Làng “tranh đỏ” hồi sinh

NDO -

NDĐT – Hai năm trở lại đây, ở những lễ hội, hội chợ xuân, không khó để bắt gặp hình ảnh những nghệ nhân áo the khăn xếp lúi húi trưng bày tranh dân gian, tranh tết, trong đó có những nghệ nhân rất trẻ của làng tranh đỏ Kim Hoàng (Vân Canh, Hoài Đức, Hà Nội). Làng Kim Hoàng đã hồi sinh và trở thành một dòng chảy nho nhỏ, âm thầm, cùng với những làng tranh dân gian khác, tạo nên những sắc màu phong phú cho văn hóa truyền thống.

Làng “tranh đỏ” hồi sinh

Khôi phục làng tranh trăm tuổi

Làng tranh đỏ Kim Hoàng hình thành từ đầu thế kỷ 18. Theo sách “Đồ họa cổ Việt Nam”, làng tranh do những người dân Thanh Hóa di cư ra bắc năm 1701, gồm hai làng Kim Bảng và Hoàng Bảng hợp nhất lại. Thời bấy giờ, tranh dân gian được ưa chuộng và rất thịnh, đặc biệt là vào dịp Tết nguyên đán. Nhận thấy tranh Đông Hồ chỉ đủ cung cấp cho vùng Hà Bắc cũ, Hải Dương, Nam Định, tranh Hàng Trống chỉ đủ cho Hà Nội, hai dòng họ Nguyễn Sỹ và Nguyễn Thế ở Kim Hoàng đã quyết tâm tạo ra một dòng tranh mới trên cơ sở kết hợp cả hai kỹ thuật vẽ tranh Đông Hồ và Hàng Trống.

Làng “tranh đỏ” hồi sinh ảnh 1

Họa sĩ Xuân Như tìm hiểu tranh Kim Hoàng trong sách tư liệu của Pháp.

Năm 1915, xảy ra trận lụt lớn cuốn trôi phần lớn ván in tranh, số còn lại cũng không được quan tâm nhiều do mất mùa, đói kém, thiên tai. Đến năm 1945, nạn đói xảy ra trên diện rộng, dòng tranh này đã hoàn toàn biến mất. 70 năm thất truyền, Kim Hoàng chỉ còn là cái tên được người làng kể lại cho nhau nghe vào mỗi dịp Tết đến, xuân về.

Làng “tranh đỏ” hồi sinh ảnh 2

Những sắc thái khác nhau trên cùng một bản rập của tranh Kim Hoàng.

Năm 2015, nhà nghiên cứu, sưu tầm tranh dân gian, Giám đốc Bảo tàng gốm sứ Nguyễn Thị Thu Hòa đã may mắn được tiếp cận với tập tài liệu quý: bộ sách “Tranh dân gian Việt Nam” của học giả, nhà nghiên cứu Maurice Durand (xuất bản năm 1960). Cuốn sách đề cập đến rất nhiều dòng tranh dân gian của Việt Nam như Đông Hồ, Hàng Trống, và còn có cả những bức tranh đỏ Kim Hoàng. Con của Maurice là Marcus Durand đã cùng các nhà khoa học Pháp - Việt chỉnh lý lại kho tư liệu của cha ở Paris, rồi tái bản tác phẩm.

Từ những tư liệu trong cuốn sách, bà Nguyễn Thị Thu Hòa cùng các cộng sự, một số nhà nghiên cứu đã lần tìm, xác định và nghiên cứu những đặc điểm của tranh Kim Hoàng, cách sử dụng màu sắc cũng như kỹ thuật vẽ, in ấn. Nhóm cũng về tận làng Kim Hoàng tìm hiểu từ những bậc cao niên trong làng, và từ đó tìm cách khôi phục lại dòng tranh huy hoàng một thời này.

Độc đáo tranh đỏ

Quá trình phục hồi làng tranh bao gồm việc khôi phục lại 50 mẫu tranh cũ, lấy từ tư liệu trong cuốn “Tranh dân gian Việt Nam” của học giả, nhà nghiên cứu Maurice Durand, khôi phục màu sắc, kỹ thuật vẽ tranh, kỹ thuật in tranh, tiến tới sáng tạo những mẫu tranh mới.

Làng “tranh đỏ” hồi sinh ảnh 3

Bà Nguyễn Thị Thu Hòa cho biết, 50 mẫu tranh cũ từ tư liệu chủ yếu là tranh mô tả sinh hoạt của con người, các tích truyện, và bốn mẫu tranh gà, lợn, được in trên nền tranh đỏ cam, với nét vẽ thanh mảnh, mộc mạc. Các màu sắc sử dụng trong tranh thường là hồng tím, trắng và xanh lá cây nhạt. Đặc biệt là sắc đỏ cam đặc trưng của tranh Kim Hoàng, để tìm ra được đúng màu sắc chuẩn là một quá trình công phu của các nhà nghiên cứu.

Làng “tranh đỏ” hồi sinh ảnh 4

Tranh Kim Hoàng xưa còn được gọi là tranh đỏ, tranh Tết. Từ một câu nói của cụ già trong làng: “Màu của tranh giống màu câu đối Tết”, các nhà nghiên cứu đã tìm được một hàng viết câu đối Tết ở đối diện Quốc Tử Giám có màu tương đối giống, và sau đó nhờ tiếp họa sĩ Nguyễn Đức Hòa pha trộn màu ra tám sắc thái đỏ cam khác nhau. Màu đỏ cam chuẩn nhất được các cụ già trên 90 tuổi ở Kim Hoàng lựa chọn.

