Nghề truyền thống “sống” trong Tết

NDO -

Cuộc sống đổi thay từng ngày. Con người vội vã cuốn theo vòng xoáy cuộc sống. Tết ngày nay ít nhiều không thú vị như trước. May thay, trong dòng chảy ấy, những làng nghề truyền thống lưu giữ các giá trị văn hóa tốt đẹp như hòa vào cái Tết, làm cho Tết đậm tinh thần dân tộc hơn.

Một trong những công đoạn làm bánh ngũ sắc.
Một trong những công đoạn làm bánh ngũ sắc.

Rực rỡ sắc màu

Càng gần Tết truyền thống, người dân trên mảnh đất chữ S bộn bề, lo toan mua những món hàng, đồ đạc mới, chạy theo thị hiếu mới nhất. Ở đâu đó trên mảnh đất này, còn những “địa chỉ đỏ” lưu giữ nét truyền thống của cha ông để lại. Các món ăn, món hàng… được truyền từ đời này sang đời khác.

Huế, mảnh đất kinh đô của triều đại phong kiến cuối cùng của Việt Nam. So với các tỉnh, thành khác, Huế xưa nay nhẹ nhàng, chầm chậm trôi như dòng sông Hương. Ven con sông đi vào thơ ca, nhạc họa này, nhiều làng nghề truyền thống tồn tại hàng trăm năm, qua biết bao thăng trầm vẫn còn bắt kịp cuộc sống hối hả để mang đến cái Tết đậm đà sắc Việt.

Nằm bên bờ sông Hương, vùng đất Kim Long không chỉ nổi tiếng với câu ca dao “Kim Long có gái mỹ miều/Trẫm thương trẫm nhớ trẫm liều trẫm đi”. Mảnh đất này còn được biết đến với thứ bánh truyền thống đặc trưng. Bánh ngũ sắc (bánh in). Loại bánh 5 màu này chỉ dâng cúng lên bàn thờ tổ tiên khi lễ cúng, Tết. Bánh gói bằng giấy bóng có năm màu gồm hồng, xanh, vàng, cam, đỏ nên gọi là bánh ngũ sắc.

Nghề truyền thống “sống” trong Tết -0
 

Từ tháng Tám âm lịch, người dân rục rịch sản xuất bánh ngũ sắc. Bận rộn hơn cả là tháng Chạp, lúc thị trường có nhu cầu cao. Bánh cúng tất niên, cúng giao thừa, chưng bàn thờ các ngày Tết. Người dân dậy từ sáng sớm chuẩn bị nguyên liệu, đến đêm tối mới xong việc.
Kim Long những ngày này rộn ràng tiếng chày, mùi thơm phức của bột đậu xanh... Bên trong cơ sở sản xuất của bà Mai Thị Hậu, tổ 8, phường Kim Long, người in bánh, người gói bánh… Hơn 20 năm làm bánh ngũ sắc, bà Hậu trình bày: “Làm bánh ngũ sắc là nghề truyền thống của phường. Một ngày, lò bánh chúng tôi làm ra khoảng 5 nghìn chiếc. Có 3 loại bánh gồm bánh tầng, bánh gói và hạt sen. Một gói bánh có 50 chiếc. Bánh có nhiều kích cỡ tháp, tháp cao nhất khoảng 14 tầng. Thu nhập không cao nhưng lại tạo công ăn việc làm cho người dân”.

Những người phụ nữ xứ Huế thoăn thoắt đôi bàn tay trên đống bột đậu xanh. Họ làm như thể những chiếc máy được lập trình sẵn. Chỉ cần bấm nút, những cánh tay hoạt động chuyên nghiệp, không đứt quãng. Hàng vạn chiếc bánh ngũ sắc lần lượt hình thành. Sâu bên trong các lò làm bánh, những mẻ bánh được sấy, thơm mùi Tết.

Dịp Tết cổ truyền, nhịp độ hoạt động của các lò làm bánh ngũ sắc nhanh hơn. Cần mẫn in bánh, bà Hồ Thị Kim Liên, một trong những hộ còn theo nghề, chia sẻ, dịp Tết, mỗi ngày gia đình làm hàng nghìn chiếc bánh. Cao điểm, tôi còn thuê thêm vài người cùng làm bánh phục vụ Tết.

