Văn hóa và Phát triển

Không để mai một di sản hát sắc bùa Phú Lễ

Hát sắc bùa (HSB) Phú Lễ là một trong sáu loại hình diễn xướng dân gian của người dân Bến Tre. Năm 2017, HSB Phú Lễ được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Nhưng hiện nay, HSB Phú Lễ đang có nguy cơ mai một do nhu cầu thưởng thức và môi trường diễn xướng không còn phù hợp cho nên cần có cơ chế, chính sách để bảo tồn loại hình nghệ thuật độc đáo này.

Đội hát sắc bùa xã Phú Lễ (huyện Ba Tri) vẫn duy trì luyện tập và biểu diễn.
Đội hát sắc bùa xã Phú Lễ (huyện Ba Tri) vẫn duy trì luyện tập và biểu diễn.

Những người "giữ hồn" cho HSB Phú Lễ

Vừa đến đầu đường vào nhà nghệ nhân Bảy Chấn (Nguyễn Văn Chấn, 65 tuổi, ngụ ấp Cầu Hòa, xã Phong Nẫm, huyện Giồng Trôm) đã nghe tiếng trống cơm, tiếng đàn cò cùng lời hát của đội HSB Phú Lễ xã Phong Nẫm đang tập dượt. Mấy năm gần đây, những lời hát mộc mạc cùng tiếng nhạc cụ dân gian độc đáo đã trở nên quen thuộc với người dân ấp Cầu Hòa. Đây cũng là nơi duy nhất trên địa bàn tỉnh Bến Tre còn duy trì sinh hoạt vào mỗi thứ năm hằng tuần để "giữ hồn" cho nghệ thuật HSB Phú Lễ. Nghệ nhân Bảy Chấn vừa là đội trưởng vừa là ông bầu và biểu diễn trống cơm trong đội HSB Phú Lễ. Hiện tại, đội có sáu thành viên với đủ nghề nghiệp như: giáo viên, thợ hồ, làm vườn... nhưng có chung niềm đam mê giữ gìn và phát huy di sản văn hóa HSB Phú Lễ. Nghệ nhân Bảy Chấn cho biết: "Trước đây đội tập ở nhà nghệ nhân Lư Văn Hội ở cùng xóm. Cách đây hai năm, Nghệ nhân Lư Văn Hội qua đời, cả đội rời về đây. Suốt năm rồi dịch bệnh, chẳng diễn được bao nhiêu suất nhưng đội quyết tâm duy trì sinh hoạt, cùng nhau tập dượt để không quên bài".

Trước đây, khi còn sống, nghệ nhân Lư Văn Hội (ngụ xã Phong Nẫm, huyện Giồng Trôm - Nguyên Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa tỉnh Bến Tre) cùng các nhà nghiên cứu cất công sưu tầm nghệ thuật diễn xướng HSB Phú Lễ để dạy lại cho các thế hệ sau. Năm đội HSB Phú Lễ đã ra đời gồm: đội HSB xã Phong Nẫm; đội HSB Bảo tàng tỉnh Bến Tre; đội HSB Trường THCS Phú Lễ (huyện Ba Tri); đội HSB xã Phú Lễ (huyện Ba Tri) và đội HSB Trung tâm văn hóa huyện Ba Tri.

Theo nghệ nhân Bảy Chấn, HSB Phú Lễ có ba phần cơ bản gồm: nghi lễ; hát chúc tụng, giúp vui và giã từ. Mỗi phần có nhiều bài như: mở cửa rào, khai môn, rước xuân, tiên sư, chúc làm ruộng, chúc nghề dệt vải, lý lơ thơ, giã từ... So với các địa phương khác, HSB Phú Lễ có phần khác biệt như: nhạc cụ có thêm cây đờn cò, trống cơm; mỗi thành viên trong đội vừa là nhạc công, vừa là diễn viên và hát theo lối cái kể, con xô. Ngoài ra, số lượng thành viên trong đội thấp nhất là bốn người, mỗi thành viên sử dụng một loại nhạc cụ khác nhau. Đặc biệt, thành viên trong đội phát triển theo số chẵn nhưng không quá 12 người. Thông qua hình thức truyền miệng, ông bầu có nhiệm vụ tổ chức tập dượt cho toàn đội, đồng thời sáng tác bài bản mới nhằm đáp ứng nhu cầu chúc tụng nghề nghiệp và hát giúp vui để hướng dẫn cho đội trước khi vào mùa phục vụ.

