Nhiều phát hiện mới và những thành quả về khảo cổ học năm 2019

NDO -

NDĐT - Trong hai ngày 26 và 27-9, tại Hà Nội, đã diễn ra Hội nghị thông báo những phát hiện mới về khảo cổ học lần thứ 54. Đây là dịp để các nhà khoa học trong và ngoài nước trao đổi thông tin về những phát hiện mới.

Hội nghị thông báo những phát hiện mới về khảo cổ học lần thứ 54.
Hội nghị thông báo những phát hiện mới về khảo cổ học lần thứ 54.

Tại hội nghị, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho biết, có 360 tham luận được gửi đến, bao gồm: 95 bài về Khảo cổ học tiền sử: 206 bài Khảo cổ học lịch sử, 43 bài Khảo cổ học Champa - Óc Eo, 11 bài Khảo cổ học dưới nước và năm bài về các hoạt động tiêu biểu của các cơ quan chuyên ngành. Đây là những kết quả của hơn một năm hoạt động nghiêm túc và khoa học của cả ngành khảo cổ cũng như các cá nhân quan tâm đến khảo cổ học.

Hai năm qua có khá nhiều cuộc khai quật các di tích khảo cổ học, trong đó nhiều cuộc là những nghiên cứu tiếp tục từ các năm trước. Đơn cử như: Tại Bắc Ninh, di tích Luy Lâu tiếp tục được khai quật lần hai. Kết quả khai quật được khẳng định, khu vực này là một di chỉ cư trú có niên đại kéo dài trong thời Bắc thuộc.

Tháng 4-2019, Bảo tàng Lịch sử quốc gia và Đại học Đông Á (Nhật Bản) đã phối hợp Sở Văn hóa, Thể Thao và Du lịch Bắc Ninh tiến hành khai quật di tích thành cổ Luy Lâu, nhằm xác định dấu tích đoạn thành Ngoại phía nam cùng các vấn đề về cấu trúc và niên đại tường thành. Những người khai quật đã xác định tường thành Ngoại phía nam được xây dựng vào khoảng thời Đường (thế kỷ 9). Kết quả tiến hành khoan thăm dò địa tầng tại một số vị trí ở trong và ngoài thành đã xác định được dấu vết hào nước của tường thành Ngoại phía nam và hào của tường Nội thành phía đông phát hiện năm 2014 cho thấy, các đoạn hào này có độ rộng khoảng 8m, sâu 4m. Kết quả này khá tương thích với kết quả nghiên cứu mới nhất vào năm 2017.

Cùng với đó, các thành viên của chương trình Khảo cổ học Hàng hải Việt Nam (VMAP) đã tiến hành khảo sát, nghiên cứu tại đảo Quan Lạn (Quảng Ninh). Đoàn cũng đã khai quật lần hai di tích Đồng Chổi nhằm làm rõ hơn giá trị của di tích, góp phần nghiên cứu lịch sử khu vực này trước khi Vân Đồn trở thành thương cảng quốc tế. Kết quả cho thấy, di tích này là một khu mộ địa của cư dân thời kỳ Đá mới. Di tích Đồng Chổi cho thấy nhiều tiềm năng và trực lượng lớn về mực nước biển cổ, môi trường sinh thái, mối giao lưu văn hóa và đời sống của cư dân ở đây.

Năm 2018, Viện Khảo cổ học, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Ngãi đã phối hợp các chuyên gia quốc tế tổ chức khảo sát khảo cổ học dưới nước tại vuùng biển Bình Châu bằng các phương pháp Viễn thám và khảo sát lặn sử dụng bình khí nén. Do di tích phần lớn vùi dưới lớp cát đáy biển nên đợt khảo sát lần này chưa phát hiện được nhiều di tích, ngoài dấu vết của một con thuyền gỗ ở độ sâu 9,2m. Vẫn chưa rõ đặc điểm, tính chất cụ thể của con thuyền. Cũng trong đợt này đoàn đã khảo sát một số khu vực Gành Cả, Gành Tre, Gành Lá Ngái... thu được chủ yếu là đồ gốm men Trung Quốc từ thế kỷ XII đến XX.

Năm 2019, Viện Khảo cổ học tiếp tục phối hợp các chuyên gia quốc tế khảo sát vùng biển Bình Châu lần hai sử dụng thiết bị khát sát viễn thám máy chụp cắt lớp đáy, nhằm nghiên cứu đặc điểm địa hình đáy biển, đã phát hiện được khoảng 40 điểm nghi vấn.

Ngoài ra, tại hội nghị còn các báo cáo về khảo sát của Viện Khảo cổ học ở vùng cửa sông Lam (Nghệ An), một số di tích ven biển ở Móng Cái (Quảng Ninh), và kết quả nghiên cứu bộ sưu tập của Lâm Du Sênh.

Nổi bật trong giai đoạn này là cuộc khai quật hang động núi lửa C6 -1 ở Đác Nông và các nghiên cứu về thành phần nhân chủng, bào tử phấn hoa, mộ táng, di cốt động vật của di tích. Kết quả khai quật và các nghiên cứu đã khẳng định thêm hang C6 -1 là địa điểm cư trú, chế tác công cụ (di chỉ - xưởng) và mộ táng. Tổ hợp công cụ đặc trưng ở đây là những chiếc rìu hình bầu dục, hình đĩa, rìu ngắn ghè hai mặt, gợi lại loại hình kỹ thuật Hòa Bình. Táng thức của cư dân Hang C6 -1 bảo lưu văn hóa Hòa Bình, đó là chôn người trong hang, theo tư thế nằm co, bó gối, chôn theo công cụ và đồ trang sức, bổi rắc thổ hoàng. Lần khai quật này còn tìm thấy các cốt sọ người trưởng thành - rất gần với sọ của những người Indonesien hiện đang sinh sống dọc theo dải Trường Sơn của Việt Nam.

Đáng chú ý, hoạt động nghiên cứu khảo cổ học dưới nước cũng rất được quan tâm. Những tư liệu, nghiên cứu mới đã bổ sung cứ liệu vật thật giúp các nhà khoa học đi sâu tìm hiểu lịch sử hình thành dân tộc và con người Việt Nam, góp phần bảo vệ, bảo tồn, nghiên cứu, quảng bá và phát huy các giá trị lịch sử văn hóa Việt Nam trong thời kỳ hiện đại hóa và hội nhập.