Xong phần màu, đến phần giấy. Theo tư liệu và lời kể của các cụ cao niên: “Giấy vẽ tranh là giấy dó, nhưng mỏng”, các nhà nghiên cứu đã tìm ra giấy dó, nhuộm màu đỏ lên, hong khô rồi mới bắt đầu vẽ hoặc in tranh. Đặc điểm của tranh Kim Hoàng là cũng vẽ trên nền giấy dó nhưng không quét điệp trắng như Đông Hồ mà để nguyên nhuộm đỏ.

Làng “tranh đỏ” hồi sinh ảnh 5

Lựa chọn sắc đỏ phù hợp nhất cho tranh.

Quá trình nhuộm đỏ nền tranh này cũng rất công phu. Phải làm sao nhuộm xong rồi phơi, giấy vẽ vẫn phải phẳng phiu, không nhăn, không cong vênh. Bà Nguyễn Thị Thu Hòa cho biết, phải mất hàng nghìn tờ giấy nhuộm rồi phơi, cuối cùng các nhà nghiên cứu xin được một bí quyết của nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế ở Đông Hồ để cho ra được tấm giấy nền phẳng phiu mịn màng sau khi nhuộm.

Có được giấy và màu rồi, các họa sĩ Nguyễn Đức Hòa và Trần Nguyên Đán đã giúp thiết kế thêm 20 mẫu tranh dân gian dựa trên những mảng chạm khắc trên đình làng.

Nuôi dưỡng tình yêu với tranh dân gian

Hiện tại làng tranh Kim Hoàng có ba người đang gìn giữ, theo đuổi dòng tranh này, với sự hỗ trợ của dự án khôi phục làng tranh. Người cao tuổi nhất là ông Nguyễn Sĩ Tiến, hậu duệ của dòng họ Nguyễn Sĩ, một trong hai dòng họ có công tạo dựng ra dòng tranh đỏ đầu tiên ở làng Kim Hoàng. Ngoài ông Sỹ, còn có hai người trẻ nữa là anh Đào Đình Trung và anh Xuân Như. Anh Đào Đình Trung là người làng, theo như lời anh kể, từ nhỏ đã nghe các cụ nói nhiều về dòng tranh của làng, cũng thấy tiếc. Khi biết được các chuyên gia có ý định khôi phục dòng tranh của làng mình, anh đã tham gia dự án, đã đi học vẽ và luyện tập để vẽ được như yêu cầu của dự án. “Thấy chị Thu Hòa về dựng lại các mẫu tranh để khôi phục, tôi cũng muốn góp phần làm sống lại dòng tranh của quê hương mình. Gia đình tôi không theo nghề, nhưng sống từ nhỏ ở đây, thấy những bức tranh của các cụ để lại, tôi không muốn một di sản quý giá của làng mình bị mai một” – anh Trung chia sẻ.

Làng “tranh đỏ” hồi sinh ảnh 6

Anh Đào Đình Trung.

Anh Đào Đình Trung cũng cho biết, người làng Kim Hoàng rất tự hào vì đã khôi phục được làng nghề đã bị thất truyền: “Mọi người cũng muốn khôi phục trở lại nghề làm tranh của làng. Dịp Tết có khách đặt tranh, chúng tôi mang ra các hội chợ, hội làng, mang ra cả Văn Miếu. Nhiều người quan tâm, vì họ thấy lạ. Chúng tôi đang làm tranh Phúc Lộc Thọ, bán khá chạy dịp tết”.

Người còn lại là họa sĩ Xuân Như, cũng là chuyên gia viết thư pháp. Anh Xuân Như ở Hà Nội, không phải người làng Kim Hoàng, nhưng vì yêu thích dòng tranh đã thất truyền này nên tìm về tham gia dự án phục hồi và học vẽ tranh. Anh Xuân Như cũng bỏ công nghiên cứu bộ sách Imagerie Populaire Vietnamien của tác giả Maurice Durand bản tiếng Pháp để tìm hiểu thêm về tranh Kim Hoàng.

Cũng là tranh dân gian nhưng tranh Kim Hoàng có nhiều điểm khác biệt. Nếu như những làng tranh khác là tranh vẽ, hoặc tranh in, thì Kim Hoàng vừa in, vừa vẽ. In màu rồi vẽ nét viền sau. Một số tranh cần vẽ tay nhiều hơn in màu. Tranh cũng đi theo cặp, như lợn - gà, tranh vẽ các vị thánh, tranh vẽ theo câu đối..., chỉ có vẽ theo truyện dân gian mới có tranh lẻ.

Làng “tranh đỏ” hồi sinh ảnh 7

Tranh Kim Hoàng còn khác với các dòng tranh ở chỗ có thêm phần chữ Hán Nôm, thường là vài câu thơ liên quan đến nội dung tranh, như tranh gà, tranh Đức Lưu Quang, Phúc Mãn Đường. Chính vì thế người vẽ tranh còn phải học viết cả chữ Hán, chữ Nôm. Bà Nguyễn Thị Thu Hòa cho biết: “Rất may là trong quá trình khôi phục, chúng tôi gặp được nghệ nhân thiết tha với nghề, lớn tuổi rồi vẫn học từng nét vẽ, học để thi vào trường mỹ thuật, rồi sang cả Đông Hồ học. Đó là cả một sự nỗ lực vượt bậc của nghệ nhân”.

Làng “tranh đỏ” hồi sinh ảnh 8

Tranh Nghê do các họa sĩ tạo mẫu.

Bà Thu Hòa cho biết, ngay cả thầy dạy vẽ cũng phải chọn thầy có thiên hướng về tranh dân gian. Tranh Kim Hoàng phải do chính người dân Kim Hoàng thấm đẫm văn hóa ở làng tạo ra, mới thực sự có ý nghĩa.