Thời gian qua, các thành viên đội HSB Phú Lễ xã Phong Nẫm thường xuyên sáng tác những bài mới: Nghệ nhân Lương Văn Tất sáng tác bài Vè cây dừa, chúc mừng làng nghề Bến Tre; nghệ nhân Bảy Chấn sáng tác bài chúc mừng khách đến Bến Tre; nghệ nhân Lư Văn Hội đã sáng tác bài cùng nhau giữ sạch môi trường, chúc mừng nghề thú y, chúc mừng nghề thầy giáo, chúc mừng rượu Phú Lễ... Nghệ nhân Lương Văn Tất cho biết: "Anh em trong đội cùng nhau sáng tác, biểu diễn với niềm đam mê muốn giữ gìn, phát huy nghệ thuật độc đáo của HSB Phú Lễ chứ không có quyền lợi gì về vật chất. Thù lao các buổi biểu diễn chỉ đủ cho các thành viên đổ xăng xe, khi nào có đơn vị tài trợ tặng dư chút đỉnh thì gom vô quỹ hoạt động của đội. Tuy nhiên, lâu nay anh em chủ yếu bỏ tiền túi ra đóng quỹ cùng nhau hoạt động chứ không có thu nhập từ biểu diễn".

Chủ tịch Hội Di sản văn hóa tỉnh Bến Tre Nguyễn Quang Trị cho biết: "Hội rất quan tâm đến công tác bảo tồn, phát huy di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia là HSB Phú Lễ. Hiện tại năm đội HSB Phú Lễ còn khoảng 20 nghệ nhân và có một số nghệ sĩ của Trung tâm Văn hóa - Thể thao tỉnh biết biểu diễn loại hình nghệ thuật này".

Cần có chính sách bảo tồn, phát triển nghệ thuật HSB Phú Lễ

HSB Phú Lễ ra đời vào thế kỷ 18 và tồn tại đến tận bây giờ. Các nhà khoa học, nhà nghiên cứu dân gian nhận định, vào cuối thế kỷ 18, ông Trần Văn Hậu là con rể ông Hồ Đức Quang (người xã Phú Lễ), khi làm quan tại tỉnh Bình Định, thấy điệu HSB hay mới về dạy cho dân xã Phú Lễ hát. Sau đó, HSB được truyền dạy sang các địa phương lân cận. Thời gian gần đây, năm đội HSB Phú Lễ của tỉnh Bến Tre chỉ còn đội tại xã Phong Nẫm sinh hoạt mỗi tuần một lần vào chiều thứ năm như đã nói ở trên và đội HSB Phú Lễ Bảo tàng tỉnh Bến Tre biểu diễn vào tối ngày 30 hằng tháng. Nguy cơ mai một rất cao do thế hệ kế cận rất ít. Tại xã Phú Lễ là cái nôi của HSB Phú Lễ giờ chỉ còn vài nghệ nhân biết hát và có rất ít dịp để giao lưu, tập dượt. Nghệ nhân Cao Thị Chùm, 75 tuổi, là thành viên cao tuổi nhất trong đội HSB xã Phú Lễ rất lo lắng khi thiếu vắng thế hệ kế cận lúc mình đã tuổi cao, sức yếu. Bà kể: "Ngày nhỏ, tôi theo cha đi biểu diễn tại xã Phú Lễ và các xã lân cận trong những ngày Tết. Cả đoàn đi bằng xe bò đến nhà nào cũng biểu diễn, góp vui, ai có gì thì cho nấy. Loại hình nghệ thuật này đang dần mai một, chỉ một số ít người lớn tuổi còn biết". Năm 2011, nghệ nhân Lư Văn Hội về xã Phú Lễ dạy biểu diễn nghệ thuật HSB Phú Lễ, bà Chùm đăng ký ngay. Vào đội, bà hát lại những bài hát của cha, ông ngày trước biểu diễn đã gần như đi vào quên lãng. Tuy nhiên, được mấy năm, nghệ thuật HSB Phú Lễ lại có nguy cơ tiếp tục bị mai một do không có đất diễn, không có kinh phí để duy trì hoạt động. Nghệ nhân Nguyễn Thanh Quang, đội trưởng đội HSB xã Phú Lễ (huyện Ba Tri) kiến nghị: "Nhà nước cần có chế độ, chính sách để khuyến khích, bảo tồn loại hình nghệ thuật này. Bây giờ, anh em trong đội chỉ cần hằng tháng được tập trung sinh hoạt một lần; có chỗ biểu diễn và một phần kinh phí. Lâu nay, anh em đều phải tự túc hết nên rất khó khăn".

Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Ba Tri Võ Văn Lem cho biết: "Hiện tại, các nghệ nhân lớn tuổi biết nhiều về HSB Phú Lễ đã mất. Trước đây, địa phương khôi phục lại ba đội nhưng gần đây rất ít biểu diễn nên hầu như tan rã. Đội Trường THCS xã Phú Lễ không sinh hoạt do các em đã lên cấp ba, học đại học nên tứ tán; đội Trung tâm văn hóa huyện hằng năm chỉ biểu diễn một ngày tại khu lăng mộ nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu. Còn lại đội xã Phú Lễ chỉ còn vài thành viên cũng rất ít sinh hoạt. Sắp tới, sẽ kiến nghị lên trên có hướng đầu tư, truyền dạy cho các thế hệ kế thừa để bảo tồn loại hình di sản văn hóa độc đáo này".

Mấy năm nay, Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Bến Tre đã tìm cách cải biên theo hướng sân khấu hóa để đưa nghệ thuật HSB Phú Lễ đến gần hơn với công chúng. Giám đốc Trung tâm Nguyễn Hoài Anh cho biết: "Trung tâm đã cải biên nghệ thuật HSB Phú Lễ bằng cách xây dựng một số động tác như: đối đáp giữa nam và nữ, giao đãi, tương tác sân khấu... nhằm phù hợp với nhu cầu giải trí hiện nay. Khi đó, nhiều khán giả chấp nhận nhưng một số nhà nghiên cứu thì cho rằng nên giữ nguyên bản gốc. Vì vậy, ở các buổi biểu diễn đoàn thường hát cả hai loại hình để phục vụ nhu cầu khán giả". Từ năm 2018, Trung tâm đã đưa các loại hình nghệ thuật dân gian như: đờn ca tài tử, hát dân ca, HSB Phú Lễ... vào trường học ở các tiết ngoại khóa nhằm giúp học sinh biết về loại hình nghệ thuật độc đáo của cha ông.

Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bến Tre Nguyễn Thị Ngọc Dung cho biết: "Về quản lý nhà nước, ngành rất quan tâm để bảo tồn di sản văn hóa HSB Phú Lễ nhằm tránh mai một. Trong đó, đã đưa vào kế hoạch chung để mở lớp truyền dạy cho các thế hệ kế cận, tạo không gian biểu diễn ở các khu du lịch, bảo tàng, trường học... Tuy nhiên, hiện nay chủ yếu lồng ghép với các hoạt động khác chứ chưa có nguồn kinh phí riêng để bảo tồn nghệ thuật HSB Phú Lễ. Sắp tới, Sở sẽ phối hợp Hội Di sản văn hóa tỉnh Bến Tre tổ chức các lớp truyền dạy loại hình nghệ thuật này; tìm nguồn kinh phí từ xã hội hóa và từ nội lực để tiếp tục duy trì và phát triển nghệ thuật HSB Phú Lễ".