Kỷ niệm 194 năm ngày mất của vua Gia Long và 210 năm Quốc hiệu Việt Nam ra đời

NDO -

NDĐT - Sáng nay 19-1, tại Thế Tổ Miếu (Đại nội Huế), Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế phối hợp Hội đồng Trị sự Nguyễn Phúc Tộc tổ chức lễ kỷ niệm 194 năm ngày mất của Vua Gia Long (1820-2014) - vị vua đầu tiên của triều Nguyễn, là người có vai trò quan trọng trong việc mở rộng và thống nhất bờ cõi của Việt Nam đầu thế kỷ 19; đồng thời kỷ niệm 210 năm Quốc hiệu Việt Nam ra đời (1804-2014).

Các đại biểu lần lượt dâng hương tưởng nhớ công ơn của tiền nhân.
Các đại biểu lần lượt dâng hương tưởng nhớ công ơn của tiền nhân.

Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế, TS PhanThanh Hải cho biết: Thế Tổ Cao hoàng đế niên hiệu Gia Long tên thật là Nguyễn Phúc Ánh, sinh ngày 8 tháng 2 năm 1762, mất ngày 3 tháng 2 năm 1820, là vị chúa Nguyễn thứ 10 cũng là vị hoàng đế đầu tiên của vương triều Nguyễn, người đã thống nhất toàn cõi Việt Nam sau hơn 200 năm đất nước bị chia cắt, phân liệt. Dưới thời vua Gia Long, lãnh thổ nước Việt Nam rộng lớn hơn bao giờ hết, trải dài từ biên giới Trung Quốc đến vịnh Thái Lan, bao gồm cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Cũng dưới thời vua Gia Long, Quốc hiệu Việt Nam lần đầu tiên chính thức được sử dụng vào năm 1804, đến nay đã tròn 210 năm.

Theo TS PhanThanh Hải, sau khi thiết đặt triều đại, với Quốc hiệu Việt Nam (1804), vua Gia Long đã áp dụng chính sách khoan hòa, cởi mở trong trị vì, khiến cho đất nước vừa kinh qua chiến tranh nồi da xáo thịt gần 200 năm, đã nhanh chóng trở nên trù phú thịnh vượng, thành một quốc gia hùng cường ở khu vực Đông Nam Á.Đặc biệt, với tầm nhìn thấu suốt về vị trí, vai trò vô cùng quan trọng của biển đảo đối với việc giữ gìn và phát triển đất nước, vua Gia Long đã không ngừng tuyên bố và thực thi chủ quyền của Việt Nam đối với các đảo và quần đảo trên biển Đông, đặc biệt là hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; đồng thời chăm lo xây dựng lực lượng hải quân và các tuyến phòng thủ ven biển, mặt khác vẫn tích cực phát triển ngoại giao và thương mại trên biển. Vì vậy, nước Việt Nam đầu thời Nguyễn là một quốc gia hùng cường và có uy tín ở khu vực.

Vua Gia Long cũng là người cho quy hoạch và xây dựng Kinh thành Huế trên nền tảng của văn hóa truyền thống có kết hợp khéo léo với các yếu tố văn minh phương Tây, tạo nên một “kiệt tác về thơ kiến trúc đô thị”, đã được UNESCO vinh danh là Di sản thế giới.

Tại buổi lễ, đông đảo các vị lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên - Huế cùng các vị bô lão đại diện dòng hộ Nguyễn Phúc Tộc đã thực hiện nghi thức tưởng niệm, dâng hương lên Ngài với sự thành kính, cũng như trang trọng hướng về kỷ niệm 210 năm ngày Quốc hiệu Việt Nam chính thức được thành lập.