Những cây cọc hiện ra từ lòng đất

NDO -

Trong Hội nghị Thông báo Khảo cổ học lần thứ 55 (ngày 29 và 30-9, tại Hải Phòng), hệ thống cọc ở Cao Quỳ và Đầm Thượng (ở xã Liên Khê và xã Lại Xuân, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng) được coi như phát hiện đáng kể nhất của ngành khảo cổ năm 2019 - 2020.

Các nhà khoa học tham quan khảo sát bãi cọc Cao Quỳ. Ảnh: LƯU PHƯƠNG MAI
Các nhà khoa học tham quan khảo sát bãi cọc Cao Quỳ. Ảnh: LƯU PHƯƠNG MAI

Phát hiện lớn

Bãi cọc Cao Quỳ được phát hiện từ tháng 10-2019. Ngay sau đó, Viện Khảo cổ học phối hợp Bảo tàng Hải Phòng và UBND huyện Thủy Nguyên đã tiến hành khảo sát tại đây.

Trong báo cáo, TS Bùi Văn Hiếu (Phó trưởng phòng Khảo cổ học dưới nước, Viện Khảo cổ học) cho biết: “Đã phát hiện được chín cọc gỗ, đường kính cọc khá lớn: 26 - 46cm. Dựa vào địa tầng, đoàn công tác nhận định khu vực xuất lộ cọc vốn là bờ sông đã bị bồi lấp qua thời gian. Các cọc xuất lộ trong lớp bùn xám, có thể được cắm xuống lớp bùn đen lẫn cát hoặc xuyên qua lớp sét vàng trắng loang lổ. Kết quả xác định niên đại C14 của cọc gỗ 3 (đang được lưu giữ tại đình Làng Mai) cho thấy cọc này có niên đại 1.270 - 1.430 AD, (sau công nguyên, phiếu số 1429, Viện Khảo cổ học)”.

Tranh luận về những cây cọc hiện ra từ lòng đất -0
Cọc gỗ xuất lộ trong hố khai quật. Ảnh: Đinh Thanh Nga - Viện Khảo cổ học

Mặc dù chưa xác định niên đại chính xác, nhưng với kinh nghiệm khảo sát và tham khảo tư liệu, TS Lê Thị Liên (Hội Khảo cổ học Việt Nam) nghiêng về giả thiết đây là bãi cọc (có thể) liên quan đến cuộc kháng chiến của nhà Trần và những bãi cọc được tổ chức trong một quá trình chuẩn bị kháng chiến lâu dài: “Nhà Trần có khả năng đã chuẩn bị trận chiến từ lâu, xây dựng một thế trận toàn dân, ngoài trận chiến chính thức còn các trận chiến giữ làng chẳng hạn”.

Các bãi cọc Đầm Thượng, cửa sông Giá, Cao Quỳ cùng cả một hệ thống các bãi cọc đã được phát hiện ở cả Quảng Ninh và Hải Phòng, vì thế rất có thể là của nhiều đời, trong một bãi cọc có thể có những cây cọc có niên đại không giống nhau. Có thông tin (không chính thức) về kết quả xác định niên đại mẫu cọc gỗ và trầm tích khu bãi cọc Cao Quỳ và Đầm Thượng có tám mẫu gỗ có niên đại tương đương với văn hóa Đông Sơn. Nếu vậy, kiến trúc gỗ của thời đại dựng nước được dùng làm cọc gỗ đánh quân Nguyên càng nâng tầm giá trị của khu di tích này.

Tranh luận về những cây cọc hiện ra từ lòng đất -0
Các hố khai quật ở Cao Quỳ. Ảnh flycam: Đài phát thanh huyện Thủy Nguyên.

Dựa trên tư liệu lịch sử, GS Nguyễn Quang Ngọc nêu giả thiết: Trận địa ở Cao Quỳ là “bãi cọc khóa sông”. Việc “khóa sông” ở đây để chặn thuyền địch, bảo đảm bí mật và an toàn cho lực lượng thủy quân của nhà Trần mai phục sâu trong sông Giá trước đội tiền trạm thám sát và càn quét của tướng giặc Lưu Khuê, để đội thuyền mai phục này cơ động khi được lệnh xông ra sông Đá Bạc đánh tập hậu và khóa đuôi đoàn thuyền khổng lồ của Ô Mã Nhi.

Để có thể thực hiện được cả hai nhiệm vụ này, quân dân nhà Trần phải thiết kế những hàng cọc to lớn, chôn chặt, trụ vững ở hai bên bờ và hệ thống (nhiều lớp) xích sắt chắc chắn được neo vào trụ, vắt ngang qua lòng lạch (các nhà khảo cổ học đã tìm thấy chín hiện vật sắt, di vật dài nhất tới 99 cm, ở Cao Quỳ). Khi cần phải chặn đoàn thuyền từ ngoài xâm nhập vào thì cả hệ thống xích sắt được kéo căng; còn khi cần mở lối cho thuyền từ trong tiến ra thì xích sắt sẽ được hạ xuống.

Đến thời Hồ vẫn áp dụng kỹ/chiến thuật “khóa sông” nhưng lại thất bại. Nguyễn Trãi đã ghi lại điều này:

“Lớp lớp rào lim ngăn sóng biển  

Khóa sông xích sắt cũng vầy thôi  

Lật thuyền mới rõ dân như nước…”

(Nguyễn Trãi (1976) - Toàn tập, Nxb. Khoa học xã hội, tr. 281)

Cần tiếp tục mở rộng nghiên cứu liên ngành

Đoàn nghiên cứu khai quật hai bãi cọc ở Cao Quỳ và Đầm Thượng cũng kiến nghị: Tiếp tục mở rộng khai quật các khu vực có cọc và tiến hành nghiên cứu, phân tích các mẫu gỗ và mẫu đất nhằm làm rõ hơn đặc điểm và chức năng của di tích bãi cọc này; Có phương án bảo tồn, bảo quản di tích, tiến tới lập hồ sơ công nhận di tích; Mở rộng phạm vi nghiên cứu khảo cổ học một số di tích khác thuộc khu vực huyện Thủy Nguyên ngày nay và cả các khu vực lân cận để xây dựng một hồ sơ đầy đủ cho các di tích có liên quan hoặc cùng loại ở khu vực này; Thực hiện các hướng nghiên cứu liên ngành (địa chất, địa mạo và môi trường cổ, lịch sử và sử liệu địa phương, truyền thuyết dân gian).

Bên cạnh đó cũng cần mở rộng hợp tác quốc tế để thực hiện các chương trình nghiên cứu chuyên sâu và nghiên cứu so sánh. 

Cuộc khai quật khảo cổ học ở Cao Quỳ đã tìm thấy 27 cọc gỗ, 2 cụm gỗ, 21 hố cọc, 4 hố đất đen. Bốn cọc có dấu ngoàm trên thân. Theo kinh nghiệm của thợ gỗ ở địa phương thì cọc chủ yếu là gỗ sến nhựa và lim. Đặc biệt có cọc đường kính lớn nhất tới 60 cm.

Cuộc khai quật ở Đầm Thượng phát hiện 38 cọc gỗ. Có 5 cọc đường kính lớn từ 26 - 32 cm. Một khu bảo tồn đã được xây dựng tại vị trí bãi cọc Cao Quỳ, dự kiến sẽ được chính thức công bố ngày 5-10.