh 2

Lễ hội xuống đồng ở xã Quang Kim, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai.

Sáng nay, 12-2, đồng bào dân tộc Giáy ở xã biên giới Quang Kim, huyện Bát Xát (Lào Cai) nô nức xuống đồng thi cày ruộng đầu Xuân, để một năm mới mùa màng bội thu.

Tham gia hội thi cày ruộng giỏi có hàng chục thợ cày, ở các thôn, bản của xã Quang Kim. Đây là những nông dân thực thụ, cày giỏi, điều khiển trâu khéo léo, sức khỏe dẻo dai… được các thôn, bản tuyển chọn tham dự hội thi.

Sau tiếng trống lệnh của trọng tài, các thợ cày điều khiển trâu lao nhanh về đích, trong tiếng hò reo, cổ vũ vang dội của người dân trong thôn, bản mình và du khách đến tham dự Hội xuống đồng truyền thống của đồng bào dân tộc Giáy nơi đây.

Trước khi vào thi cày giỏi, đồng bào xã Quang Kim và vùng lân cận thực hiện nghi thức tế lễ, mở Hội xuống đồng, cầu mong sức khỏe cho mọi người, mọi nhà; ước mong mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, bội thu.

Quang Kim là một trong bốn xã đầu tiên đạt chuẩn “Nông thôn mới” của tỉnh Lào Cai vào năm 2013, đang phấn đấu thành xã Anh hùng trong thời kỳ đổi mới.