Làng cổ đầu tiên ở Quảng Nam đón nhận bằng Di tích cấp Quốc gia

NDO -

NDĐT - Tối 6-9, tại Làng cổ Lộc Yên, xã Tiên Cảnh, UBND huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam đã tổ chức lễ đón nhận bằng Di tích Quốc gia Làng cổ Lộc Yên. Đây là làng cổ đầu tiên của tỉnh Quảng Nam và là một trong bốn làng cổ của cả nước được xếp hạng di tích cấp quốc gia.

Trao Bằng Di tích Quốc gia cho Làng cổ Lộc Yên.
Trao Bằng Di tích Quốc gia cho Làng cổ Lộc Yên.

Vùng đất Lộc Yên, xã Tiên Cảnh (huyện Tiên Phước) có quá trình hình thành gắn với công cuộc khai hoang lập làng vào thế kỷ 15 - 16. Đến thời Tây Sơn (1771-1802), làng Lộc Yên mới chính thức được khai sinh với tên gọi ban đầu là Lộc An thôn, do ông Nguyễn Công Tuyết người làng Tân Phước (Tam Kỳ) khai phá.

Hiện nay, làng Lộc Yên có tổng diện tích tự nhiên 279ha. Tại Lộc Yên, nhân dân hiện còn lưu giữ tám ngôi nhà cổ có niên đại từ 100 đến 150 năm. Với kiểu thức kết cấu là nhà lá mái và nhà rường cùng kiến trúc độc đáo, tinh xảo, các ngôi nhà cổ Lộc Yên luôn được đánh giá là quần thể có giá trị cao về mặt kỹ xảo và mỹ thuật.

Vào những năm 50 của thế kỷ 20, Lộc Yên là nơi đặt công binh xưởng QB 150 chế tạo vũ khí, đạn dược cung cấp cho chiến trường khu V. Trong kháng chiến chống Mỹ, nhiều gia đình ở Lộc Yên là cơ sở của cách mạng. Làng Lộc Yên hiện có 12 gia đình là thân nhân liệt sỹ, nhiều người là thương binh và bệnh binh.

Trải qua những biến động, thăng trầm của lịch sử, Làng Lộc Yên vẫn giữ được bản sắc văn hóa truyền thống của người Việt và ngày càng phát triển.

Chủ tịch UBND xã Tiên Cảnh Lê Trường Hiền cho biết, đón nhận Bằng di tích quốc gia là niềm vinh dự và cũng là trách nhiệm lớn đối với người dân Lộc Yên nói riêng và xã Tiên Cảnh nói chung. Với trách nhiệm của mình, sắp đến, chúng tôi sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân giữ gìn, phát huy giá trị của làng cổ; đồng thời mong muốn các cấp, ngành quan tâm hỗ trợ đia phương hoàn thiện việc quy hoạch không gian chung của làng cổ; qua đó, tiếp tục bảo tồn, phát huy giá trị làng Lộc Yên, gắn với phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.