Theo các bậc cao niên trong làng, hàng chục năm trước, Kim Long có hàng chục hộ làm bánh ngũ sắc. Hiện nay, khoảng chục hộ còn theo nghề vì công việc vất vả, một hộ trung bình một ngày làm ra khoảng năm - sáu nghìn chiếc bánh. Nhiều năm về trước, họ giã đậu xanh bằng tay. Bây giờ, dùng máy móc rang, xay, giã bột, còn việc in, gói bánh vẫn làm bằng tay. Chiếc bánh ngũ sắc thơm ngon, vị bùi của đậu và ngọt của đường như chứa biết bao tâm tình của người dân Kim Long mang đến cái Tết đầy hương vị, gìn giữ văn hóa ẩm thực xứ Huế…

Nghề truyền thống “sống” trong Tết -0
Làm hạt nổ bằng phương pháp thủ công. 

Xuôi dòng Hương giang, về làng Mậu Tài và làng Lại Ân, xã Phú Mậu, huyện Phú Vang, trên dưới 20 hộ dân bận rộn làm hạt nổ đủ sắc màu gồm vàng, đỏ, xanh, trắng. Tết là thời điểm “ăn nên làm ra” do nhu cầu dùng hạt nổ dịp lễ, Tết cao. Lâu nay, hạt nổ là đồ cúng không thể thiếu trong ngày giỗ, cúng tế, nhất là người Huế. Các cụ cao niên trong xã kể: “Khoảng hơn 50 năm trước, có người phụ nữ lấy chồng ở thôn Địa Linh, xã Hương Vinh, thị xã Hương Trà. Rồi về làng Mậu Tài làm nghề sản xuất hạt nổ. Hạt nổ tiếp tục được làm ra ở làng này”.

Đến Mậu Tài, hỏi ông Phan Dũng không có ai không biết, bởi đây là gia đình duy nhất còn làm hạt nổ theo phương thức thủ công truyền thống. “Cứ đến giáp Tết, các thành viên trong gia đình làm suốt ngày cho đủ số lượng hàng để bán. Thấy hạt nổ đơn giản chứ khó làm, tốn nhiều công sức”, ông Dũng, có hơn 30 năm làm hạt nổ, nói.

Nghề truyền thống “sống” trong Tết -0
Hạt nổ là thứ không thể thiếu trong các dịp lễ, Tết.

Kiên trì theo phương thức thủ công, vợ chồng ông Dũng mất nhiều thời gian để cho ra những mẻ hạt nổ. Để có hạt nổ đẹp, quan trọng nhất là chọn gạo nếp. Hạt nếp trắng, to. Trải qua nhiều công đoạn, cuối cùng, những hạt bột dần phồng lên tạo ra hạt nổ nhiều sắc màu.

Vừa kéo bột, ông Dũng kể: “Trong làng này, trước đây có nhiều gia đình làm hạt nổ bằng phương thức thủ công lắm. Nhớ lại lúc đó, cả người già lẫn người trẻ đều làm. Người trẻ cắt bột, người già kéo bột… Không khí ngày ấy sao mà vui tươi quá. Tuy nhiên, do công việc vất vả nên những năm gần đây, nhiều nhà chuyển sang dùng máy móc làm hạt nổ”. Khi làm thủ công, hạt nổ được làm bằng hạt nếp. Khi ứng dụng máy móc, hạt nổ được làm bằng hạt gạo. Do trong máy xay, hạt nếp dẻo sản phẩm xấu. Máy móc giúp bớt vất vả, tăng năng suất hơn.

Theo các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, trong các lễ cúng đều dùng hạt nổ để phân phát cho các loại cô hồn đang đói khát, vất vưởng khắp nơi. Hạt nổ thường để trong đĩa trên các mâm giỗ, lễ, Tết… Hương tàn, đốt vàng mã, ném hạt nổ xung quanh cùng cháo thánh.

Dòng tranh không thua gì Đông Hồ, Hàng Trống

Lại Ân không chỉ có hạt nổ, mảnh đất này còn nổi tiếng với dòng tranh làng Sình (còn gọi là làng Lại Ân). Hơn 400 năm tồn tại, tranh làng Sình cùng với tranh Đông Hồ, Hàng Trống ở phía Bắc, tranh dân gian Nam Bộ tạo nên giá trị mĩ thuật dân gian truyền thống quý giá. Các nhà nghiên cứu đánh giá cao giá trị nghệ thuật và giá trị trong đời sống tâm linh của tranh làng Sình. Nét nổi bật của tranh làng Sình so với những dòng tranh dân gian nổi tiếng khác như Đông Hồ, Hàng Trống... không phải là sự cầu kỳ, mà bởi những nét vẽ mộc mạc, đơn sơ, đậm chất làng quê.

Nghề truyền thống “sống” trong Tết -0
Tranh nhân vật. 

Nghề này không phải chỉ hoạt động trong dịp Tết, mà người dân in tranh quanh năm. Nhưng Tết là thời điểm công việc bộn bề nhất, với số lượng in hàng chục nghìn tờ. Tranh có nội dung chủ yếu xoay quanh các chủ đề như tranh nhân vật, tranh đồ vật và tranh súc vật… Dòng tranh làng Sình được tạo nên từ các bản khắc với các bản khắc như 12 con giáp, Con Ảnh (tranh cúng thế mạng)... 

Nghề truyền thống “sống” trong Tết -0
Tranh cúng thế mạng. 

Nếu như toàn tỉnh Thừa Thiên Huế hiện nay có khoảng 200 hộ làm nghề in tranh Sình thì làng Sình đã chiếm khoảng 70 hộ. Có chín đời theo nghề in tranh làng Sình, gia đình nghệ nhân Kỳ Hữu Phước được xem là những người có công lớn đưa nghề từ bờ vực lụi tàn đến hồi sinh. Nó trở thành thứ đồ lễ không thể thiếu trong đời sống tâm linh của người dân Huế. Nghệ nhân Phước, truyền nhân đời thứ chín, tâm sự, một thời nghề làm tranh nuôi sống biết bao gia đình, ăn sâu vào văn hóa của dân làng. 

Nghề truyền thống “sống” trong Tết -0
 Nghệ nhân Kỳ Hữu Phước là truyền nhân đời thứ chín của nghề truyền thống này.

Nghệ nhân Kỳ Hữu Phước tiết lộ, nghề in tranh Sình không khó cũng không dễ. Đây là loại tranh thờ cúng nên cần cái tâm của người làm tranh. Do vậy, tranh Sình không phải là loại tranh độc bản, tùy thuộc vào khả năng cảm thụ màu sắc, kĩ năng vẽ tay và cảm xúc của nghệ nhân sẽ ra dị bản khác nhau.

Nghề truyền thống “sống” trong Tết -0
Nghệ nhân Kỳ Hữu Phước là truyền nhân đời thứ chín của nghề truyền thống này. 

Năm 2020, một năm thiên tai, dịch bệnh liên miên. Nhiều hoạt động trong đời sống chưa trở lại nhịp độ bình thường. Dẫu vậy, đến giáp Tết, các làng nghề truyền thống ở xứ Huế tất bật vào mùa “ăn nên làm ra”, lưu giữ những giá trị văn hóa của cha ông để lại. Những làng nghề làm bánh, làm tranh hay biết bao làng nghề truyền thống khác ở Huế như làng hương Thủy Xuân, làng nghề đan lát Bao La… ngày đêm tạo ra sản phẩm chất lượng cho cái Tết.

Nghề truyền thống “sống” trong Tết -0
Tranh làng Sình xứ Huế. 

Các làng nghề truyền thống tất bật dịp Tết nằm cạnh dòng Hương giang thơ mộng. Cuộc sống hối hả trôi qua. Làng nghề làm bánh, làm hạt nổ… vẫn bắt nhịp cùng thời đại, chầm chậm trôi như dòng sông Hương chảy vào cuộc sống hiện đại. Các làng nghề truyền thống đan xen vào lối sống tân thời, tạo nên màu sắc đậm đà bản sắc dân tộc, làm cho Tết truyền thống thêm phần ý nghĩa.